“Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”

GD&TĐ - Sáng 10/5/2018, đoàn du lịch của Hội Cựu giáo chức Trường ĐHSP Hà Nội 2 đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Nỏng Hang, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Uđon, Thái Lan đã nhận được sự đón tiếp vô cùng nồng hậu.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Uđon, Thái Lan
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Uđon, Thái Lan

Trong chuyến thăm và dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Uđon, Thái Lan và tiếp xúc với bà con Việt kiều ở nơi đây, có một điều khiến tôi cứ ngẫm ngợi hoài: đó là tình cảm đặc biệt của bà con Việt kiều ở đây dành cho Bác Hồ. Tình cảm ấy mộc mạc nhưng nồng thắm, sâu đậm, sâu nặng, tự nhiên, trong sáng, trong trẻo, đáng trân trọng.

Để phát triển phong trào yêu nước chống thực dân của nhân dân Việt Nam, tháng 8 - 1928, Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động. Uđon là tỉnh thuộc đông bắc Thái Lan (bấy giờ gọi là nước Xiêm), nơi có nhiều Việt kiều sinh sống. Nguyễn Ái Quốc (lúc này có tên gọi là Thầu Chín) sống và hoạt động ở đây khoảng hơn một năm (từ tháng 8/ 1928 đến năm 1929). Ở đây, Thầu Chín được bà con Việt kiều và người dân nước bạn giúp đỡ, đùm bọc rất nhiều. Người đã khơi dậy tinh thần yêu nước trong bà con kiều bào. Ngoài các hoạt động cách mạng, Người còn vận động người dân học chữ Xiêm và chữ quốc ngữ, cùng người dân đào giếng, vỡ đất làm vườn trồng rau, chăn nuôi lợn gà, mở xưởng cưa...

Thời gian lưu lại ở đây không nhiều nhưng Thầu Chín đã để lại những tình cảm, những ấn tượng tốt đẹp cho người dân. Người dân làng Nỏng Hang, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Uđon, Thái Lan (nơi Bác Hồ sống và hoạt động) đời nọ sang đời kia và đến tận bây giờ, còn lưu truyền những câu chuyện tốt đẹp, nặng nghĩa nặng tình về Bác Hồ. Có thể nói Bác Hồ lúc đó mới 38 tuổi, nhưng ở Người có một sức cuốn hút, sức cảm hóa lạ lùng với những người dân nơi đây.

Công trình Nhà tưởng niệm kiêm bảo tàng khang trang, bề thế và cả khu di tích này có thể nói là công trình kết tinh tình cảm, tấm lòng của bà con Việt kiều ở nơi đây đối với Bác Hồ. Kinh phí không nhỏ xây dựng khu di tích hoàn toàn do cộng đồng Việt kiều tỉnh Uđon và một số địa phương khác tại Thái Lan quyên góp, công đức, cùng với với sự hỗ trợ mạnh mẽ, nhiệt tình của một số nhà hảo tâm, một số tập đoàn, công ty, ngân hàng... tại Việt Nam.

Công trình được khởi công từ năm 2003, đến 2011 mới hoàn tất toàn bộ các hạng mục. Bà con Việt kiều nơi đây đến nay vẫn tự hào về việc hiếm có một lãnh tụ nước ngoài nào được xây dựng khu di tích, nhà tưởng niệm trên đất của một quốc gia khác, như Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan.

Sau khi dâng hương tưởng niệm Bác ở tầng 1, đoàn chúng tôi lên tầng 2 thăm một bảo tàng mi ni nói về những năm tháng Bác Hồ sống và hoạt động tại Uđon, Thái Lan. Tiếp đó, đoàn đi thăm ngôi nhà lá đơn sơ Bác từng ở, trên nền đất cũ, với chỗ ăn, giường ngủ, bàn làm việc, nhà bếp, giếng nước, những vật dụng thô sơ, mộc mạc như còn ấm hơi Người.

Đến dâng hương tri ân và tưởng nhớ Bác Hồ, niềm thương nhớ, niềm yêu kính, tự hào về Bác Hồ như được nhân lên gấp bội phần. Câu thơ của Tố Hữu lại hiện về trong tâm trí: "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn"...

Dưới đây là một số hình ảnh tại khu di tích:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.