Bắt đầu từ tháng Mười, Bộ Y tế chính thức sử dụng trở lại vaccine “5 trong 1” Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước quyết định này, người dân, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ rất băn khoăn vì trước đó đã không ít trường hợp trẻ nhỏ tử vong sau khi tiêm Quinvaxem.
Ảnh: MH |
Về vấn đề này, GS, TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Chủ nhiệm Dự án tiêm chủng mở rộng - cho biết:
- Quyết định đưa Quinvaxem vào tiêm chủng trở lại được Bộ Y tế cân nhắc, đánh giá rất kỹ lưỡng sau khi có những kết quả điều tra cẩn thận về chất lượng vaccine. Cũng như các tổ chức y tế trong và ngoài nước đều khẳng định loại vaccine này là an toàn và các trường hợp xảy ra tai biến vừa qua sau khi tiêm Quinvaxem không có liên quan tới chất lượng vaccine.
Tuy nhiên nhiều người dân vẫn rất lo ngại về nguy cơ xảy ra tai biến sau khi sử dụng lại vaccine Quinvaxem?
- Tất cả các loại vaccine được lưu hành hiện nay đều an toàn đã qua kiểm định rất chặt chẽ về chất lượng, tỷ lệ rủi ro thấp. Cho đến nay chưa có trường hợp tai biến sau tiêm vaccine nào được xác định do nguyên nhân từ chất lượng vaccine mà chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, một số trường hợp không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên vẫn không thể loại trừ khả năng xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng. Ngay cả khi sàng lọc tốt, vẫn có những bệnh lý như bệnh tim bẩm sinh, rất khó phát hiện.
Hơn nữa, không có loại vaccine nào là an toàn tuyệt đối 100%. Tiêm vaccine tức là đưa vào cơ thể một kháng nguyên lạ, cơ thể sản xuất kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, vì hiệu quả trong phòng bệnh vượt trội hơn nguy cơ tai biến, nên Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến cáo đưa Quinvaxem vào sử dụng.
Vậy phải làm gì để bảo đảm an toàn hơn khi sử dụng lại vaccine Quinvaxem?
Từ tháng Mười tới sẽ triển khai tiêm trở lại vaccine “5 trong 1” Quinvaxem phòng ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do Hib ở tất cả các tỉnh thành phố sau 5 tháng tạm ngưng. Tuy nhiên, lịch tiêm chủng sẽ không thay đổi. Theo lịch tiêm chủng chuẩn, việc tiêm 3 mũi Quinvaxem được thực hiện khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi.
Mặc dù vậy do việc tiêm vaccine này bị tạm dừng từ tháng 5 đến nay nên nếu cháu nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm tiếp chứ không phải tiêm lại từ mũi đầu. Khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu tại mỗi buổi tiêm không được tiêm quá 50 trẻ và cán bộ tiêm chủng phải tăng cường khám sàng lọc cho trẻ, tư vấn cho các bà mẹ trước khi tiêm cho trẻ.
Ông có khuyến cáo gì cho các gia đình khi đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine tới đây?
- Các bậc cha mẹ cần thông báo với nhân viên y tế đầy đủ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng của trẻ trước và sau tiêm, để kịp thời phát hiện các tình huống chống chỉ định, hoặc để tạm thời chưa tiêm. Sau khi tiêm cũng cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ có hiện tượng sốt cao, khóc thét, bỏ bú… nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Theo SGGP