Những nghệ nhân điêu khắc gỗ ở chùa Hang

GD&TĐ - Chùa Hang (Kom Pong Chrai) là một ngôi chùa ở thị trấn Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nổi tiếng với hơn 100 tác phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật. Từ những gốc cổ thụ xù xì, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã thành những tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, đồ sộ nhất là 2 tác phẩm “Cửu Long” và “Đại bàng - sư tử tranh hùng” cùng được tặng huy chương vàng và chứng nhận danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2007. Ai đã tạo nên nghề điêu khắc độc đáo ở đây?

Hai thầy trò Thạch Buôl - Thạch Ngọc Sơn bên gốc cây mới cẩu về, chuẩn bị làm tác phẩm mới
Hai thầy trò Thạch Buôl - Thạch Ngọc Sơn bên gốc cây mới cẩu về, chuẩn bị làm tác phẩm mới

Nghệ nhân đầu tiên

Theo lời kể của các sư, năm 1990, trong lần đến chùa Cần Thay, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long, sư cả Thạch Suông, trụ trì chùa, thấy những tác phẩm điêu khắc gỗ tại đây, hỏi ra mới biết là do nghệ nhân Thạch Buôl (ngụ xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) tạo nên. Sư Thạch Suông liền mời Thạch Buôl về chùa Hang chế tác bộ tứ linh long, lân, quy, phụng bằng gốc sao trong sân chùa.

Thạch Buôl làm việc tại chùa, được các sư trẻ phụ giúp. Thấy họ rất thích thú với nghề này, thế là Thạch Buôl truyền nghề cho. Trong lớp học trò đầu tiên tại đây có Sơn Sốc, Thạch Ngọc Sơn. Sơn Sốc vẫn gắn bó với nhà chùa và trở thành người truyền nghề lại cho các sư trẻ tại chùa Hang hiện nay.

Thạch Ngọc Sơn mở cơ sở điêu khắc gỗ ở xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. 15 năm nay, anh dạy trên 100 học trò miễn phí. Ở Bình Minh cũng có 2 học trò thành đạt với nghề điêu khắc gỗ là Sơn Tha, Sơn Vannat.

Từ năm 2002 đến nay, Thạch Buôl cùng các đệ tử như Sơn Sốc, Thạch Ngọc Minh và các vị sư ở chùa Hang đã truyền nghề cho nhiều học trò đến từ các chùa ở nhiều tỉnh miền Tây, như An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang... cũng như con em đồng bào Khmer gần 100 người. Hiện nay, du khách đến Trà Vinh đều muốn đến Chùa Hang để xem nghề điêu khắc gỗ.

Sản phẩm của các nhà sư chủ yếu để trưng bày tại chùa cho khách tham quan, nhưng nhiều du khách tỏ ra thích thú và đặt làm.

Các sản phẩm điêu khắc do nhà chùa làm ra được đưa đi dự hội chợ, triển lãm hoặc khi có lễ hội thì các cơ quan mượn về trưng bày, góp phần giới thiệu thêm nghệ thuật điêu khắc độc đáo của dân tộc Khmer.

Tôi nhờ cán bộ phòng Văn hóa thị xã Bình Minh truy tìm Thạch Buôl, vì nghe tin tỉnh Vĩnh Long lập hồ sơ phong tặng Nghệ nhân Ưu tú cho Thạch Buôl trong năm này. Cuối cùng thì được số điện thoại của Thạch Ngọc Sơn, đệ tử “ruột” của Thạch Buôl và rồi cũng gặp được Thạch Buôl ở xã Hòa Lợi.

Thạch Buôl sinh năm 1964 ở ấp Hóa Thành, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Anh từng tu ở chùa Tòa Sen quê anh từ năm 18-19 tuổi.

Nghệ nhân Bảy Tẩy – sau khi mất được tôn thờ như tổ nghiệp nghề điêu khắc gỗ ở miền Tây

Năm 1989, anh bắt đầu học nghề điêu khắc, chạm trổ cơ bản từ ông Mười Gián ở ấp Đông Hưng, xã Đông Thành. Được khoảng một năm, sau đó anh học nâng cao và làm nghề từ ông Bảy Tẩy gần đó (cả hai ông giờ đều đã mất).

Từ năm 1990, anh làm điêu khắc cho chùa Cần Thay, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, sau đó tiếp tục làm ở vài chùa khác. Năm 2005 đến nay, anh lại về làm điêu khắc cho chùa Hang đồng thời dạy các lớp học do chùa và tỉnh tổ chức tại đây.

Đến nay bản thân đã điêu khắc, chạm trổ được khoảng 1.000 tác phẩm.

Bí quyết về nghề

Gặp Sơn Sốc tại chùa Hang, anh cho biết, đam mê nghệ thuật thì mỗi nhát đục đều có hồn. Từ gốc cây xù xì hình thù kỳ quái phải liên tưởng ra một tác phẩm nghệ thuật trong đầu.

Kế tiếp là kiên trì, nhẫn nại... Tùy theo độ lớn, nhỏ, chi tiết nhiều hay ít mà thời gian hoàn thành nhanh hay chậm. Có những tác phẩm làm trong một vài ngày là xong, nhưng có tác phẩm như “Con voi” thì 2 người làm trong 3 tháng hoặc tác phẩm “Cửu Long” 6 người thực hiện trong 6 năm...

Gặp Thạch Ngọc Sơn, chủ cơ sở ở xã Hòa Lợi, anh cho biết, đa số thì khách đem gốc cây đến rồi thương thảo với tác giả để thống nhất ý tưởng tạo ra tác phẩm gì, dựa theo hình thù gốc cây. Khi thì con đại bàng, lúc tứ linh, khi thì con thiềm thừ (cóc thần tài), có khi là đôi chim câu... Khách từ tứ xứ đến.

Bản thân cơ sở có khi tìm được gốc cây, tạo hình rồi đưa lên Facebook, Youtoube để rao hàng cũng có. Sơn nói: “Sau khi học thầy ra nghề, em theo thầy đi tứ xứ cả chục năm mới trở về quê mở cơ sở!”

Nghệ nhân Thạch Ngọc Sơn 

Học trò anh có em Dương Bé Nguyên, sinh 1993, mới từ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng lên học. Thầy Thạch Buôl nói: “Dạy ở đây cho biết nghề. Sơn nuôi cơm miễn phí! Dạy trong chùa Sư Cả bao cơm. Làm được tác phẩm mới thì thầy thưởng. Nghề này học tới già cũng không hết. Những em có đam mê thì học 6 tháng ra nghề kiếm cơm được rồi”.

Thạch Buôl tâm sự thêm: “Đôi lúc trí óc quay mòng mòng để nghĩ xem gốc cây này làm ra tác phẩm gì? Ở quê không đủ việc làm nên phải đi xa kiếm tiền nuôi gia đình. Một năm chật vật cũng đủ ăn. Vui nhất là có học trò theo học!”

Hiện tại, ở chùa Hang còn 6 học viên đang theo học thầy.

*

Tôi hỏi thầy Thạch Buôl: Anh có nhớ mình đạt được thành tích gì không? Anh lắc đầu, không nhớ.

Đến Phòng Văn hóa thị xã Bình Minh, anh em ở đó cho biết: Thạch Buôl có nhiều tác phẩm được trưng bày tại các cuộc thi do tỉnh Trà Vinh và Hà Nội tổ chức; tại Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; tại Hội chợ thương mại nông nghiệp, nông thôn Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức…, nhưng do nhiều lần chuyển chỗ ở nên đã bị thất lạc. Bản thân Thạch Buôl không bao giờ nhớ những chuyện như vậy.

Người nghệ nhân ấy không bao giờ nhớ mình đã làm ra những tác phẩm nào, chỉ tháng ngày rong ruổi truyền nghề trong dân gian, vui với nghề, vui với học trò!

Nghệ nhân Thạch Buôl

Nghệ nhân Thạch Buôl

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ