Mùa rơm vàng miền Tây

 

Mảnh mùa vàng rực rỡ sông nước
Mảnh mùa vàng rực rỡ sông nước

Mùa này, khi hàng ngàn hec-ta lúa của người dân miệt đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch thì những dòng sông ở đó cũng tấp nập những ghe thuyền chở đầy rơm vàng. Đi ngang dọc vùng châu thổ đồng bằng, rất dễ bắt gặp những ghe rơm khổng lồ, cồng kềnh ngược xuôi ở bất kỳ những con sông, con rạch nào. Từ dòng sông Tiền, sông Hậu rộng lớn cho tới những con kênh nhỏ bé gần như vô danh đều ken chặt những ghe rơm vàng ruộm. Tất cả đều hối hả, tất bật trong cuộc mưu sinh với những dự định, tính toán của riêng mình.

Mấy năm trở lại đây, rơm trở thành hàng hóa được nhiều người ưa chuộng. Ví dụ như mùa này, do nước tràn về nhanh, nhiều nơi chỉ kịp gặt lúa chứ không lấy được rơm khiến giá của chúng được đẩy lên rất cao. Rơm sau sơ chế được bán với giá lên đến 25 ngàn đồng/bó ngay tại ruộng. “Nếu như lúa thường xuyên lên xuống thì giá rơm ít khi bị rớt. Rơm có bao nhiêu, thương lái thu mua ngay tại ruộng hết bấy nhiêu. Bây giờ rơm được mang về thành phố chủ yếu làm nấm (rơm) và sử dụng để vận chuyển hàng nông sản như trái cây (lót để tránh bị dập). Nếu lúa thu được mười đồng thì bán rơm giờ cũng được bốn đồng, đó là điều mà trước đây có nằm mơ nông dân cũng không hề nghĩ tới.

Trái ngược với nhiều loại nông sản khác bây giờ được chuyên chở bằng đường bộ, phương tiện chuyên chở rơm hầu như chỉ bằng ghe thuyền. Nói về điều này, một nông dân ở đây bảo: “Mặc dù nhẹ nhưng rơm lại rất cồng kềnh. Ngay cả sử dụng máy cuộn tròn lại thì dù cùng trọng lượng, rơm cũng chiếm diện tích gấp hàng chục lần so với lúa. Vì vậy, với kích cỡ nhỏ, các loại xe tải khó mà chở rơm thuận tiện như ghe thuyền. Ở khắp vùng châu thổ này, hầu hết rơm đều được chở bằng ghe. Như thời gian này, nước nổi tràn về, công việc vận chuyển lại càng thuận lợi, dễ dàng hơn. Các chủ vựa rơm như tôi cũng cố gắng gom hàng chuẩn bị cho vụ cuối năm. Chừng hai tháng nữa thôi, rơm sẽ không còn vì sau vụ hè thu, chỉ có số ít nông dân ở đây tiếp tục gieo trồng vụ thu đông mà nhu cầu cuối năm lại nhiều, từ các chủ vựa làm nấm cho tới các chủ vựa buôn bán trái cây, họ mua rơm để bảo quản, đệm hàng. Nói thật, cuối năm thì có bao nhiêu rơm cũng bán hết, mà giá lại còn cao nữa”, anh tiết lộ.

Có thể nói, không chỉ có ở vùng Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười (Đồng Tháp) mà những ngày này, không khí rộn ràng của mùa vụ thu hoạch lúa mới diễn ra ở hầu khắp các cánh đồng miệt châu thổ. Kéo theo đó cũng nhộn nhịp không kém là hình ảnh những ghe chở rơm vàng xuôi ngược, êm đềm trên sông nước mênh mông. Nó không chỉ là cuộc sống, là những toan tính mưu sinh của người nông dân, từng chuyến ghe rơm vàng ấy lại như tô điểm thêm cho trời đất, sông nước và cảnh vật nơi đây một màu no ấm. Hiếm có nơi nào, hiếm có loại nông sản nào hiện vẫn còn tràn ngập trên những chiếc ghe lênh đênh khắp vùng sông nước như rơm vậy. Nó như tạo thêm một mùa vàng trên sông.

Tôi đã thấy rất nhiều những người nông dân trong khi lặng lẽ với cuộc mưu sinh có phần vất vả của mình lại “vô tình” tạo nên những bức tranh kỳ vĩ của con người hòa sắc cùng với thiên nhiên, trời đất. Tất nhiên, hầu hết trong số họ đều không cố ý hay thậm chí có thể không biết rằng, những chiếc ghe rơm nhỏ bé của mình, trong công việc tưởng chừng như bình thường lại góp phần làm lên một bức tranh tuyệt đẹp. Từ ngã ba kênh Nguyễn Văn Tiếp, có thể quan sát được những ghe chở rơm xuôi ngược, từ những ghe rơm ở bên Đốc Binh Kiều chạy qua cho tới những ghe rơm trên Tân Ninh, Nhơn Ninh chạy xuống và cả những ghe dưới Thiên Hộ Dương, Mỹ Thành chạy lên. Tất cả đều lặng lẽ, bền bỉ trong công việc của mình.

Ngày nay, hàng trăm tuyến đường, cây cầu đang ngày ngày được hình thành ở dải đất vùng châu thổ này khiến cho những dòng sông, con kênh như bị bẻ gãy, chia cắt. Vì thế, hình ảnh những ghe thuyền chở đầy rơm vàng xuôi ngược khắp dải đồng đất này cũng đang ít đi, hiếm hoi hơn, thường chỉ xuất hiện trong những cánh đồng sâu, trũng. Và tất nhiên, những mùa vàng rực rỡ trên sông nước mà tôi mới chiêm ngưỡng kia cũng dần ít đi, thậm chí có thể biến mất trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.