Vắcxin COVID-19 của ĐH Oxford và AstraZeneca đạt được kết quả khả quan


Ngày 20/7, theo những dữ liệu mới được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, vắcxin COVID-19 do Đại học Oxford (Anh) phối hợp với tập đoàn dược phẩm AstraZeneca (liên doanh Anh-Thụy Điển) đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong giai đoạn thử nghiệm trên người quy mô lớn đầu tiên, với khả năng tạo ra miễn dịch mạnh mẽ.

Nhóm nghiên cứu gọi loại vắcxin đang được nghiên cứu với tên ChAdOx1 nCoV-19, được bào chế dựa trên nguyên liệu gen từ virus SARS-CoV-2 và một chủng adenovirus gây viêm nhiễm trên loài tinh tinh. 

Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của loại vắcxin này với hơn 1.000 người tham gia đã đạt được những kết quả khả quan.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, loại vắcxin nói trên đã tạo ra được kháng thể và tế bào T để chống lại sự viêm nhiễm. Các kháng thể có khả năng trung hòa được phát hiện ở nhiều người tham gia thử nghiệm sau 28 ngày. Đây vốn được cho là một yếu tố quan trọng trong quá trình sản sinh ra khả năng bảo vệ trước virus SARS-CoV-2.

Các chuyên gia phát hiện loại vắcxin này có khả năng chịu đựng tốt và không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Những tác dụng phụ xuất hiện chủ yếu là mệt mỏi, đau đầu, đau cơ và sốt nhẹ.

Giám đốc Viện Jenner tại Đại học Oxford, Giáo sư Adrian Hill cho rằng những dấu hiệu miễn dịch mạnh mẽ cho thấy vắcxin nhiều khả năng có thể bảo vệ người bệnh khỏi virus, song vẫn chưa có gì được khẳng định. Ông Hill hy vọng các cuộc thử nghiệm trên người tại Mỹ có thể được thực hiện trong vài tuần tới.

Loại vắcxin do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển là một trong số ít nhất 100 loại vắcxin phòng ngừa dịch COVID-19 đang được nghiên cứu trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có ít nhất 23 loại vắcxin đang bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người.

Trước đó, chính phủ Anh đã đạt thỏa thuận với AstraZeneca về việc sản xuất và cung cấp 100 triệu liều vắcxin COVID-19 tiềm năng do hãng dược phẩm này phối hợp với Đại học Oxford phát triển. Chính phủ Anh cũng giành được quyền tiếp cận phương pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể do AstraZeneca phát triển nhằm bảo vệ những người không thể tiêm vắcxin.

Hồi tháng 6, AstraZeneca thông báo tập đoàn này đang phối hợp với các đối tác để sản xuất và phân phối 2 tỷ liều vắcxin. Song song với các cuộc thử nghiệm, AstraZeneca đang đẩy nhanh tốc độ sản xuất để có thể phân phối loại vắcxin mới này trong thời gian sớm nhất ngay sau khi được chứng nhận tính hiệu quả.

Dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng giới chuyên gia vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải về cách thức cơ thể con người phản ứng sau khi bị nhiễm virus. Một trong những câu hỏi quan trọng nhất, đó là liệu những kháng thể được tạo ra có thể bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bị tái nhiễm hay không.

Các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại sau khi có nhiều người có dấu hiệu tái nhiễm COVID-19 dù đã được tuyên bố khỏi bệnh. Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể sẽ giúp ích nhiều cho tiến trình nghiên cứu vắcxin cũng như quá trình phân phối cho cộng đồng.

Vắcxin do AstraZeneca và ĐH Oxford nghiên cứu đang đạt nhiều kết quả khả quan.
Vắcxin do AstraZeneca và ĐH Oxford nghiên cứu đang đạt nhiều kết quả khả quan.

TheoVietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ