Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia vừa họp xem xét, đánh giá báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên vắc xin Nanocovax, với kết quả nghiên cứu tính đến ngày 30/11. Các thành viên Hội đồng, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia kết luận, vắc-xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn, dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30/11.
Ngoài ra, vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch theo Hướng dẫn chuyên môn về xem xét tính an toàn và hiệu quả bảo vệ phục vụ đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước, dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0 ngày 30/11.
Về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, cần tiếp tục bổ sung dữ liệu các trường hợp mắc Covid-19 theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt. Chấp nhận đề xuất của tổ chức nhận thử (Học viện Quân y, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh) và nhà tài trợ (Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen) về việc xác minh các trường hợp mắc Covid-19 trong nghiên cứu tính đến hết ngày 13/12 làm dữ liệu chính thức để phân tích, đánh giá hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vắc-xin Nanocovax.
“Đề nghị tổ chức nhận thử hoàn thiện báo cáo và gửi báo cáo phân tích hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vắc xin về Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia trước 15 giờ ngày 22/12/2021 để xem xét, đánh giá”, kết luận của hội đồng nêu rõ.
Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia cũng “ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 nói chung, vắc-xin Nanocovax nói riêng”. Đồng thời, khẳng định, đến nay trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, đã có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả bảo vệ vắc-xin nghiên cứu.
Để bảo vệ người tình nguyện tham gia nghiên cứu, đặc biệt những người tình nguyện được tiêm giả dược, hội đồng chấp nhận đề xuất của tổ chức nhận thử và nhà tài trợ về việc “mở mù” để tiêm vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu ở nhóm sử dụng giả dược.
Nghiên cứu này thực hiện “làm mù” để bảo đảm tính khách quan. Theo đó, người tình nguyện tham gia nghiên cứu được quản lý bằng mã số. Họ được phân một cách ngẫu nhiên vào nhóm tiêm vắc-xin nghiên cứu hoặc giả dược.