NSND Thanh Hoa: Người đàn bà mang sứ mệnh hát

GD&TĐ - NSND Thanh Hoa vừa kỷ niệm 55 ca hát bằng liveshow “Em vẫn như ngày xưa” và nhìn lại chặng đường cống hiến cho âm nhạc Việt. Điều làm nên những xúc cảm của đêm nhạc chính là tâm tình của người nghệ sĩ hát trong mùa thu thứ 70 của đời mình. 

NSND Thanh Hoa cùng chồng là nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi.
NSND Thanh Hoa cùng chồng là nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi.

Sứ mệnh “Người đàn bà hát”

Đã sắp bước vào tuổi 70, NSND Thanh Hoa vẫn trẻ trung cả ngoại hình lẫn giọng hát. Bà mang vẻ đẹp nghệ sĩ bởi sự trẻ trung của tâm hồn, dồi dào năng lượng với nghề.

“Em vẫn như ngày xưa” kể câu chuyện cuộc đời của NSND Thanh Hoa từ lúc bước chân vào mái trường âm nhạc Việt Nam cho đến nay. Khách mời đều là các nghệ sĩ thân thiết, những học sinh của bà như NSƯT Đức Long, Việt Hoàn, Tân Nhàn, Đinh Hiền Anh...

Đêm nhạc ấm cúng, gắn bó với sự góp mặt của con trai Thanh Hoa - ca sĩ Tôn Thất Sơn và cháu nội của chị - bé Tôn Nữ Nguyệt Vy. Phần vũ đạo do con dâu nữ nghệ sĩ và các đồng nghiệp thể hiện. Đạo diễn liveshow là NSƯT Huyền Thanh. Chương trình được dàn dựng lớp lang, uyển chuyển, dẫn dắt, lôi cuốn khán giả và nghệ sĩ sống lại những kỷ niệm đẹp đẽ và hào hùng một thời.

Những ca khúc mang đậm hơi thở và sức sống như “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Em vẫn như ngày xưa”, “Em chọn lối này”, “Con kênh ta đào”, “Trăng khuyết”, “Con thuyền không bến”...

Không chỉ trong ngành đường sắt, đối với nhiều người, câu hát “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi….” đã quá thân thuộc. Ai đó có thể nghe, nhưng dù nghe trong hoàn cảnh hay phương tiện âm thanh nào thì Thanh Hoa không lẫn với bất cứ giọng ca nào khác.

Chất giọng da diết, vang ngân, nét luyến láy rất riêng đã được chứng thực suốt hành trình cống hiến vì nghệ thuật của bà. Dài hơn nửa đời người, và theo từng năm tháng, chất giọng ấy vẫn tồn tại và tỏa sáng lấp lánh, giữ nguyên chất da diết, ấm áp như ngày xưa.

“Khi tâm hồn nghệ sĩ luôn rộng mở, đón nhận sự giao hòa, người nghệ sĩ luôn tìm thấy tình yêu trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống. Tôi đã từng tổ chức liveshow kỷ niệm 40 năm ca hát mang tên “Hát... thầm....” khi chuẩn bị nhận sổ hưu.

Với “Em vẫn như ngày xưa”, tôi không khẳng định tài năng, cũng không kinh doanh tên tuổi mà hát để tri ân những người yêu tôi, truyền cho tôi cảm hứng và để thể hiện rằng tôi yêu họ”, NSND Thanh Hoa tâm sự.

Và đam mê cống hiến

NSND Thanh Hoa tên thật Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1950. Ngay từ nhỏ cô bé Thanh đã mê ca hát. Năm 9 tuổi, Thanh đoạt giải Nhất giọng hát Hoạ mi của thị xã Hà Đông. 16 tuổi, nghệ sĩ Thanh Hoa bước chân vào Trường Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc quốc gia bây giờ) theo học hệ Trung cấp thanh nhạc.

Năm 1970, khi tròn 16 tuổi, cô ca sĩ trẻ trở thành ca sĩ của Đài Phát thanh Giải phóng (còn có tên bí mật là đài CP-90) và bắt đầu sự nghiệp với nghệ danh Thanh Hoa với bài hát đầu tiên được phát sóng - “Cánh chim mùa xuân” của nhạc sĩ Huỳnh Thơ.

Năm 1975, sau thời gian tham gia đoàn văn công đi biểu diễn ở Trường Sơn phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Thanh Hoa trở về, nhận công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và gắn bó với dàn nhạc của đài cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2006).

Trong môi trường âm nhạc rộng mở này, tài năng Thanh Hoa nở rộ, bà trở thành một trong những ca sĩ đạt kỷ lục về số lượng 700 bản thu âm đơn ca. Nếu tính cả các bản thu âm song ca và hợp xướng thì bà chính là ca sĩ được thu âm nhiều nhất với con số hơn 1.000 bài.

Những ca khúc đã được phát sóng rất nhiều lần và làm nên tên tuổi của NSND Thanh Hoa có rất nhiều, tiêu biểu nhất như: “Khúc hát ru của người mẹ trẻ”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Tình yêu của đất và nước”, “Con kênh ta đào”, “Tàu anh qua núi”, “Tình yêu bên dòng sông Quan họ”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, “Đường tàu mùa xuân” ...

Nhìn lại con đường mình đã đi qua, NSND Thanh Hoa chia sẻ: “Tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã trao cho tôi trách nhiệm được là người ngợi ca, làm đẹp cho cuộc đời. Tôi đã hát gần nghìn bài hát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, về tất cả các ngành nghề, công nông binh, mang các giai điệu âm nhạc phục vụ công chúng và cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Giọng hát của tôi đã trở thành một công cụ xã hội, công cụ ấy được tạo ra bằng khát vọng và niềm đam mê âm nhạc Việt”.

Luôn dấn thân và tìm tòi con đường đưa âm nhạc đến gần hơn với công chúng, từ năm 1995, nghệ sĩ Thanh Hoa trở thành bà chủ của phòng trà Aladin và mở công ty biểu diễn nghệ thuật mang tên mình.

Sân sau nghệ thuật này đã giúp nghệ sĩ không ngừng nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc và tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật với nhiều chuyến lưu diễn trong và ngoài nước.

“NSND Thanh Hoa đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trao cho. Chặng đường 55 năm ghi dấu tình yêu khán giả dành cho bà. Tôi không chỉ thấy ở bà một người phụ nữ tài năng, sự can đảm vượt lên nhiều sóng gió để thành công mà còn học được ở bà một tấm gương lao động nghệ thuật nghiêm túc và tận tâm”, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng chia sẻ.

Hiện tại, NSND Thanh Hoa đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA). Cùng các cộng sự, bà đang nỗ lực làm việc, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ bản quyền sáng tác và quyền lợi của vài chục nghìn nghệ sĩ biểu diễn.

NSND Thanh Hoa cũng chính là người khởi xướng Liên hoan “Tôi yêu tiếng nước tôi” mang tầm quốc tế, nối vòng tay lớn bằng nhịp cầu âm nhạc để người Việt trên khắp thế giới hướng về cội nguồn, cất lên những giai điệu âm nhạc yêu thương bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Sắp bước vào tuổi 70 nhưng sự tâm huyết, nặng lòng với âm nhạc vẫn cuốn nghệ sĩ Thanh Hoa vào công việc. Tuổi tác như phải chịu thua để bà làm đầy thêm niềm hạnh phúc lớn lao trên con đường dài cống hiến cho nghệ thuật.

NSND Thanh Hoa đã đạt nhiều giải thưởng: Giải Nhất tại cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế lần thứ 18 ở Bulgaria, năm 1982; Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1985; Bằng khen đặc biệt cuộc thi 8 bài hát trên vô tuyến truyền hình ở Cuba; Bằng khen người hát bài hát Tiệp Khắc hay nhất...

NSND Thanh Hoa đã có 7 album ca nhạc: Mùa xuân Làng lúa làng hoa, Tàu anh qua núi, Bác Hồ một tình yêu bao la, Chiều một mình, Em vẫn đợi anh về, Mùa xuân và tôi, Ước hẹn đồng quê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.