Vấn đề tự chủ khi sửa đổi Luật Giáo dục Đại học

GD&TĐ - TS. Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Ủy viên thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - đi sâu vào vấn đề tự chủ khi trao đổi về việc xây dựng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung.

Vấn đề tự chủ khi sửa đổi Luật Giáo dục Đại học

Theo TS Lê Viết Khuyến, khái niệm tự chủ được nói đến các cơ sở giáo dục nói chung, trong đó có trường đại học. Tuy nhiên, ở cả hai luật: Giáo dục và Giáo dục Đại học, mới chỉ làm cho người ta thấy các cơ sở giáo dục, trong đó có giáo dục đại học cần được tự chủ, cần tăng cường tự chủ cho các trường.

Nhưng tự chủ là khái niệm rất rộng và nó gắn với nhiều giải pháp khác nữa. Nếu không thực thi đồng bộ tất cả các giải pháp sẽ không hình thành tự chủ, thậm chí có thể dẫn tới hậu quả xấu.

Bởi vậy, TS Nguyễn Việt Khuyến cho rằng, ở cả 2 luật Giáo dục và Giáo dục Đại học cần phải làm rõ tổng thể những giải pháp này thành một khối nhất quán, cụ thể:

Thứ nhất, tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm xã hội, hay trách nhiệm giải trình.

"Có người quan điểm, là trường đại học, bản thân nó đương nhiên phải có quyền tự chủ; hoặc cũng rất nhiều hiệu trưởng nói, cứ trao cho chúng tôi quyền, chúng tôi sẽ làm tốt..., nhưng không thấy được việc, nếu trao quyền tự chủ, bản thân anh phải giải trình được tất cả những gì mình sẽ làm, để xã hội có thể giám sát được, đánh giá được" - TS Lê Viết Khuyến nói.

Thứ hai, quyền tự chủ không phải trao cho tất cả các trường đại học như nhau mà cần phải xem thực trạng các trường đó như thế nào, năng lực giải trình của các trường đó ra sao để giao tự chủ ở các mức độ khác nhau.

"Ở các nước, trường đại học nghiên cứu có quyền tự chủ rất cao, nhưng các cơ sở khác quyền tự chủ cũng có mức độ, không cao như đại học nghiên cứu.

Ở nước ta hiện nay đang có quan niệm là các trường đều được tự chủ như nhau, quan niệm đó theo tôi không ổn" - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Thứ ba, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, khi tự chủ, quyền lực không thể trao về một tay hiệu trưởng. Người hiệu trưởng dù có tài giỏi mấy, tốt mấy, nhưng khi được toàn quyền quyết định mọi thứ, dần dần không sớm thì muộn sẽ trở thành độc tài. Thực tế có thể thấy rất rõ điều này.

Quyền tự chủ phải trao cho Hội đồng trường, tức một tập thể lãnh đạo. Như vậy, Hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường, nơi định ra đường hướng phát triển nhà trường và giám sát các hoạt động của Ban giám hiệu nhà trường. Thậm chí, Hội đồng trường có quyền lựa chọn hiệu trưởng.

Trên thực tế, hiện nay ở các trường đại học, hiệu trưởng mới là người có quyền lực cao nhất. Hội đồng trường chỉ là tổ chức tư vấn cho hiệu trưởng, chưa phải tổ chức quyền lực thực sự.

TS Lê Viết Khuyến
TS Lê Viết Khuyến 

Phân tích sâu về Hội đồng trường, theo TS Lê Viết Khuyến, theo kinh nghiệm thế giới với các trường công lập, những người ở trong Hội đồng trường phải do cộng đồng xã hội lựa chọn - đó là những cá nhân ưu tú, có năng lực nhất. Cơ quan công nhận Hội đồng trường phải là cơ quan cấp cao.

Là đại diện cho cộng đồng xã hội, trong thành phần Hội đồng trường, người bên ngoài nhà trường phải nhiều hơn người ở trong nhà trường. Chỉ như thế, đường hướng phát triển nhà trường mới hướng ra lợi ích cộng đồng xã hội.

"Tuy nhiên, cho đến nay, Hội đồng trường của chúng ta chủ yếu là nội bộ nhà trường, nên vẫn theo hướng nội, từ lợi ích trong nội bộ" - TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.

Nếu mở rộng ra cả trường tư thì Hội đồng trường phải đại diện cho các chủ sở hữu nhà trường. Trả lời câu hỏi: xác định rõ chủ sở hữu nhà trường là ai, theo TS Lê Viết Khuyến, với trường công, chủ sở hữu một trường tự chủ thật sự phải là cộng đồng xã hội.

"Hiện nay, trường công của chúng ta chủ sở hữu là nhà nước. Nếu sở hữu nhà nước, phải có cơ quan chủ quản. Muốn xóa bỏ sở hữu nhà nước, trao cho cộng đồng xã hội thì phải xóa đi vai trò của bộ chủ quản. Còn vai trò của bộ chủ quản, Hội đồng trường sẽ mất tác dụng" - TS Lê Viết Khuyến phân tích.

Trước vấn đề phải xử lý mối quan hệ giữa Đảng ủy và Hội đồng trường như thế nào? TS Lê Viết Khuyến đưa quan điểm cá nhân:

Tôi thấy có đề xuất khá hợp lý hiện nay, đó là: Bí thư Đảng ủy phải được giới thiệu vào trong Hội đồng trường và ứng cử vị trí Chủ tịch Hội đồng trường.

Để được như vậy, điều vô cùng quan trọng, Bí thư Đảng ủy phải là người có thực lực, có uy tín cả về chuyên môn và chính trị - đó cũng là một thách thức đối với Đảng.

"Tất cả những nội dung trên cần được cụ hể hóa trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi" - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ