Giữ hồn bánh dân gian

GD&TĐ - Gắn bó với nghề làm bánh dân gian gần 50 năm, ông Dương Hoàng Trung (68 tuổi, ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Cần Thơ) luôn tâm niệm: Đằng sau miếng bánh là sự tử tế, cái tâm và lòng kiên nhẫn của người làm.

Gần 50 năm, ông Dương Hoàng Trung giữ cách làm bánh dân gian thủ công truyền thống. 	Ảnh: T.G
Gần 50 năm, ông Dương Hoàng Trung giữ cách làm bánh dân gian thủ công truyền thống. Ảnh: T.G

Gần 50 năm làm bánh thủ công

Với nghệ nhân Dương Hoàng Trung, nghề làm bánh đến với ông như một duyên nghiệp. Ông làm bánh để gửi vào đó tâm huyết, lòng yêu nghề và niềm đam mê của chính mình.

Gia đình vốn có nghề làm bánh dân gian, mẹ ông trước kia làm bánh rất ngon, nổi tiếng trong vùng. Thuở nhỏ, ông thường phụ giúp mẹ làm tất cả các công đoạn để có bánh ngon, đem bán kiếm tiền mưu sinh. Bánh dân gian đã thấm vào máu thịt, nên ông chọn theo nghề này để nối nghiệp gia đình. “Tôi bắt đầu làm bánh dân gian từ năm 1970, sau đó lấy vợ là người có chung niềm đam mê làm bánh nên hai vợ chồng quyết định bám nghề này kiếm sống cho đến ngày hôm nay”, ông Trung tâm sự.

Gần 50 năm gắn bó với nghề, bí quyết làm bánh của ông Trung và vợ - bà Trương Thị Chiều (63 tuổi) vẫn không thay đổi nên bánh ngày càng thơm ngon hơn. Người ăn mỗi khi nhìn ngắm, ăn bánh, cảm nhận từng vị ngọt, dai, đậm đà làm gợi nhớ đến hương vị bánh quê từ nhiều năm trước. Nói về cách làm bánh, ông Trung cho biết: “Gia đình tôi làm bánh theo cách ông bà mình trước đây từng làm, tất cả công đoạn làm bằng thủ công. Nguyên vật liệu được chế biến theo cách truyền thống, hoàn toàn từ thiên nhiên để giữ được nguyên hương vị của các loại bánh như ngày xưa. Tôi vốn khéo tay nên đảm đương nhiệm vụ làm bánh, còn vợ thì đi bán. Xe bánh dân gian của vợ chồng tôi mấy chục năm qua đã thân quen với bà con địa phương với tên gọi: Xe bánh cô chín Bình Thủy”.

Hỏi sao ông không chọn máy móc để bớt vất vả khi làm bánh, ông Trung chân tình cho rằng: Bánh dân gian vốn dĩ phải làm thủ công hoàn toàn, có như vậy mới giữ được hương vị đặc trưng. Còn đối với người làm bánh, đó là niềm đam mê, mỗi loại bánh họ cố gắng gửi gắm tâm hồn vào trong đó. Từ khi chế biến đến thành phẩm, nhìn sản phẩm làm ra đẹp mắt, được người ăn trân trọng thì mọi mệt nhọc, lo toan trong cuộc sống như tan biến.

Theo ông Trung, quan trọng nhất trong quá trình làm bánh, phải có sự trải nghiệm. Thậm chí phải bỏ công sức thử nghiệm nhiều lần để đạt được tỷ lệ phối trộn bánh đạt độ ngon nhất. Bên cạnh đó, khi nhồi bột phải cảm nhận, ước lượng tỷ lệ qua các đầu ngón tay, cũng như hòa quyện tâm hồn vào trong suốt quy trình làm bánh. “Trong từng miếng bánh khi làm ra, đòi hỏi phải mang sự tử tế, cái tâm và lòng kiên nhẫn của người làm”, ông Trung tâm sự.

Đặt hết tấm lòng vào từng món bánh

Mỗi ngày, vợ chồng ông Trung làm khoảng 13 loại bánh ngọt, mặn để bán cho khách qua đường và theo đặt hàng của các nhà hàng, quán ăn. Trong đó, đặc sản nức tiếng là bánh tằm được se bằng tay, bánh con sùng, bánh bèo, bánh chuối, bánh bò, bánh ít trần…

Để làm ra mẻ bánh ngon, vợ chồng ông dành rất nhiều thời gian cho khâu chế biến. Trước tiên là xay bột bằng cối đá; đến khâu bồng bột (lọc nước ra khỏi bột lỏng); nhồi bột; nắn bánh; hấp bánh, pha chế nước dùng… Mỗi loại phải gia giảm các loại nguyên liệu khác nhau, sử dụng khuôn bánh hay se tay cũng khác nhau. Dẫu tốn nhiều sức nhưng theo ông Trung, đó mới là làm bánh đúng chất dân gian, người thợ đặt hết tấm lòng vào từng sợi bánh.

Tốn nhiều công sức cho khâu làm bánh, nhưng vợ chồng ông Trung vẫn cần mẫn đem đến cho đời những miếng bánh ngon. Theo bà Trương Thị Chiều, bí quyết của hai vợ chồng ông là làm theo ông bà trước kia, tất cả nguyên vật liệu từ tự nhiên, không sử dụng phẩm màu và hóa chất. “Loại gạo làm bánh là gạo lúa mùa (loại lúa chỉ làm 1 vụ/năm), rất thơm ngon. Màu làm bánh cũng từ các loại rau, quả có sẵn như màu xanh từ rau ngót, từ lá dứa; màu tím từ lá cẩm; màu vàng từ quả gấc; nước cốt làm từ quả dừa còn tươi... Đây là một trong những điểm nhấn đặc biệt tạo nên nét đặc biệt trong từng món bánh của vợ chồng tôi”, bà Chiều chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, bánh dân gian của ông Trung ngày càng được nhiều thực khách tìm đến. Nhiều năm qua, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ đều mời vợ chồng ông Trung đến làm các loại bánh dân gian phục vụ thực khách. Các khách sạn, nhà hàng lớn ở TP Cần Thơ cũng tìm đến ông đặt hàng để phục vụ du khách. Tuy bận rộn nhưng vợ chồng ông luôn nở nụ cười hiền khô, vẫn cần mẫn làm bánh ngon phục vụ cho thực khách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ