Vai trò quan trọng của phụ huynh giúp con phòng tránh Covid-19

GD&TĐ - Thời gian qua, các trường tại TP. HCM đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, ứng phó hiệu quả với sự xuất hiện trở lại của Covid-19 trong cộng đồng.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Luôn sẵn sàng và chủ động

Nhận định về tình hình dịch Covid-19, TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị Truyền thông Giáo dục Sức khoẻ-Phòng Khám đa khoa (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết: Dịch Covid-19 không chỉ nặng mà sẽ còn kéo dài. Vì trên thế giới ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đang rất nghiêm trọng. Việc khi nào dịch chấm dứt thì chúng ta rất khó khẳng định. Tuy nhiên, theo diễn tiến tự nhiên của một đợt dịch bệnh thì mức độ và tần suất đợt cấp sẽ giảm dần. Có khả năng chúng ta sẽ phải sống cùng "với lũ" như bệnh cúm mùa, các bệnh nhiễm siêu vi hô hấp khác...

“Người dân cần chủ động các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình, lớp học bằng các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của bộ Y tế. Các biện pháp này đã được y văn thế giới chứng minh có hiệu quả trong việc phòng ngừa dịch bệnh, kể cả đại dịch. Hi vọng, khi vacxin được phép sử dụng cho cộng đồng thì dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.”, TS. Bác sĩ Nguyễn Nam Hà cho hay.

Để đảm bảo sự an toàn cho thầy cô và học sinh thì việc giảng dạy Online là giải pháp thay thế thực tiễn. TS. Bác sĩ Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh sự chủ động và sẵn sàng của các cơ sở giáo dục trước dịch bệnh, đồng thời lưu ý, khi được phép học tập trung trở lại, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho cá nhân và tập thể nhỏ là quan trọng nhất. Các biện này bao gồm đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay đúng cách, và chăm sóc tai, mũi, họng (xịt mũi, súc họng) trước khi đến lớp.

Ngoài ra, trong mùa dịch, giáo viên và học sinh cần uống đủ nước, tăng cường ăn uống đủ chất (vitamin và khoáng chất), tập luyện thể dục nhằm tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. 

Việc quản lý lớp học giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở học sinh đo thân nhiệt, nhận biết các dấu hiệu bệnh lý để thực hiện việc chăm sóc y tế tại trường, cũng như khai báo y tế theo quy định. 

Trường hợp phát hiện học sinh có thân nhiệt cao và các dấu hiệu hô hấp cấp thì cần chủ động cho học sinh xuống phòng chăm sóc y tế để được thực hiện quản lý y tế theo quy định.  

Nhà giáo Lê Ngọc Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Quận 4, TP.HCM chia sẻ: Ngay khi có thông tin về các nhiễm Covid-19 mới trên địa bàn TP.HCM, nhà trường đã ngay lập tức thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế.

Trường đã thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, lớp học và các phòng chức năng, phòng bộ môn. Tận dụng CNTT để tuyên truyền cho phụ huynh về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP một cách kịp thời, chính xác. 

“Đảm bảo an toàn cho mỗi học sinh là cách để đảm bảo an toàn cho tất cả học sinh, giáo viên và cộng đồng. Nhà trường là nơi tập trung hàng nghìn học sinh nên luôn phải chủ động và sẵn sàng, đặc biệt đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Khi có dịch, chúng tôi luôn kích hoạt các biện pháp phòng ngừa ở mức cao nhất để giảm thiểu mọi nguy cơ, tạo tâm lý an tâm cho phụ huynh và sự an toàn cho học sinh.”, Nhà giáo Lê Ngọc Phong nhấn mạnh.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh

Sự phối hợp của gia đình luôn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục toàn diện và chăm sóc học sinh. Nhà giáo Lê Ngọc Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Quận 4, TP.HCM nhận định: Trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường nói chung cũng như công tác triển khai hiệu quả các biện pháp phòng dịch Covid-19 rất cần sự phối hợp, đồng hành, quan tâm của phụ huynh. Nếu không có sự quan tâm, phối hợp, nhắc nhở con em mình của phụ huynh thực hiện các biện pháp phòng dịch, thì việc triển khai trong nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử những việc nhỏ nhất như khi phụ huynh đưa con đến trường mà không nhắc nhở các em đeo khẩu trang, bản thân phụ huynh không đeo khẩu trang, không nhắc nhở các em rửa tay thường xuyên... cũng làm hạn chế hiệu quả tuyên truyền phòng dịch của nhà trường. Trong giai đoạn này, phụ huynh cần hạn chế tối đa các em đi đến những nơi đông người hay những việc khác như khai báo y tế là vô cùng quan trọng để nắm rõ thông tin, lịch trình của học sinh, người thân. 

Được biết, từ khi có dịch Covid-19 vào hồi 2/2020 cho đến khi kết thúc năm học 2019-2020 và giai đoạn tiếp theo bắt đầu năm học 2020-2021 tới nay, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Quận 4 luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của ngành Y tế và GD-ĐT.

Nhà trường liên tục tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đến cha mẹ học sinh, học sinh bằng nhiều hình thức thông qua tin nhắn điện thoại của phụ huynh, tin nhắn zalo của lớp, bảng tin của trường, trang web của trường... 

Nhà trường đã chuẩn bị một phòng cách ly để xử lý khi phát hiện có học sinh có dấu hiệu như bị sốt, ho... 

Nhà trường cũng thực hiện việc khai báo y tế đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và rà soát, nắm bắt để kịp thời khai báo y tế đối với các trường hợp đi đến những nơi có các nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP. 

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tuyên truyền đến phụ huynh không nên cho học sinh đến các điểm đông người như khu vui chơi, siêu thị... Khi phụ huynh có chở các con ra ngoài có việc cần, phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn thường xuyên. 

“Khi có trường hợp được xác dịnh nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 thì phải xác định chắc chắn qua ý kiến của cơ quan chức trách y tế là các trung tâm y tế quận, huyện. Do đó, phụ huynh không nên quá hoang mang nếu không có ý kiến xác định đối tượng nhiễm bệnh của nhà chức trách y tế.

Trong trường hợp đã xác định là ca F1 thì cơ quan chức trách đã thực hiện cách ly tập trung theo quy định, các trường hợp học sinh, sinh viên cùng trường thuộc F2 sẽ tự cách ly tại nhà. Con anh chị học ở trường khác nếu không có tiếp xúc gần với ca F1 ở trường bạn thì nguy cơ sẽ thấp nên vẫn đi học bình thường.”, TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà khuyến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.