Để “lọt” phim có hình đường lưỡi bò phi pháp: Trách nhiệm thuộc về ai?

GD&TĐ - Đến chiều 14/10, đơn vị phát hành bộ phim hoạt hình “Everest – Người tuyết bé nhỏ” (Abominable) – Công ty TNHH CJ CGV đã chính thức nhận khuyết điểm vì phát hành bộ phim chứa hình bản đồ đường lưỡi bò phi pháp. Cũng từ đây, thêm một lần nữa câu hỏi mà dư luận gay gắt đặt ra là: Trách nhiệm những vụ việc này thuộc về ai?

Trên trailer bộ phim hoạt hình “Everest – Người tuyết bé nhỏ” cũng có thể nhìn thấy đường lưỡi bò (Hình khoanh tròn trong ảnh). Ảnh: Chụp từ màn hình.
Trên trailer bộ phim hoạt hình “Everest – Người tuyết bé nhỏ” cũng có thể nhìn thấy đường lưỡi bò (Hình khoanh tròn trong ảnh). Ảnh: Chụp từ màn hình.

Lồ lộ ngay từ trailer

Bộ phim hoạt hình “Everest – Người tuyết bé nhỏ” được khởi chiếu rộng rãi trên hệ thống rạp toàn quốc từ ngay 4/10. Phim kể về hành trình tìm đường về nhà của người tuyết Everest.

Hành trình này của Everest đã được cô bé Yi và nhóm bạn hỗ trợ. Điều đáng nói là ở trong phim đã xuất hiện tấm bản đồ của Yi – nơi đánh dấu các thắng cảnh nổi tiếng mà cô vẫn ước ao sẽ được ghé thăm.

Trên tấm bản đồ đó có những đường đứt đoạn hình đường lưỡi bò (tức đường 9 đoạn do Trung Quốc vạch ra trên biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế).

Thực ra, tấm bản đồ có hình đường lưỡi bò phi pháp của Yi đã lồ lộ xuất hiện ngay từ trailer quảng bá của bộ phim từ trước đó và rất dễ dàng nhận ra. Thế nhưng, trên thực tế, phải sau 10 ngày phim công chiếu, hình ảnh đó mới được cộng đồng mạng phát hiện, chụp lại và lên tiếng.

Chỉ đến khi đó, “Everest – Người tuyết bé nhỏ” mới được CGV dừng chiếu cũng như thu hồi toàn bộ các ấn phẩm quảng cáo (chiều 13/10) nhưng với lý do… như đùa, rằng: Ngừng khai thác vì đã chiếu gần hai tuần và vào đầu tuần ít khách. Đồng thời với đó, Cục Điện ảnh, Hội đồng duyệt phim thì phản hồi báo chí là sẽ tiến hành kiểm tra và chịu trách nhiệm. Nhưng việc này phải đợi sang ngày 14/10 (thứ Hai) hội đồng duyệt và Cục mới xem lại phim để đưa ra kết luận!

Sau lý do ban đầu… như đùa, chiều 14/10, CGV đã chính thức phát đi thông báo xin lỗi khán giả: “Với tư cách là nhà phát hành, CGV nghiêm túc nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim. Nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, CGV chân thành gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam và sẽ tuân thủ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan quản lý Nhà nước”.

Còn về phía các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến chiều tối ngày 14/10 vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về việc quy trách nhiệm vì Cục Điện ảnh còn đang xem phim!

Ngoài ra, cùng ngày, Bộ đã có cuộc họp về việc tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực Hội đồng thẩm định phim trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã có ý kiến đề xuất lên Bộ trưởng cần thiết phải thành lập thêm bộ máy giúp việc cho Hội đồng.

Đừng cho là chuyện nhỏ

Ngay khi vụ việc để lọt phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” có hình đường lưỡi bò được công chiếu rộng rãi trên cả nước, dư luận đã không khỏi ngán ngẩm lắc đầu để rồi nhắc đến vụ việc bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” (Operation Red Sea) được cấp phép phát hành năm 2018.

Đây cũng là bộ phim bị khán giả phản ứng vì cho rằng những phút cuối của phim này đã cài cắm nội dung thông tin bất lợi cho chủ quyền biển đảo Việt Nam nên đã phải ngừng chiếu.

Sau đó, dù Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo phải làm rõ trách nhiệm cá nhân nhưng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm mà chỉ có một hội nghị góp ý, phê phán nâng cao trách nhiệm của người làm công tác điện ảnh!

Cùng với đó, Cục Điện ảnh vẫn khẳng định là làm đúng quy trình và rút kinh nghiệm. Giờ đây, những sai sót này tiếp tục xảy ra với phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” thì trách nhiệm thuộc về ai?

Theo nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, để xảy ra vụ việc là lỗi nặng của các cấp quản lý văn hóa nghệ thuật mà cụ thể là Hội đồng thẩm định, đơn vị phát hành và trên nữa là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

“Công việc duyệt phim đến từ nhiều nước, nhiều hãng đã phải duyệt kỹ nhưng với những sản phẩm văn hóa đến từ Trung Quốc thì càng phải đặc biệt đề cao chuyện này vì chúng ta biết Trung Quốc không từ một âm mưu thủ đoạn nào: Từ du lịch, sách báo, phim ảnh… để họ tuyên truyền thực hiện ý đồ của họ. Mà đâu phải đây là lần đầu, trước đó đã có phim “Điệp vụ Biển Đỏ” cũng mắc lỗi tương tự. Tại sao lại cứ tiếp tục xảy ra, lặp lại những sai phạm này cùng trên một sản phẩm văn hóa của Trung Quốc?

Điều này rõ ràng cho thấy chúng ta chủ quan như thế nào. Bên cạnh đó, cho đến khi bộ phim được chiếu, cũng chính là cộng đồng mạng phát hiện chứ không phải do một cơ quan quản lý văn hóa nào đó hay một quan chức nào đó phát hiện ra. Điều này cho thấy có lẽ chẳng mấy cơ quan quản lý, người làm quản lý xem phim hoặc có xem mà không để ý, không biết thậm chí là bàng quan.

Phải chẳng, việc tuyên truyền biển đảo tuy có làm nhưng chưa sâu rộng? Cho nên theo tôi đừng coi chuyện này là nhỏ” - ông Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh.

“Với những nước nhạy cảm như Trung Quốc thì phải có những bước kiểm duyệt thận trọng hơn, phải lưu tâm xem kỹ bộ phim có gì nhạy cảm về chính trị thì yêu cầu đối tác phải cắt đi rồi mới cấp phép phổ biến. Một kinh nghiệm đối với công tác kiểm duyệt là với những bộ phim hơi gợn, hoặc những “ca khó” thì nên mời cả bên ban tuyên giáo, đại diện của công an văn hóa cùng xem để họ cho ý kiến và lập trường quan điểm về chính trị” – Đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.