Khi người trẻ vẽ minh họa lịch sử

GD&TĐ - Mong muốn lan toả lòng tự hào dân tộc, một số nghệ sĩ trẻ hướng đến minh họa hình ảnh các nhân vật lịch sử - cũng là cách để người Việt biết sử Việt.

Họa sĩ Đỗ Thái Thanh còn dự định vẽ về các nữ anh hùng.
Họa sĩ Đỗ Thái Thanh còn dự định vẽ về các nữ anh hùng.

Nếu như trong văn chương, xuất hiện khá nhiều nhà văn có “tạng” viết về lịch sử, thì trong hội họa tương đối hiếm.

Đáng chú ý, một số họa sĩ vẽ minh họa lịch sử lại là những người rất trẻ. Bằng cách này hay cách khác, họ tưởng tượng các nhân vật lịch sử theo một phong cách riêng nhưng không kém phần độc đáo.

“Vẽ sử” không dễ

Người đầu tiên có thể nhắc tới là nữ họa sĩ 9X Comet Withouse (Thanh Huyên) – người đã tóm gọn lịch sử trong 4.000 năm qua 208 trang sách mang tên “Việt sử diễn họa”.

Cuốn sách được phát hành vào đầu năm 2021, được công chúng yêu thích không chỉ bởi ngôn từ dễ hiểu mà từ chính các bức tranh minh họa vô cùng sống động.

Là người rất đam mê lịch sử, đặc biệt là Việt phục nên Thanh Huyên đã ấp ủ nhiều dự định để ra mắt một cuốn sách sử. Huyên nhận thấy, đa số sách sử đều rất khô khan, khó mường tượng.

Bởi thế, khi tóm lược lịch sử 4.000 năm, những bức tranh minh họa của cô sẽ như những bức ảnh sống động và rất thật diễn tả về một người anh hùng, một trận chiến oanh liệt, hay đơn giản chỉ là một cuộc bàn thảo giữa các thủ lĩnh. 

“Việt sử diễn họa” được Thanh Huyên thực hiện trong thời gian khoảng 12 tháng. Trước đó, cô đã mất rất nhiều thời giờ để đi tìm tư liệu về trang phục các thời kỳ để “khoác” cho nhân vật của mình. “Tư liệu về trang phục thời Ngô, Đinh, Tiền Lê rất hiếm nên tôi chỉ tham chiếu các thời song song ở Trung Quốc như Đường, Tống và phỏng tác lại.

Tôi cũng tham khảo tư liệu từ các cuốn sách của một số nhà nghiên cứu về Việt phục”, Thanh Huyên cho hay.

Trong một số tư liệu ghi rằng, vua mặc áo giao lĩnh, đội mũ đường cân và thắt thao, Thanh Huyên vẽ lại khái quát và thêm thắt hoa văn cho đẹp hơn. Cô đã rất dụng công khi đến các bảo tàng có trưng bày các hiện vật từ thời Đông Sơn, tượng cổ thời Lê Trung Hưng và dựa vào đó lấy tư liệu theo cách tưởng tượng minh họa. 

Trước Thanh Huyên, họa sĩ Tạ Huy Long cũng rất kỳ công vẽ bằng tay 200 bức họa cho “Lĩnh Nam chích quái”. Cuốn sách ghi lại những chuyện kỳ lạ ở nước Nam là một danh tác văn học trung đại, một báu vật trong di sản văn hóa của ông cha.

Ban đầu Tạ Huy Long chỉ vẽ trình bày bìa theo đặt hàng của nhà xuất bản. Trước đó, anh đã đọc nhiều sách sử, vẽ nhiều truyện tranh lịch sử, nhưng với “Lĩnh Nam chích quái” đã khiến anh có cái nhìn khác.

Họa sĩ Tạ Huy Long coi “Lĩnh Nam chích quái” như một quá trình thay đổi tự nhiên để thoát ra khỏi lối mòn mình đang sa đà. Anh tìm lại những tiềm thức đã qua đi, vẽ lại những nhân vật mà bản thân người họa sĩ phải đặt vào bối cảnh, tưởng tượng xem kiếp sau của mình là gì để vẽ.

Tác phẩm lần này được Tạ Huy Long ví như một hành trình tìm kiếm bản thân, đòi hỏi quá trình lao động cực kỳ vất vả. Có những mảng miếng nhân vật người họa sĩ phải mất nhiều ngày suy nghĩ trước khi đặt bút vẽ.

Bức vẽ về Lê Quý Đôn của “Đại Việt kỳ nhân”.
Bức vẽ về Lê Quý Đôn của “Đại Việt kỳ nhân”.

Khó nhưng thú vị

“Trước đây tôi vẽ lịch sử với tinh thần tự hào dân tộc. Nhưng giờ tôi nghĩ xa hơn, lịch sử là để rút kinh nghiệm, để người ta nhìn nhận lại công minh hơn, sáng rõ hơn”. Họa sĩ Tạ Huy Long

“Anh Hùng 4000” một bộ tranh về các nhân vật lịch sử của Việt Nam được vẽ bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh (SN 1987). Với phong cách vẽ minh họa đặc trưng, anh đã khắc họa và mang cảm hứng tìm hiểu về lịch sử.

Ở nhà trong những ngày cách ly xã hội, Thái Thanh tưởng tượng virus Covid-19 giống như một kẻ địch lớn của cả nhân loại, khuynh đảo mọi quốc gia trên thế giới. Lấy cảm hứng từ đó, Thái Thanh bắt đầu vẽ bộ tranh với hình ảnh các vị anh hùng xưa như để nhắc nhở, tiếp sức mọi người khi đối diện với kẻ địch đe dọa cả dân tộc.

“Mình từng xem rất nhiều bộ tranh về lịch sử của các nước, ngoài cách thể hiện chính thống nghiêm túc, vẫn còn thiếu nhiều ấn phẩm dễ xem, dễ tiếp cận. Đặc biệt cách thể hiện dễ thương sẽ giúp các bé quan tâm hào hứng hơn đến lịch sử, không bị đi sâu vào tranh cãi đúng - sai quá nhiều”, Thái Thanh cho hay.

Vẽ về lịch sử không phải là một điều dễ dàng, nó đòi hỏi nghệ sĩ phải tìm hiểu thông tin, nghiên cứu tài liệu và các chất liệu để thể hiện đủ đúng. Trải dài từ thời Hai Bà Trưng, có những hình ảnh còn lưu trữ được, nhưng đa số là không có gì nên việc tìm kiếm chất liệu vẽ lịch sử là thử thách thực sự.

Qua đôi tay vẽ minh họa của Thái Thanh, các anh hùng hiện ra theo phong cách rất dễ thương, hấp dẫn. Ví như hình ảnh vua Lê trả kiếm, thần Kim Quy với nụ cười đáng yêu sẽ rất hấp dẫn với lứa tuổi thần tiên. Nhưng trong bức họa Ngô Quyền đứng mũi thuyền chiến cưỡi sóng trên những cọc nhọn lại rất oai nghiêm, hùng dũng.

Ngoài các nam anh hùng, Thái Thanh còn dự định vẽ các vị nữ anh hùng của dân tộc. Đó là cả một kế hoạch lớn, tạo ra một thế giới lịch sử dễ thương để có thể tiếp cận độc giả.

Ngoài Thanh Huyên, Huy Long, Thái Thanh còn một dự án mang tên “Đại Việt kỳ nhân” quy tụ “dàn họa sĩ” trẻ tâm huyết. Đây là một dự án với sứ mệnh đem lịch sử đến với giới trẻ, khơi gợi niềm tự hào về lịch sử dân tộc.

Điểm độc đáo của dự án này là vẽ từng nhân vật lịch sử cụ thể. Mặt trước là hình ảnh, mặt sau là tóm lược tiểu sử và sự nghiệp người anh hùng.

Đại diện “Đại Việt kỳ nhân” nói rằng, vẽ minh họa lịch sử tuy rất khó nhưng vô cùng thú vị. Đó cũng là đề tài vô tận để họa sĩ thể hiện tài năng, cũng là cách để lịch sử đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.