Vận dụng phương pháp sáng tạo vào giáo dục mầm non

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tâm huyết với nghề, nhiều giáo viên mầm non Hà Nội đã chủ động học hỏi, mạnh dạn đưa các phương pháp dạy học mới...

Cô Phùng Hương Giang áp dụng phương pháp Reggio Emilia trong giáo dục. Ảnh: TG
Cô Phùng Hương Giang áp dụng phương pháp Reggio Emilia trong giáo dục. Ảnh: TG

Học hỏi phương pháp hiện đại

Nhiều năm qua, cô Phùng Hương Giang - Trường Mầm non Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội) cố gắng tìm giải pháp tối ưu để xây dựng các hoạt động cho trẻ. Nữ nhà giáo luôn đổi mới, sáng tạo từ thiết kế môi trường giáo dục đến lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập phù hợp khả năng của trẻ, tình hình thực tế trường, lớp.

Cô Giang cho biết, gần đây, Reggio Emilia nổi lên như một xu hướng mới trong giáo dục mầm non. Với tinh thần học hỏi, say mê, tâm huyết với nghề, cô đã chủ động tham gia các khóa học chuyên sâu về hướng tiếp cận Reggio Emilia; triển khai kế hoạch sử dụng nguyên vật liệu thông minh để thiết kế lớp học theo xu hướng mới và dạy học dự án.

Tự tay thu gom các nguyên vật liệu, thiết kế lớp học, cô Giang đã tạo cho học trò môi trường hoạt động lý tưởng, những trải nghiệm thú vị hoàn toàn khác biệt với không gian đầy ắp nguyên vật liệu thông minh.

Sau thời gian trải nghiệm nhiều dự án lớn nhỏ, thú vị khác nhau, trẻ có chuyển biến rõ rệt dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể như mức độ hứng thú khi tham gia hoạt động, háo hức, tò mò muốn khám phá. Trẻ đồng thời thể hiện được ngôn ngữ bản thân theo cách riêng, phạm vi kiến thức mở rộng, mức độ tinh chỉnh kỹ năng cải thiện đáng kể.

Đặc biệt hơn, nhờ đồng hành cùng con trong quá trình triển khai dự án, phụ huynh trở thành những tuyên truyền viên tích cực nhất về chất lượng giáo dục nhà trường và là “đối tác” kết hợp cùng cô giáo xây dựng môi trường giáo dục lý tưởng cho trẻ.

Sự thay đổi đầy hiệu quả cũng là động lực để giáo viên trong trường dần thay đổi quan điểm, thay vì ngại bắt đầu với cái khó, giờ họ mong muốn được chia sẻ, tìm hiểu về triết lý, giá trị cốt lõi, cách tiến hành các dự án lấy cảm hứng từ Reggio Emilia để có thể nhân rộng mô hình lớp học hạnh phúc.

Đội ngũ giáo viên luôn có sự nhất trí cao khi đưa ra các ý tưởng thiết kế; hào hứng chia sẻ khi phát hiện nguyên liệu mới; nhiệt tình thu gom, hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình tìm kiếm, khai thác nguồn nguyên vật liệu, cùng nhau thực hiện dự án.

Cô Công Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Hồ chia sẻ: Thật khó có minh chứng hoàn hảo hơn những ánh mắt ngập tràn háo hức, nụ cười giòn tan của con trẻ, những cái ôm cảm ơn chân thành của bố mẹ, khoảnh khắc xúc động của cô giáo, phụ huynh khi thấy trẻ lớn lên từng ngày trong hành trình trở thành đứa trẻ hạnh phúc.

Hy vọng thời gian tới, cô Phùng Hương Giang sẽ tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp hơn về Reggio Emilia, mở ra diện mạo mới cho Trường Mầm non Tây Hồ cũng như góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp học mầm non.

Cô Trần Lan Phương cùng học trò Trường Mầm non Tương Mai. Ảnh:TG

Cô Trần Lan Phương cùng học trò Trường Mầm non Tương Mai. Ảnh:TG

Giúp trẻ tập trung học tập

Làm thế nào để giúp trẻ tập trung, kiểm soát bản thân tốt hơn, đó chính là câu hỏi mà cô Trần Lan Phương - Trường Mầm non Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn trăn trở, suy nghĩ. Là người yêu nghệ thuật hình thể cùng nhiều năm luyện tập yoga, cô Phương đã nghiên cứu và mạnh dạn ứng dụng trong trường mầm non thông qua biện pháp yoga kể chuyện và trò chơi yoga giúp trẻ rèn luyện sự tập trung chú ý.

Cô Phương cho rằng, thời đại 4.0, mạng Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Bên cạnh những lợi ích về kết nối, mạng Internet cũng có tác hại không nhỏ đối với trẻ em. Trẻ tiếp cận quá lâu với Internet thông qua thiết bị thông minh dễ thụ động, mất tập trung và kiểm soát bản thân kém hơn.

Với kinh nghiệm đứng lớp nhiều năm, đặc biệt khoảng thời gian sau đại dịch Covid-19, số lượng trẻ tăng động giảm chú ý và thiếu tập trung tăng mạnh, cô Phương đã trăn trở với câu hỏi làm thế nào để giúp những đứa trẻ ấy tập trung, kiểm soát bản thân tốt hơn.

Cô bắt tay vào nghiên cứu, tìm tòi và học tập trên các trang web về yoga. Cùng với tư vấn của một số chuyên gia, cô Phương nhận ra yoga và thiền có thể cải thiện sự tập trung cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Hoạt động yogakids sẽ góp phần bổ trợ lĩnh vực phát triển thể chất; kết hợp yogakids cùng các câu chuyện giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng.

Kết hợp chuyên môn sư phạm và kiến thức về yoga, cô Phương lập kế hoạch thời gian và chia thành nhóm các tư thế yogakids: Nhóm tư thế dành cho trẻ có biểu hiện tăng động; nhóm tư thế dành cho trẻ thiếu tập trung; trò chơi yoga giúp trẻ phát triển tư duy, trí tưởng tượng, sáng tạo.

Từ hiệu quả thực tế, cùng sự động viên, khuyến khích của ban giám hiệu nhà trường, cô Phương đã chia sẻ phương pháp tới giáo viên cùng lớp, tổ chuyên môn. Trong giờ sinh hoạt chuyên môn, các cô cùng nhau góp ý, tập luyện các tư thế yoga, chia sẻ bài tập ứng dụng vào hoạt động phát triển thể chất. Vào giờ thể dục sáng thứ Sáu hằng tuần, nhà trường tổ chức cho trẻ tập yoga theo hình thức giao lưu tập trung.

Kể về đồng nghiệp, cô Cao Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tương Mai cho biết: Mới chuyển công tác về trường, song cô Phương luôn tràn đầy nhiệt huyết. Cô biết cách sắp xếp giữa việc đứng lớp và hoạt động đoàn thể, tạo được niềm tin với giáo viên toàn trường, lan tỏa phong cách sống tích cực tới mọi người.

Chúng tôi luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên sáng tạo. Các sáng kiến, dù nhỏ được ban giám hiệu xem xét, góp ý với mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế, nhiều sáng kiến của giáo viên nhà trường được triển khai, mang lại kết quả tích cực. - Cô Cao Thu Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ