Hỗ trợ nghệ sĩ

GD&TĐ - Bộ VH-TT&DL đề nghị Chính phủ cấp cho một số nghệ sĩ là viên chức gói hỗ trợ 3 tháng - 5,4 triệu đồng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH cùng Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông đề cập tình hình khó khăn của đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn từ đầu năm ngoái do đại dịch. Các nghệ sĩ trải qua quá trình đào tạo vất vả nhưng tuổi nghề ngắn, lương thấp.

Bộ đề nghị hỗ trợ 2.000 viên chức - là các đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại 100 đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang hưởng lương hạng bốn (mức thấp nhất theo quy định) - được nhận 1,8 triệu/người/tháng, được hỗ trợ ba tháng và chi trả trong một lần.

Dịch Covid-19 khiến nhiều diễn viên bỏ nghề, các nhà hát loay hoay tìm đường sống. Nhiều người bỏ phố về quê vì không đủ sức bám trụ ở thành phố. Những người chọn ở lại Hà Nội, TPHCM mưu sinh bằng nhiều nghề như chạy xe ôm, làm shipper, bán đồ ăn online.

Nhiều nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã xin nghỉ, chuyển sang bán bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe. Tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, một số nghệ sĩ ưu tú xin nghỉ ra ngoài kiếm sống.

Thông tin hỗ trợ nghệ sĩ lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến trái chiều nổ ra trước đề nghị của Bộ VH-TT&DL. Nhiều người cho rằng, đại dịch Covid-19 gây khó khăn chung với toàn xã hội, với mọi ngành nghề chứ không riêng gì nghệ sĩ.

Cũng có ý kiến cho rằng, nghệ sĩ có mức sống cao, việc hỗ trợ đối với họ là không cần thiết. Bởi ngoài xã hội, những người làm nghề tự do hay công nhân quét rác còn khó khăn hơn gấp vạn lần.

Việc một đề xuất vấp phải sự phản đối của dư luận là lẽ bình thường, bởi từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nó gây ra quá nhiều hệ lụy. Hàng trăm nghìn người lao động tự do phải rời bỏ thành phố vì không có việc làm, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc buộc phải đóng cửa.

Và lực lượng nghệ sĩ, nhiều người đã phải bỏ nghề hoặc chuyển sang làm các công việc khác như bán hàng online, xe ôm, nhôm kính…

Ý kiến cho rằng, nghệ sĩ là tầng lớp có mức sống cao, điều đó không sai nhưng chưa chính xác. Bởi hầu như, chỉ những nghệ sĩ giải trí mới có nhiều tiền từ các “sô diễn” doanh nghiệp.

Còn những nghệ sĩ hàn lâm nghệ thuật như múa rối, tuồng, xẩm hay họa sĩ thiết kế nhà hát, sân khấu… Họ ăn lương Nhà nước, có một chút phụ cấp thêm nếu lưu diễn. Như thế thử hỏi, tiền ở đâu ra để họ có mức sống cao hơn?!

Nếu có mức sống cao hơn người khác, nhiều nghệ sĩ đã không phải bỏ nghề mà mình đã chọn. Nếu nhiều tiền, họ đã không phải đi bán hàng online, làm xe ôm, hàn xì nhôm kính. Và nếu có tiền, họ đã chẳng mong ngóng trợ cấp. Họ sẽ là những người đầu tiên lên tiếng phản đối xin hỗ trợ.

Nhưng vì hoàn cảnh – cực chẳng đã, những nghệ sĩ chân chính đành tủi hổ nhờ vào sự quan tâm của Nhà nước cũng như cộng đồng xã hội. Xin đừng cay nghiệt với hoàn cảnh đang rất bí bách khốn cùng của các nghệ sĩ - vì chính họ, chẳng ai là người muốn điều đó xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...