Văn hóa đọc ngày càng xa lạ?

GD&TĐ - Trong vài năm trở lại đây, ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, liên tục diễn ra các hội chợ sách, đại hội sách cũ, các sự kiện giới thiệu, tổ chức xây dựng đường sách. 

Văn hóa đọc ngày càng xa lạ?

Mới đây, TPHCM quy hoạch, xây dựng thêm công trình đường sách thứ hai, nằm trên đường Nguyễn Đổng Chi (phường Tân Phú, quận 7) do UBND quận 7 phối hợp cùng Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện. Đường sách Nguyễn Văn Bình trong hai năm qua hoạt động khá tốt, trở thành một trong những trung tâm giới thiệu sách lớn, thu hút sự quan tâm của người đọc.

Nỗ lực là thế, vậy mà ngay cả ở hai thành phố đông dân nhất nước, tình hình xuống cấp của văn hóa đọc cũng vẫn trở nên đáng lo ngại. Người ta vẫn thích ngồi lê chém gió, tụ tập uống bia, say xỉn nhiều hơn là dành mỗi ngày từ một đến hai tiếng để đọc sách. Huống hồ là những địa phương ít hoạt động, không tìm cách đưa sách đến gần dân hơn, xoáy vào tâm lý bạn trẻ, kích thích đọc sách dưới nhiều hình thức: Sách nói, sách điện tử.

Thị trường sách, bạn đọc cũng phần nào nói lên sự quan tâm hay không của cơ quan văn hóa các địa phương. Cho dù một số chuyên gia, cơ quan chức năng cho rằng “nói văn hóa đọc xuống cấp là không đúng”.

Luồng ý kiến phân tích theo hướng này cho rằng, sách vẫn được in và bán trên thị trường. Bạn trẻ vẫn đón nhận. Thậm chí nhiều cuốn còn được đón nhận nhiệt tình. Đó là những ý kiến lạc quan, chỉ nhìn vào những khía cạnh bề nổi mà thiếu sâu sát thực tế.

Trên bình diện chung, ngày xưa người dân (dù dân số ít hơn) nhưng đến thư viện đọc rất nhiều. Nay dân số tăng, sách trong thư viện nhiều hơn, nhưng nhiều cuốn cả chục năm cũng chỉ nằm ở một vị trí, không được giở ra.

Ở khía cạnh khác, sách được đọc, đón nhận đâu phải cuốn nào cũng có giá trị. Mà đọc sách cũng không chỉ là đọc vài ba cuốn sách giải trí, vui vẻ, mà cần đọc cả những công trình nghiên cứu, lịch sử, khoa học có giá trị, góp phần bồi đắp vốn văn hóa, hiểu biết, làm giàu có thêm tình yêu đất nước, con người.

Chừng nào còn những người nằm trên đống sách mà không biết giá trị, hay đổ lỗi là do khó tiếp cận với sách, thì chừng đó sách còn chưa được quan tâm đúng mức và văn hóa đọc vẫn trở nên xa lạ. Chúng ta phải thay đổi cách làm, giới thiệu sách đến với bạn đọc theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, tận dụng từng thời điểm để công chúng có cơ hội tiếp xúc với sách. Đó là một trong những phương cách cần được quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.