Đầu tư cho văn hóa

GD&TĐ - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có nêu các định hướng phát triển đất nước (giai đoạn 2021 - 2030), tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Trong giai đoạn từ 2011 - 2020, Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, cả ở khu vực Nhà nước lẫn tư nhân. Sự đầu tư đó đã thúc đẩy và làm thay đổi tích cực đời sống văn hóa cũng như các hoạt động nghệ thuật.

Trong 10 năm qua, hệ thống các thiết chế văn hóa dần hiện đại và đồng bộ hơn. Các di tích, công trình tín ngưỡng, tâm linh được quan tâm bảo tồn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các chương trình nghệ thuật được đầu tư bài bản, hấp dẫn với nhiều sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao.

Năm 1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa 8) ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Được đặt đúng tầm mức, văn hóa đã thực sự trở thành mục tiêu và động lực trong xây dựng xã hội - con người mới.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư những năm qua vẫn tăng nhưng chưa tương xứng. Năm 2019, phát biểu trong kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn thừa nhận đầu tư cho văn hóa mới chỉ đạt 1,71% tổng chi ngân sách Nhà nước, thấp hơn mục tiêu 1,8% đã được nêu ra từ năm 1998.

Tuy nhiên, việc đầu tư xứng tầm dường như chưa quan trọng bằng việc đầu tư đúng chỗ. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các công trình quy mô được đầu tư với kinh phí lớn.

Riêng Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trên diện tích 53.000m2 với số vốn gần 3.000 tỉ đồng. Ðến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành. Trao đổi với Báo GD&TĐ, người đứng đầu bảo tàng này khẳng định còn nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ, giải quyết.

Các công trình văn hóa đồ sộ khác lại hoạt động không hết công suất, chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng.

Rạp Ðại Nam là một ví dụ, với tổng mức đầu tư trên 95 tỷ đồng, trước đây là nơi thường xuyên biểu diễn chèo, khách đông nườm nượp. Sau khi xây dựng lại, dù rộng lớn khang trang nhưng khách lại vắng hoe.

Nhiều công trình khác, có nơi ít hoạt động đã rơi vào tình trạng mở cửa đôi lần mỗi năm, thậm chí đóng cửa hoàn toàn. Một điều dễ nhận thấy là các công trình càng lớn thì việc vận hành càng khó khăn, tốn kém và rất khó lấy thu bù chi.

Nhiều nhà văn hóa ở các địa phương lại được sử dụng không đúng mục đích. Nơi thì thành chỗ “bán hàng đa cấp”, chỗ khác lại thành điểm thu tiền điện – nước, thành kho để đồ, hoặc bán trà đá. Thậm chí, có nơi bị “xẻ thịt” kinh doanh những mặt hàng không liên quan đến văn hóa.

Văn hóa là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đầu tư cho văn hóa dù rất quan trọng, nhưng đầu tư không đúng chỗ, không hợp lý, không có cơ chế vận hành phù hợp thì lại phản tác dụng.

Nhiều công trình văn hóa quy mô, nhiều tượng đài hoành tráng ở những địa phương nghèo nhất nước – đã từng là bài học nhãn tiền cho câu chuyện đầu tư văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ