Chinh phục A Pa Chải

GD&TĐ - Nếu ngày xưa, chỉ mới nghe qua cái tên địa danh cthì ai cũng mường tượng ra một vùng đất hoang vu chưa có dấu chân người đặt đến. Nhưng ngày nay, A Pa Chải là điểm đến của những ai ưa khám phá những miền đất lạ với vẻ đẹp hoang sơ mà hữu tình...

Ruộng bậc thang trên triền núi A Pa Chải
Ruộng bậc thang trên triền núi A Pa Chải

A Pa Chải là đỉnh núi nằm ở độ cao hơn 1.800m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên), cách thành phố Điện Biên 250km. Theo tiếng Hà Nhì, A Pa Chải có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. Đây là nơi sinh sống từ lâu đời của đồng bào Hà Nhì. Vùng đất này khá đặc biệt bởi đây là điểm cực Tây của đất liền Việt Nam, nơi tiếp giáp với biên giới Lào, Trung Quốc. Vì thế, vào sáng sớm tinh sương, con gà cất gáy trên đỉnh A Pa Chải là cả ba nước nghe thấy.

Để đến được đỉnh A Pa Chải, bạn phải vượt qua những chặng đường ngoằn nghoèo, uốn lượn theo dốc núi với những đoạn đường đá lởm chởm khó đi. Dọc đường có những khu rừng già và những con suối chảy từ nơi thượng nguồn đổ xuống ngang đường khiến cho con người có cảm giác như đang đi vào một khu rừng từ thời tiền sử. Theo kinh nghiệm của những người hay đi phượt núi thì thời điểm A Pa Chải đẹp nhất là vào mùa thu và mùa xuân để khám phá những vẻ đẹp còn tiềm ẩn nơi đây.

Nhà trình tường, không gian sinh sống của người Hà Nhì trên đỉnh A Pa Chải
Nhà trình tường, không gian sinh sống của người 
Hà Nhì trên đỉnh A Pa Chải 
Dọc đường đi lên đỉnh A Pa Chải, du khách có thể độc bộ theo lối mòn khác băng qua những bãi lau sậy, cỏ dại um tùm để khám phá vẻ hoang sơ của địa hình. Sau chặng đường dài, lên đến cột mốc số 0, A Pa Chải hiện ra trước mắt với một không gian núi non trùng điệp rộng lớn và khoáng đạt. Bao nhiêu ưu phiền, mệt nhọc xua tan trong giây lát, thay vào đó là một cảm giác choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ của những triền núi, của những tấm thảm rừng xanh bát ngát cứ nối nhau chạy đến chân trời. Đến đây, con người có cảm giác như lạc vào miền thảo nguyên, miền đất hứa với bao điều thú vị đang hiện hữu ngay trước mắt.

Tiết trời ở A Pa Chải mát mẻ quanh năm, tại đây có Đồn Biên phòng A Pa Chải và những bản làng của người Hà Nhì sinh sống. Thấp thoáng sau những vạt rừng là những căn nhà trình tường vững chãi, cổ kính, hoang sơ và bình yên. Đó là tín hiệu của sự sống và ý chí chinh phục tự nhiên của con người từ bao đời nay trên đỉnh núi này. Chiều về, A Pa Chải bồng bềnh trong biển mây trắng tựa bông. Có là cảnh sắc thần tiên khiến cho vùng đất này vốn hoang sơ mà thơ mộng, huyền ảo.

Sắc màu mùa xuân trên bản làng Hà Nhì ở A Pa Chải
Sắc màu mùa xuân trên bản làng Hà Nhì ở A Pa Chải 

Vào mùa thu, bên triền núi, những thửa ruộng bậc thang của người Hà Nhì uốn lượn như những đường viền tô điểm sắc xanh, sắc vàng cho núi. Dưới chân núi còn có những vạt cải nương đang trổ hoa rực vàng dưới nắng chiều. Vào mùa xuân, hoa mận, hoa mơ, hoa đào và hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc tạo nên những họa tiết tươi đẹp cho bức tranh A Pa Chải giữa mây trời. Hoa dã quỳ mọc hai bên những con đường mòn và cả bên triền núi khiến cho không gian rực vàng. Đứng trên đỉnh A Pa Chải, phóng tầm mắt ra xung quanh mà cảm nhận được nơi đây bao la, rộng lớn, như thu vào tầm mắt vẻ đẹp của non nước giữa miền biên giới xa xôi.

Đêm về, A Pa Chải lặng tờ như chìm vào giấc ngủ nồng say. Chỉ có tiếng gà rừng gáy bên sườn núi, tiếng hoẵng gọi bầy và tiếng suối chảy giữa đại ngàn. Thú nhất vào buổi tối được ngồi trong những căn nhà trình tường, bên bếp lửa ấm áp, được đồng bào Hà Nhì kể cho nghe về hành trình chinh phục tự nhiên nơi đây mà cảm nhận được ý chí và sức mạnh của con người.

Biển mây bồng bềnh trên đỉnh A Pa Chải
Biển mây bồng bềnh trên đỉnh A Pa Chải

A Pa Chải có nhiều đặc sản mà du khách có cơ hội thưởng thức mỗi khi đặt chân đến như rau rừng, măng rừng, xôi nương, gà đen, lạp xưởng, thịt lợn sấy... Mỗi món ăn để lại một dư vị khó quên.

Hành trình đến với A Pa Chải là một quá trình khám phá gian nan đòi hỏi con người phải đam mê, bền bỉ và có tình yêu với những miền đất lạ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.