Người Nhật trên đường đến công sở.
Bất chấp cơn địa chấn mạnh tới 6,1 độ richter sáng 18/6 ở Osaka, Nhật Bản, người lao động tại đây vẫn tới công sở như bình thường, khiến việc về nhà vào cuối ngày hôm đó trở nên khó khăn, NHK đưa tin.
Nhiều tàu hỏa và tàu điện ngầm bị chặn lại. Các con đường tắc nghẽn suốt đêm và toàn bộ taxi đã kín chỗ. Các tài xế thậm chí phải từ chối những người cao tuổi đang cố gắng đi khám bệnh.
Văn hóa công sở Nhật Bản nổi tiếng với thời gian làm việc kéo dài và những nhân viên tận tụy. Giáo sư Yu Hiroi, chuyên gia tại Đại học Tokyo, cho biết điều này đồng nghĩa với việc người lao động vẫn sẽ đi làm sau khi có động đất, khiến tình hình tồi tệ hơn.
“Việc giảm số lượng người đi lại sẽ hạn chế các trường hợp tử vong sau động đất và hỏa hoạn, đồng thời giúp các xe cứu thương lưu thông dễ dàng hơn”, Hiroi giải thích. Ông đề xuất các công ty nên thông báo sớm trước khi thảm họa xảy ra để nhân viên biết khi nào quay trở lại làm việc.
Một công ty đã áp dụng sáng kiến này. Họ gửi tin nhắn cho các nhân viên để thông báo rằng hãy ở nhà sau trận động đất hôm 18/6. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở các công ty, mà là thói quen của người lao động. Nhật Bản nổi tiếng với văn hóa công sở cực đoan, gây áp lực khiến nhiều người cảm thấy phải đi làm bằng mọi giá.
“Tôi sẽ đi làm ngay cả khi phải đi bộ. Tôi là người lỗi thời, nhưng tôi cho rằng những người có công việc đều nghĩ giống tôi”, một người đàn ông độ tuổi 60 cho biết. Một phụ nữ trong độ tuổi 30 tiết lộ cô sẽ không nghỉ làm bởi còn các cuộc hẹn cần phải gặp.
Sau trận động đất nghiêm trọng vào tháng 3/2011, hàng trăm nghìn người lao động Nhật Bản đã mắc kẹt, không còn đường về nhà.
Nếu một trận động đất mạnh như vậy xảy ra thêm lần nữa, thủ đô Tokyo ước tính hơn 900.000 người sẽ rơi vào trạng thái tương tự, trong khi thành phố chỉ đủ cơ sở hạ tầng để phục vụ một phần ba trong số đó. Tokyo đang thảo luận về việc miễn thuế cho các công ty sẵn sàng cung cấp chỗ sơ tán cho người dân để tránh xảy ra tình trạng tương tự Osaka.