Đó là câu chuyện của lòng tham, của hành xử phản cảm, vô văn hóa, mà suy ra, chỉ vì pháp luật không nghiêm nên vẫn còn đất cho thói hư tật xấu này phát triển. Dưới góc nhìn văn hóa, GS-TSKH-Viện sĩ Trần Ngọc Thêm lý giải:
- “Từ vụ việc trên, cùng nhiều vụ việc trước đây, có thể nhìn ra tâm lý tiểu nông tham lam của một bộ phận người Việt. Từ tham lam, dẫn đến ích kỷ không cách xa nhau là mấy. Thấy mình được lợi thì làm mọi việc, bất kể xấu tốt, chỉ để thỏa mãn mình, còn người xung quanh thì mặc kệ. Chính vì tham cái lợi nhỏ trước mắt mà thiếu đi tầm nhìn xa. Thường thì phụ nữ tham cái nhỏ, đàn ông tham cái lớn. Ra chợ, mớ rau hai ngàn đồng, các chị cũng phải trả giá, kỳ kèo cho được. Đi mua hàng thì thường ham khuyến mãi, giảm giá mà khuân cả những thứ không cần thiết về nhà.
Mở rộng ra, cộng đồng người Việt cũng vậy, thấy cái lợi trước mắt thì nổi lòng tham, mà không có cái nhìn tổng thể, để thấy được cái việc mình làm là lợi hay hại, thậm chí, gây mất uy tín trong mắt người ngoài ra sao.
Cả xã hội hiện nay cũng không tránh khỏi tình trạng này. Người trên tham thì kẻ dưới cũng mặc sức vơ vét. Chẳng hạn, chỉ vì được hưởng hoa hồng cao mà người ta có thể ký hợp đồng mua cái máy cũ kỹ không dùng được, trong khi có thể nhận chiết khấu ít hơn, nhưng mua mẫu máy mới thì năng suất cao hơn, ích lợi cũng nhiều hơn”.
<?> Có người cho rằng, đó một phần là do tâm lý đám đông. Cứ thấy của cho, của rẻ, của miễn phí thì phải nhào vô cho được. Hoặc một tâm lý kỳ quái khác, là khi thấy cô gái khốn khổ vì mặc chiếc bikini rách nát sau khi leo tường, đám đông thanh niên đã buông lời chọc ghẹo, quay phim, thậm chí quây sát khiến cô gái sợ hãi. Ông có thể nói gì về điều này?
- Như đã nói, việc hành xử trên là do tham lam, chứ không phải là do tâm lý đám đông này nọ. Còn hành vi phản cảm của đám đông thanh niên kia thì đúng là mang tính chất tâm lý đám đông. Trước hết, cũng phải nói đến cô gái, chỉ vì được tắm miễn phí mà vào nơi đông người không còn chỗ chen chân, lại đi một mình, xung quanh toàn đàn ông, không ý thức được việc tự bảo vệ mình. Đến khi xảy ra chuyện thì hối hận cũng không kịp. Còn đám thanh niên kia thì khi đứng trước mặt họ là người lạ, không phải là người thân, là chị em gái của mình, thì mặc sức trêu chọc mà không hề chạnh lòng, thương xót. Đó cũng chính là thói vô cảm trước thảm cảnh của người khác.
- Xin cảm ơn ông.