Cùng “Cười” vượt qua đại dịch với Trần Thế Phong

GD&TĐ - Ghi lại khoảnh khắc của những nụ cười hồn hậu, chất phác, chân thật… trên mọi miền đất nước, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Thế Phong chuẩn bị ra mắt sách và triển lãm ảnh cùng tên “Cười”.

Nụ cười được Trần Thế Phong chụp tại Huế.
Nụ cười được Trần Thế Phong chụp tại Huế.

108 khoảnh khắc cười

Ngày 27/3 sắp tới NSNA Trần Thế Phong ra mắt tập sách ảnh thứ 10 và triển lãm ảnh cùng mang tên “Cười” tại khu vực Đường sách TPHCM. “Cười” được xem như một trạm dừng sau quãng thời gian hơn 10 năm nhiếp ảnh gia Thế Phong đi “săn” những nụ cười trên khắp mọi miền đất nước. Đây cũng được xem là cột mốc để mở ra một chặng đường mới hơn cho năm tháng thong dong sắp tới của ông.

Theo NSNA Trần Thế Phong, “Cười” bao gồm 108 bức ảnh được ông chọn lựa từ hàng nghìn tấm ảnh đã chụp. Hơn một thập kỷ, dù đi đến đâu, ông cũng bị ấn tượng bởi những nụ cười. Từ những em bé còn nằm ngoan trên lưng mẹ, những đứa trẻ chạy chân trần trên cát nóng, những người phụ nữ miền duyên hải cười hiền trong lúc kéo lưới, hay những cụ già đã đi đến chặng cuối cuộc đời... dù là ai, dù làm công việc gì, ở độ tuổi nào, nụ cười của họ luôn tràn đầy năng lượng tích cực, khiến người đối diện cảm thấy được vui lây…

“Tôi không phân biệt nụ cười của ai sẽ đẹp hơn, không đặt lên hay hạ xuống theo địa vị. Nụ cười đơn giản nhất là khi lòng sướng vui, khi thanh tâm bình an, lòng nhẹ bẫng.

NSNA Trần Thế Phong ký tặng sách ảnh “Cười” chuẩn bị cho triển lãm.
NSNA Trần Thế Phong ký tặng sách ảnh “Cười” chuẩn bị cho triển lãm.

Cho nên, cả tập sách ảnh 108 tác phẩm, tôi không chú thích nụ cười của ai, ở đâu, khi nào vì xúc cảm không cần phải diễn giải quá dài. Nhưng nếu người xem tò mò, hãy hỏi về nhân vật bạn cần thông tin và tôi sẽ nói cho bạn khoảnh khắc khi tôi chụp lại nụ cười của họ”, NSNA Trần Thế Phong chia sẻ.

Một điểm đáng chú ý là đến với “Cười”, người xem có thể nhận thấy có sự hiện diện của một số người nổi tiếng như “quái kiệt” Tòng Sơn (nghệ sĩ có biệt tài vừa thổi Hacmonica vừa ăn chuối vừa uống bia), diễn viên Thuý Ngân, vận động viên khuyết tật Hồng Lợi... Nụ cười của những người nổi tiếng được đặt cạnh tất cả những nhân vật đời thường khác, không có khoảng cách.

Nói về cách sắp xếp này, NSNA Thế Phong cho rằng, nụ cười cũng như hạnh phúc, mọi người dù giàu hay nghèo cũng có quyền được sở hữu, được tự tạo niềm vui riêng cho bản thân.

Cùng với ra mắt tập sách, triển lãm ảnh mang tên “Cười” sẽ được khai mạc từ 10 giờ, thứ Bảy, ngày 27/3 kéo dài đến ngày 31/3, tại Đường sách TPHCM. Triển lãm chọn trưng bày 50 tác phẩm từ sách ảnh “Cười”.

Săn ảnh trong đại dịch

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Là phóng viên ảnh tự do, anh có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh, trong đó có hơn 20 năm đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Anh từng tổ chức thành công 13 triển lãm trong và ngoài nước: Bão Chanchu, Những nẻo đường tuổi thơ, Nghệ sĩ đường phố, Gánh, Đọc báo, Vượt qua bóng tối, Trẻ em & Gánh (2014 – Bern & Zurich, Thụy Sĩ), Ánh sáng cuộc sống, 45 ngày tại Thụy Sĩ, Mưu sinh, Chân dung, Nhịp sống Sài Gòn…

Trong thời điểm lần đầu cả nước chống đỡ đại dịch Covid-19, NSNA Trần Thế Phong đã ra mắt sách và triển lãm ảnh “Sài Gòn Covid-19”. Sài Gòn - TPHCM, nổi tiếng với sự ồn ào, đông đúc, tráng lệ và kẹt xe nhưng với bộ ảnh Sài Gòn Covid-19 của NSNA Trần Thế Phong thì có một đô thị Sài Gòn - TPHCM hoàn toàn khác trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội.

Bằng tất cả tâm huyết của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Trần Thế Phong đã thực hiện hơn 2.000 file ảnh, sau đó chọn 101 tác phẩm nhiếp ảnh để đưa vào tập sách ảnh “Sài Gòn Covid-19”. Anh mong muốn gửi đến mọi người những hình ảnh của một Sài Gòn - TPHCM thanh vắng, diễm lệ và nghĩa tình.

Nụ cười được Trần Thế Phong chụp tại Hà Giang.
Nụ cười được Trần Thế Phong chụp tại Hà Giang.

Trái ngược hoàn toàn tập sách ảnh “Nhịp sống Sài Gòn” (xuất bản năm 2019) của Trần Thế Phong, là không gian phố xá sầm uất giữa dòng người vội vã, “Sài Gòn Covid-19” phản ánh một thành phố năng động bỗng dưng trầm lắng. Với “Sài Gòn Covid-19”, người ta có thể nhìn và lắng nghe sự im lặng đến nao lòng.

Đồng thời, nó cũng thể hiện sự mạnh mẽ, ấm áp và chở che của những con người sống trên vùng đất này. Hầu như, những khoảnh khắc đáng nhớ của Sài Gòn - TPHCM trong thời gian giãn cách đều được anh ghi lại.

Lý giải nguyên do chọn đề tài này, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - TPHCM, suốt hơn 50 năm qua, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một thành phố vốn nhộn nhịp, sầm uất bỗng trở nên vắng lặng, bình yên và âu lo.

Một Sài Gòn - TPHCM thật lạ lẫm với tôi và chắc hẳn với mọi người. Đây lại chính là nhân duyên đẩy đưa tôi thai nghén và ghi lại những hình ảnh hiếm hoi này”.

Nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch Covid-19 là thảm họa toàn cầu, tác động lên mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nó lại giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn những giá trị của tự do, hạnh phúc, bình đẳng, bác ái. Ứng phó với kiếp nạn này, người dân cả nước đã đồng tâm, hiệp sức thực hiện mọi biện pháp để phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc giãn cách xã hội.

Thấy tận mắt, nghe trực tiếp cùng trái tim của người nghệ sĩ, các bức ảnh của Trần Thế Phong gần như ôm trọn nhiều cảm xúc hơn bao giờ hết. Anh cho biết, bắt gặp được nhiều khoảnh khắc đẹp đầy xúc động như “phát khẩu trang miễn phí”, ATM gạo với khẩu hiệu “Ai thiếu thì nhận ai thừa thì cho”, những bao gạo gói mì được chuẩn bị trao tặng với dòng chữ “Nếu khó khăn bạn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác”, những hộp cơm giúp bà con san sẻ bớt nhọc nhằn…

Đó cũng là nghĩa tình của người dân Sài Gòn - TPHCM cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn trong đại dịch. 

“Đó là những khoảnh khắc giúp tôi nhìn cuộc sống tích cực hơn, và cũng là động lực giúp tôi vươn lên, san sẻ cùng mọi người mà tôi đã gặp. Với tôi, nụ cười còn giúp chúng ta sống vị tha hơn, chia sẻ, thông cảm nhiều hơn, làm ta hạnh phúc và mở rộng trái tim với mọi người” - lời NSNA Trần Thế Phong ở đầu tập sách ảnh “Cười”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...