UNICEF và UNESCO xem đây là một sáng kiến toàn cầu, có ý nghĩa quan trọng trong hành động, thúc đẩy các nước nhanh chónh đạt đến mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc là “tất cả trẻ em đều được đến trường vào năm 2015”. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Lê Khánh Tuấn – Phó Vụ trưởng, Vụ kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) về vấn đề này.
Vừa qua, ông là đại diện của Việt Nam tham gia Hội nghị khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về “Sáng kiến toàn cầu nghiên cứu trẻ em ngoài nhà trường”, ông cho biết rõ hơn “Sáng kiến toàn cầu” của UNICEF và UNESCO về báo cáo trẻ em ngoài nhà trường là gì?
Báo cáo TENNT được UNICEF và UNESCO coi là sáng kiến toàn cầu về cách tiếp cận chính sách mới, không chỉ theo hướng gián tiếp là đi từ các trụ cột của an sinh xã hội, mà trực tiếp xem xét số trẻ ở ngoài nhà trường, tìm ra nguyên nhân bỏ học, từ đó tác động chính sách vào nguyên nhân để đưa trẻ đến trường.
Đây là một xu hướng toàn cầu, là cách rất trực quan để hình thành chính sách và biện pháp quản lý, nhằm xoá các rào cản, bảo đảm quyền được đi học cho mọi người dân, thực hiện tốt mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Trước đây hệ thống quản lý thường tập trung chú ý nhóm trẻ em đã đến trường học, chưa chú ý phân tích sâu về TENNT; vì vậy thiếu chính sách và biện pháp tốt. Nghiên cứu TENNT là một sáng kiến thực sự có ý nghĩa khoa học, đưa đến một phương pháp mới trong phát hiện và xây dựng chính sách giáo dục; tạo ra phương pháp tiếp cận mới trong thống kê, lập kế hoạch phát triển giáo dục và xây dựng chính sách.
Cách triển khai sáng kiến toàn cầu của UNICEF và UNESCO dựa vào những yếu tố nào, thưa ông?
Triết lý tiếp cận của họ rất đơn giản là: hiện nay nhà trường chủ yếu tập trung chú ý vào số trẻ đã được huy động ra lớp, chăm lo để đảm bảo chất lượng, chống lưu ban, bỏ học.
Nay hướng thêm sự tập trung vào số trẻ em không được đến trường, nghiên cứu và trả lời các câu hỏi “Họ là ai?”, “Họ đang ở đâu?” và “Tại sao họ lại không được đến trường ?”.
Trả lời câu hỏi tại sao, chúng ta sẽ đưa ra chính xác các nguyên nhân/rào cản đang cản trở việc đi học của trẻ, từ đó xây dựng chính sách để xóa các rào cản, giúp trẻ đi học.
Chẳng hạn, khảo sát ở một vùng nào đó, có 1.000 em trong độ tuổi đi học mà không được đến trường. Phân tích theo nguyên nhân thì có 700 em không đi học được do gia đình nghèo, 100 em bị ngăn cản bởi nhận thức, 100 em khó khăn do bị khuyết tật, 100 em do nhà quá xa trường.
Các chính sách cần được ban hành để đưa 1.000 em này đến trường sẽ là: miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho nhóm nghèo, có khó khăn về kinh tế; tuyên truyền, nâng cao nhận thức do cha mẹ và cộng đồng cho nhóm bị rào cản nhận thức; tổ chức các lớp chuyên biệt, hoà nhập và hỗ trợ điều kiện cho trẻ bị khuyết tật; xây thêm điểm trường để rút ngắn khoảng cách đi lại, giúp trẻ thuận lợi khi đến lớp.
Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao về báo cáo TENNT tại Hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông có thể cho biết cụ thể những thành công của Việt Nam?
Hội nghị khu vực do UNICEF toàn cầu và Viện Thống kê UNESCO phối hợp tổ chức tại Bangkok. Chủ trì nội dung có các chuyên gia hàng đầu về chính sách và thống kê của Liên hợp quốc.
Báo cáo của Việt Nam đã gây tiếng vang lớn tại Hội nghị, được ban tổ chức, các quốc gia dự họp nhắc đến và trích dẫn liên tục trên các diễn đàn với các từ như "tuyệt vời", "ngôi sao", "tấm gương", "người dẫn đường". Chúng tôi thật sự tự hào khi hai tiếng Việt Nam được bạn bề quốc tế nhắc đến rất kiêu hãnh ở cả 14 phiên thảo luận của Hội nghị.
Được đánh giá là thành công, bởi vì Việt Nam nhận vé vớt chậm một năm trong số 26 quốc gia triển khai đợt đầu, nhưng đã thực hiện tích cực, hoàn thành sớm và báo cáo đạt chất lượng tốt nhất; phương pháp luận tiếp cận sáng tạo, nghiên cứu từ cơ sở ở 6 tỉnh, thành phố; phản biện theo mẫu khu vực để kết luận cho báo cáo quốc gia; với nhiều đối tượng tham gia rất bài bản từ cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh, đến cấp quốc gia.
Điều đặc biệt là trong quá trình hoàn thiện báo cáo, Việt Nam đã vận dụng ngay vào thực tiễn giáo dục. Cụ thể là đã có sự kết nối với việc phân tích để đề xuất tích hợp vào chính sách quốc gia về trợ giúp xã hội và giảm nghèo, tham gia quy hoạch chính sách giáo dục; bổ sung tiêu chí TENNT vào biểu mẫu báo cáo thống kê định kỳ, đưa vào sổ tay thống kê và hướng dẫn, tập huấn sử dụng; thể hiện thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển và hướng dẫn xây dựng hoạch dựa trên quyền được học của trẻ em từ năm 2014.
Làm được được như vậy, Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ mới trong tiếp cận giáo dục, từng bước bảo đảm sự bình đẳng và công bằng trong cơ hội học tập của người dân.
Thưa ông, thực trạng trẻ em ngoài nhà trường ở Việt Nam hiện nay thế nào?
Báo cáo TENNT của Việt Nam phân tích từ số lượng trẻ em 5 tuổi, số trẻ trong độ tuổi tiểu học và THCS không được đến trường. Trên cơ sở các yếu tố loại trừ và số liệu tổng điều tra dân số 2009 để mổ xẻ, nhận định về các rào cản, vướng mắc đã ngăn cản trẻ đi học và khuyến cáo về hệ thống chính sách giáo dục cần phải ban hành.
Theo đó, một số chỉ số cơ bản như sau: ở độ tuổi 5 tuổi tỷ lệ thôi học là 0,20%; ở độ tuổi tiểu học tỷ lệ thôi học 1,16%, tỷ lệ thôi học ở nông thôn cao hơn thành thị, dân tộc Mông và Khmer cao hơn các dân tộc khác; ở độ tuổi THCS tỷ lệ trẻ em thôi học là 9,47%, cao hơn 8 lần tỷ lệ thôi học tiểu học, tỷ lệ thôi học của trẻ em trai cao hơn trẻ em gái (tương ứng là 10,19% và 8,69%). Các chỉ số về giới tính, dân tộc, tình trạng di cư, hoàn cảnh kinh tế, nhận thức xã hội… và các rào cản liên quan cũng được phân tích chi tiết.
Nhưng điều quan trọng không phải là ở các chỉ số. Báo cáo TENNT ở cả cấp tỉnh và cấp quốc gia đã thực sự có những đánh giá làm “thức tỉnh” các quan niệm cũ. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các báo cáo đến độc giả của quý báo.
Xin ông cho biết định hướng tiếp theo của Việt Nam?
UNICEF và UNESCO sẽ triển khai tiếp cho 30 nước nữa trong đợt hai và khuyến cáo sử dụng rộng rãi đến tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Việt Nam cũng theo hướng đó. Trước mắt là hoàn thiện và công bố báo cáo của 6 tỉnh và báo cáo quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí thu thập thông tin và thúc đẩy công tác lập kế hoạch dựa trên quyền được đi học của trẻ, với hệ thống chỉ tiêu và biện pháp thực hiện cụ thể.
Quan trọng hơn là phải sử dụng kết quả phân tích TENNT để hoạch định chính sách, rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách giáo dục theo yêu cầu của Chính phủ trong thời gian tới. Về lâu dài, sẽ cập nhật số liệu và làm mới đánh giá để phục vụ cho các kỳ kế hoạch tiếp sau. Đây cũng là một trong những hành động thực sự mới trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Việt Nam cũng cam kết sẵn sàng hợp tác, giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác trong triển khai và ứng dụng.
Xin cảm ơn ông!
Thư của Ngài Jesper Moller - Phó đại diện UNICEF Việt Nam - gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
“Tôi rất vui khi được biết là kinh nghiệm triển khai “Sáng kiến trẻ em ngoài nhà trường” của Việt nam đã tạo được ấn tượng tốt đẹp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc chỉ đạo và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu trẻ em ngoài nhà trường và xây dựng báo cáo phân tích sâu của 6 tỉnh với quá trình triển khai công phu, có tham vấn rộng rãi với cơ sở và các thành phần có liên quan.
Ngoài ra Bộ GD&ĐT đã lồng ghép các vấn đề về bình đảng giáo dục như đã tổng hợp từ nghiên cứu trẻ em ngoài nhà trường vào công tác thu thập thống kê và chỉ đạo lập kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo theo tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Bộ Giáo dục các nước, UNICEF khu vực và New York , và Viện Thống kê UNESCO đã đánh giá cao Việt Nam là nước tham gia sau, nhưng lại hoàn thành đầu tiên với các kết quả như trên.
Văn phòng UNICEF Việt Nam rất phấn khởi được cùng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở trong suốt quá trình này. Một lần nữa xin trân trọng chúc mừng”