Có một họa sĩ Trịnh Công Sơn

GD&TĐ - Trịnh Công Sơn từng nói: “Hội họa là cõi trú thứ hai, bên cạnh cõi trú âm nhạc; khi ngôn ngữ và âm thanh bất lực thì màu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi”.

 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang vẽ một bức chân dung. 	 Ảnh: Tư liệu gia đình
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang vẽ một bức chân dung. Ảnh: Tư liệu gia đình

Tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001 – 2021), một tập sách dự kiến mang tên “Hội họa Trịnh Công Sơn” sẽ ra mắt công chúng và người hâm mộ vào tháng tư tới đây. Đồng thời, gia đình cố nhạc sĩ đang làm việc với đơn vị tổ chức triển lãm, thực hiện trưng bày tranh Trịnh Công Sơn lần đầu tiên tại Hà Nội.

Vẽ bằng sự chân thành

Trong suốt 20 năm sau sự ra đi của nhạc sĩ tài danh họ Trịnh, rất nhiều người chỉ biết tới Trịnh Công Sơn với vai trò là một nhạc sĩ. Thế nhưng, bạn bè và những người thân cận với ông từng biết rằng, có một họa sĩ Trịnh Công Sơn với các bức vẽ (drawing) và tranh (painting) tối giản chi tiết, nhiều khoảng trống đơn sắc.

Cố họa sĩ Đinh Cường, người bạn thân thiết nhất của Trịnh Công Sơn và cũng là người từng giữ một số họa phẩm của nhạc sĩ từng ví Trịnh Công Sơn với Van Gogh vì “sự chân thành với chính lòng mình”.

“Bí quyết của Van Gogh là hãy chân thành với chính lòng mình. Và Trịnh Công Sơn cũng vậy - đã thật chân thành với lòng mình khi không viết nhạc thì vẽ.

Trên đôi tay ngón dài tài hoa của anh như “bắt được của trời” (mượn chữ của một nhà văn). Không hiếm những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ vẽ tranh đẹp, từ Victor Hugo, Nhất Linh, Trần Dần, Quang Dũng, Bùi Giáng, Saint Exupery đến Văn Cao, John Lennon, Bob Dylan...

Trịnh Công Sơn vẽ chân dung nhà thơ Bùi Giáng - sơn dầu trên bố (1989).
Trịnh Công Sơn vẽ chân dung nhà thơ Bùi Giáng - sơn dầu trên bố (1989).

Bob Dylan rất gần Trịnh Công Sơn nhiều điểm. Ông kém Sơn hai tuổi (sinh năm 1941), lời các ca khúc đầy chất thơ và cũng là một họa sĩ: “Có những điều trong cuộc sống mà thơ hay nhạc không thể nói hết được. Khi đó sự lên tiếng của hội họa lại rất phù hợp”.

Phải chăng bầu trời xanh thẳm của Huế, Sài Gòn hay Đà Lạt – B’lao - Đơn Dương một thời mộng mị đã in dấu trong tranh Sơn không ít. Ôi mùa hoa quỳ vàng dại nở rực cả miền đồi hoang vu mà Sơn đã vẽ những nét vẽ đơn sơ trên những lá thư xưa, xưa hơn nữa là vẽ một nét con cá làm dấu ấn một thời dưới chữ ký của mình.

Có thể nói bức tranh hoàn chỉnh năm 1963 tại Huế, vẽ Diễm - thời của ca khúc nổi tiếng Diễm xưa - là khởi đầu cho những tranh sơn dầu khổ lớn về sau này của Sơn, những chân dung thấm đẫm tình yêu, tình bạn”, cố họa sĩ Đinh Cường viết.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết, mỗi khi bước vào căn phòng nhỏ ở số nhà 47C Phạm Ngọc Thạch - TPHCM, hình ảnh nhạc sĩ gầy gò bên piano hay bên khung tranh lại ùa về. Mọi thứ trong căn phòng, từ chiếc bàn với bản thảo chép tay các ca khúc, giá vẽ và cọ, đến vài bức họa dang dở, đều ở vị trí như ngày cuối cùng chủ nhân của chúng qua đời - 1/4/2001.

Góc nhìn khác về Trịnh Công Sơn

“Trịnh Công Sơn nắm bắt và lột tả khi vẽ chân dung rất tài, bởi vì Sơn thường vẽ những người thân, từ cô cháu bé, em gái và nhất là những người bạn gái của Sơn. Mỗi chân dung là mỗi ghi dấu kỷ niệm. Rồi đến chân dung bạn bè, những người bạn Hà Nội vong niên như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Thái Bá Vân, Dương Tường... khi tất cả đã thấm rượu sau cuộc hàn huyên”.  - Cố họa sĩ Đinh Cường viết trong một nhận xét về Trịnh Công Sơn.

Bà Trinh cũng tiết lộ rằng, trong bộ ảnh tư liệu của gia đình cố nhạc sĩ có bức hình hiếm hoi chụp Trịnh Công Sơn đang ngồi bên giá vẽ phác thảo những nét đầu tiên một bức chân dung. Nhạc sĩ thường vẽ chân dung bạn bè, người quen, người trong gia đình, bạn gái... và tặng họ. Ông vẽ nhiều nhân vật trong giới văn nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Bùi Giáng, Dương Tường, Thái Bá Vân…

Trong sự nghiệp hội họa, nhạc sĩ họ Trịnh từ vẽ bút sắt đến pastel, acrylic, màu nước, màu dầu. Một điều rất ít người biết là nhạc sĩ từng tổ chức triển lãm chung khá nhiều lần cùng các bạn họa sĩ tại TPHCM cùng với Tôn Thất Văn, Đinh Cường (tại nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, tháng 3/1988), với Đỗ Quang Em, Đinh Cường tại Nhà hữu nghị Tiệp Khắc (tháng 1/1989), cùng Đỗ Quang Em, Trịnh Cung tại nhà hàng Ritz (15/2/1990 đến 2/1/1991); với Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn tại khách sạn nổi Sài Gòn (tháng 9/1991) và triển lãm sau cùng với Bửu Chỉ, Đinh Cường tại gallery Tự Do (20/8 đến 3/9/2000).

Cố họa sĩ Đinh Cường từng nhiều lần chứng kiến Trịnh Công Sơn ngồi vẽ. Ông diễn tả rằng, với các bức chân dung, nhạc sĩ chỉ cần phác vài nét chính, giặm thêm màu đậm nhạt, hoen nhòa đã tỏ lộ ra được cái thần sắc của người đối diện mà đôi khi vẽ kỹ chưa chắc đã có hồn như vậy.

Tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang bàn bạc công tác chuẩn bị với gia đình nhạc sĩ. Trong đó có việc chọn lọc và thẩm định tranh, để khi ra mắt tại Hà Nội công chúng có thêm một góc nhìn khác về nhạc sĩ tài danh.

Người được uỷ thác chăm sóc các tư liệu của nhạc sĩ họ Trịnh, ông Nguyễn Trọng Chức cho hay, một số nhà sưu tập và đấu giá nghệ thuật muốn mua lại tác phẩm của nhạc sĩ. Nhưng đó là các tư liệu quý, không để bán mà để trưng bày, ngõ hầu công chúng có thể thưởng lãm để thấy “cõi trú thứ hai” của Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn cũng để lại bức tranh vẽ trên tường tại nhà người bạn ở Huế là Bửu Ý. Sau này, dịch giả Bửu Ý nói đùa với bạn bè: Ai mua thì phải gỡ cả bức tường nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ