Văn dài, điểm đẹp?

GD&TĐ - Từ năm 2018 đề thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT ổn định về cấu trúc với kết quả trên mong đợi của xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

Thí sinh TPHCM tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (điểm thi THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình). Ảnh minh họa: INT
Thí sinh TPHCM tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (điểm thi THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình). Ảnh minh họa: INT

Tuy nhiên, năm 2024, điểm môn Ngữ văn tăng “dựng đứng”. Tổng số thí sinh từ 9 điểm trở lên là 92.055.

Lý giải điểm Ngữ văn tuyển sinh và tốt nghiệp mấy năm nay tăng mạnh, đặc biệt năm 2024, tôi thấy có 4 vấn đề.

Một là số học sinh học tốt Ngữ văn tăng lên rất nhanh, học khá giỏi chiếm 2/3 số học sinh của trường, cá biệt nhiều trường có lớp giỏi 100%. Nếu đó là sự thật thì mừng vì chất lượng môn học đã tốt lên. Thực tế, nhiều người biết, điểm thi không phản ánh đúng việc dạy và học Ngữ văn. Điểm thi thật khác xa kết quả khảo sát, và điểm học bạ.

Hai là giám khảo vận dụng linh hoạt đáp án và biểu điểm. Khi “chéo bài, chéo thanh tra”, điểm khác xa khi địa phương chấm dưới sự giám sát của thanh tra Bộ. Kết quả điểm thi Ngữ văn có xu hướng tiệm cận 10. Nhưng không phải là một cặp chấm, một hội đồng chấm, mà nhiều tỉnh điểm cao chót vót.

Ba là đề thi dễ hoặc trúng tủ. Từ 2018, đề Ngữ văn đã đổi mới, dùng ngữ liệu đọc hiểu mới. Phần tự luận 5 điểm thì chỉ hỏi trong vài tác phẩm sách giáo khoa 12 và giới hạn cảm nhận trong đoạn trích của đề, ý mở rộng (từ đó nhận xét…) chỉ chiếm 0,5 điểm/5 điểm. Đoạn văn (2 điểm) với yêu cầu viết (khoảng 200 chữ). Trong thời gian 120 phút, nhiều thí sinh đã viết được hàng chục trang, dù không phải là học sinh giỏi môn này. Bất cứ ai dạy và chấm Ngữ văn cũng hiểu học trò viết gì, có đúng yêu cầu và diễn đạt thế nào?

Bốn là người có trách nhiệm tổ chức chấm thi và giám sát chưa có sự thống nhất trong kiểm soát, điều chỉnh và yêu cầu giám khảo chấm đúng và chấm linh hoạt. Tôi nhớ, những năm 1995 - 1996, trong Hướng dẫn chấm của Bộ Giáo dục ghi rõ “những bài giống tài liệu hoặc trình bày nhiều lỗi nhất thiết không cho điểm trung bình”. Sự “nương tay” không đều giữa các địa phương đã làm mất tính liêm chính của khoa học, tạo nên sự thiệt thòi nghiêm trọng cho thí sinh khi xét tuyển sinh.

Tôi dạy Ngữ văn, đã dự thi giỏi văn toàn quốc, luôn yêu cầu trò từ bỏ văn dài, học thuộc, tôi dạy trò cách viết và tự viết… Nhiều em cho tôi biết: “Cô em bảo viết càng dài càng tốt”, “viết giãn chữ, viết to để nhiều trang”, “viết càng dài càng tốt”, “viết thêm lý luận văn học…”. Một giám thị Điểm thi huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho hay, “điểm thi hơn 500 thí sinh viết được hơn 1.800 tờ giấy thi Ngữ văn…Trong 120 phút, các em vừa nghĩ, vừa viết và viết như máy hàng chục trang toàn chữ, chẳng hiểu trò viết gì?”.

Chấm thi Ngữ văn bây giờ, bạn tôi bảo: Chả thể hiểu nổi anh ạ. Chấm mỗi tập bài 4 - 5 chục tờ, mà chóng mặt, hoa mắt… Tôi hỏi, bài thế nhưng sao vẫn đẹp điểm thế? Bạn ấy chỉ cười: “Anh biết rồi còn hỏi”. Tôi hỏi học trò, các em cười vui: “Em cũng không ngờ điểm lại cao thế thầy ạ”, “Thầy toàn cho em dưới 4, nay em được 7,5 nhưng nhiều bạn điểm cao, không biết em có đỗ không?”...

Theo số liệu, số điểm trung bình tăng, số điểm dưới trung bình giảm, học sinh vùng nông thôn và miền núi, có lớp bình quân trên 9 điểm Ngữ văn… Điểm Ngữ văn đẹp như thế đáng mừng hay lo? Ai cũng hoan hỉ điểm cao nhưng vẫn trượt đại học. Theo tôi, những con số rất đẹp và đáng tự hào. Chỉ có người dạy và người học, người tuyển dụng hiểu rõ sự nguy hại. Các thế hệ người Việt trẻ suy nghĩ và chọn học lệch sẽ phải vất vả học đọc hiểu văn bản, học nói, học nghe và học viết…

Điểm Ngữ văn năm 2024 tăng “phi mã” sau môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý. Cả nước 19 thủ khoa khối C00, thì Bắc Ninh có 13 và cứ 4 học sinh Bắc Ninh thì có 1 em đạt điểm 9 Ngữ văn.

Nếu không chấn chỉnh và thay đổi, từ năm 2025, thí sinh cũng sẽ bỏ qua yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ, bài văn khoảng 600 chữ của cấu trúc đề Ngữ văn Bộ GD&ĐT công bố vào ngày 8/3/2024. Tôi thiển nghĩ, mỗi nhà giáo Ngữ văn cần tìm hiểu thật kỹ về định dạng đề Ngữ văn 2025, từng bước thay đổi suy nghĩ và phương pháp để giúp học sinh hướng đến đọc hiểu và tự viết, viết đúng và đủ ý cơ bản, viết thuyết phục một vấn đề bất kỳ. Để thoát ra được quỹ đạo hàng chục năm dạy và viết văn dài, học thuộc, cả thầy và trò rất cần nỗ lực và kiên trì. Vòng xoáy của văn mẫu, học thuộc như cơn lốc bắt đầu tác quái với hàng chục cuốn sách tham khảo, bộ đề, giải đề… đã và đang có trong balo của thầy và trò.

Những năm tới, quan niệm “văn dài, điểm cao” liệu có còn tác động đến việc dạy và học, thi Ngữ văn? Làm thế nào để thay đổi suy nghĩ đã ăn sâu trong mỗi người dạy Ngữ văn? Đó là vấn đề mà chỉ đề thi thay đổi không thể hóa giải được.

Về bài luận Ngữ văn, quy trình chấm thi nghiêm túc và đúng quy chế. Giám khảo Ngữ văn phải chấm theo bazem của Bộ GD&ĐT với các tiêu chí nội dung, hình thức và thang điểm theo Hướng dẫn và ghi vào Phiếu chấm cá nhân điểm các câu thành phần và chỉ người chấm thứ 2 mới được ghi điểm vào bài thi và cuối cùng là thống nhất.

Từ năm 2000, Hướng dẫn chấm Ngữ văn của Bộ GD&ĐT đã thay đổi và gọi là Đáp án và thang điểm, với bảng hàng ngang (như hiện nay), và từ năm 2015, các nội dung trong Hướng dẫn chỉ nêu ra luận điểm khái quát và mức điểm. Các hội đồng chấm thi, sẽ chấm chung 10 bài và sau khi thống nhất mỗi giám khảo sẽ ghi bổ sung các tình huống, các mức độ vào Hướng dẫn chấm của mình và thư kí ghi biên bản để thực hiện.

Thực tế, Hướng dẫn chấm Ngữ văn của các kì thi của trường phổ thông, của phòng hoặc sở Giáo dục và Đào tạo đều có phần Hướng dẫn chung, sau đó mới Hướng dẫn chi tiết và thang điểm. Mấy năm nay, nhiều địa phương làm theo Hướng dẫn của kỳ thi tốt nghiệp, vì thế giáo viên rất khó định lượng, dẫn đến độ vênh lớn và giám khảo thường bỏ qua nhiều lỗi như hình thức chữ viết, dùng từ, trình bày và độ dài ngắn và yêu cầu giới hạn kiến thức.

Dưới đây là một Hướng dẫn chi tiết đã và vẫn còn thực hiện ở cấp cơ sở:

1. Bài hiểu đề, đủ các ý cơ bản, diễn đạt lưu loát, trình bày thuyết phục và cảm xúc, giám khảo chấm từ 9 trở lên. Dưới mức giỏi là điểm khá 7 - 8. Bài điểm 10 thêm sự sáng tạo.

2. Bài hiểu đề, nêu được nửa số ý, diễn đạt, ngữ pháp, chữ viết còn một số lỗi thì đạt điểm trung bình 5 - 6.

3. Bài chưa hiểu đề, lạc đề, và còn nhiều lỗi thì điểm dưới 3 - 4.

4. Bài chưa hiểu đề, hiểu sai, bỏ bài hoặc không làm bài thì điểm kém dưới 3.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một giáo viên nhiều năm dạy môn Ngữ văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân trao quà Tết cho nhà giáo, người lao động tại Trường Đại học Mở Hà Nội.

Mọi nhà giáo đều có Tết

GD&TĐ - Với phương châm “Tất cả nhà giáo, người lao động đều có Tết”, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo thiết thực...