Câu chuyện về “Gần lắm Trường Sa”

GD&TĐ - Giữa biển đảo Tổ quốc, nghe những ca từ “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em Trường Sa luôn bên anh” như thấm vào gan ruột. 

Ca sĩ Thanh Thúy hát ca khúc “Gần lắm Trường Sa” ở đảo Sơn Ca, ảnh Mai Thắng
Ca sĩ Thanh Thúy hát ca khúc “Gần lắm Trường Sa” ở đảo Sơn Ca, ảnh Mai Thắng

Không chỉ những người đã từng đặt chân tới mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió ấy, mà cả những người chưa một lần đến Trường Sa cũng dâng tràn xúc cảm và xao xuyến đến lạ kỳ khi nghe ca khúc Gần lắm Trường Sa...

Có thể nói  Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long là ca khúc nổi tiếng của ông. Gần lắm Trường Sa đã đưa ông lên tầm thời đại âm nhạc và trở thành nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa. 

Nhạc sĩ Hình Phước Long có 15 ca khúc viết về biển, đảo, trong đó Gần lắm Trường Sa là khúc ca nổi tiếng và thành công nhất. Đến thời điểm này, chưa có nhạc sĩ nào có nhiều bài hát về biển, đảo vượt qua Hình Phước Long. Ông đã trở thành nhạc sĩ riêng của bộ đội hải quân Trường Sa.

Hình Phước Long sinh ngày 7/9/1950 tại xã Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Cuộc đời ông gắn với biển Nha Trang. Thời trai trẻ, ông luôn ước ao sáng tác ca khúc viết riêng cho Trường Sa nhưng ông nhiều lần buông bút, cả khi nhiều lần ông đứng trước biển Nha Trang hình dung về Trường Sa có những người lính cầm súng canh đảo với đàn hải âu chao nghiêng trên sóng vỗ. 

Câu chuyện về sự ra đời của ca khúc Gần lắm Trường Sa được kể lại: Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy ông công tác ở Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Cam Ranh (Khánh Hòa) và được bộ đội Lữ đoàn 146 Hải quân mời đến nghe kể chuyện về đời sống, tâm tư lính đảo Trường Sa, rồi được xem phim tài liệu Tổ quốc nơi đầu sóng, khi ấy tâm tình người nhạc sĩ mới thực sự thức dậy với cảm xúc dâng trào về biển đảo.

Trong cuốn nhật ký ghi lưu bút của nhạc sĩ Hình Phước Long ở Lữ đoàn 146 hải quân có đoạn: “Kỳ vĩ và lãng mạn. Sóng nước mênh mang, chim hải âu bay rợp trời, hình ảnh kiên cường của đảo và giây phút bâng khuâng khi người lính trẻ nhớ về đất liền, bao tình cảm dạt dào chỉ biết bày tỏ qua những cánh thư. Sẽ có một bài hát về Trường Sa”.

Một năm sau khi Gần lắm Trường Sa ra đời, ông được ra thăm quần đảo Trường Sa: “Dẫu chưa đặt chân tới nhưng những gì mình cảm nhận và viết về nơi này đều rất chân thực. 

Khi biết mình, anh em bộ đội đứng chờ trước đó rất lâu. Mình vừa xuống tàu thì họ túa đến vây xung quanh, ôm chầm thân thiết như người quen lâu ngày gặp lại. 

Quá xúc động, trong khi còn chếnh choáng vì say sóng nhưng anh em bộ đội yêu cầu, mình đã cầm đàn ghi ta đứng hát giữa đảo. Khi ấy, mình và nhiều anh em bộ đội đã khóc” - Nhạc sĩ Hình Phước Long tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ