Vắc-xin Covid-19 dạng xịt mũi bảo vệ cơ thể thế nào?

GD&TĐ - Viện Pasteur Nha Trang vừa thông báo tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc-xin Covid-19 dạng xịt mũi dùng véc-tơ virus cúm. Chương trình tuyển tình nguyện viên diễn ra từ nay đến 30/4/2022.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đã chứng minh tính an toàn và sinh miễn dịch tốt

Ngày 31/3, bà Trịnh Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - quản lý khoa học - hợp tác quốc tế, Viện Pasteur Nha Trang (đặt tại Khánh Hòa), cho biết đơn vị tiếp tục tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 dạng xịt mũi dùng véc-tơ virus cúm.

Viện Pasteur Nha Trang dự kiến tuyển 3.000 tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên, sinh sống ở hai tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa tham gia giai đoạn III của quá trình nghiên cứu lâm sàng vắc-xin phòng Covid-19 dạng phun sương xịt mũi, dùng véc-tơ virus cúm.

Tình nguyện viên phải đáp ứng thêm các yêu cầu như khỏe mạnh hoặc bệnh nhẹ duy trì ổn định; tiêm liều vắc-xin phòng Covid-19 cuối cùng cách đây ít nhất 3 tháng; chưa từng mắc Covid-19 và sẵn sàng tuân thủ 4 lần thăm khám của nghiên cứu. Chương trình tuyển tình nguyện viên diễn ra từ nay đến hết ngày 30/4/2022. Thời gian tình nguyện viên tham gia thử nghiệm dự kiến kéo dài một năm.

Khi đăng ký, tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe; sau đó được phun xịt hai liều thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 vào mũi, mỗi liều cách nhau 14 ngày và theo dõi sức khỏe trong một năm với 4 lần thăm khám định kỳ theo chương trình nghiên cứu. Tình nguyện viên sẽ được hỗ trợ 900.000 đồng/lần thăm khám sức khỏe.

“Các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng I và II của thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 dạng phun sương xịt mũi dùng véc-tơ virus cúm đã chứng minh tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch tốt. Nghiên cứu đã được xem xét, phê duyệt của cơ quan quản lý các cấp và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học”, bà Thủy cho biết.

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, khác với vắc-xin tiêm, vắc-xin xịt mũi sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh tại vị trí xịt thuốc, kích thích sản sinh kháng thể và tế bào lympho trực tiếp trong mũi.

Kháng thể có khả năng tiêu diệt virus ngay khi chúng xâm nhập qua đường mũi bằng cách ngăn chặn virus nhân lên, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và chữa bệnh.

Vắc-xin xịt mũi còn có thể sản sinh kháng thể và tế bào lympho trong khoang mũi và đường hô hấp. Hiện tượng này không xảy ra đối với vắc-xin tiêm bắp. Khác với vắc-xin tiêm bắp, vắc-xin xịt mũi cung cấp đến hai lớp bảo vệ. Đó là tạo kháng thể và tạo tế bào lympho T và B trong màng nhầy đường hô hấp, từ đó hình thành hàng rào bảo vệ chống nhiễm virus tại khu vực này.

Không tạo được khả năng miễn dịch lâu dài

Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, mũi là cửa ngõ xâm nhập chính của virus SARS-CoV-2. Đó là lý do vì sao các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bằng cách ngoáy mũi. Ưu điểm của vắc-xin xịt mũi là không sử dụng kim tiêm, do đó nhiều người sẽ không cảm thấy lo lắng khi bị kim đâm vào da thịt.

Vắc-xin xịt mũi đạt được đáp ứng miễn dịch tại chỗ hiệu quả hơn ở mũi để ngăn chặn virus chui vào sâu hơn trong cơ thể.

Triển vọng của loại vắc-xin này là có thể được sử dụng tiện lợi, có thể phòng được các loại virus cúm thông thường, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, nhiều khả năng vắc-xin này sẽ không thay thế được vắc-xin tiêm thông thường.

Nhược điểm của loại vắc-xin này là tạo phản ứng miễn dịch toàn thân kém hơn và phản ứng miễn dịch không kéo dài như vắc-xin tiêm bắp. Trên thế giới, nhiều nhà khoa học đã nghĩ đến giải pháp kết hợp hai loại vắc-xin tiêm bắp và xịt mũi.

Mục đích là sử dụng vắc-xin tiêm bắp để sản sinh kháng thể lâu dài và tạo số lượng lớn tế bào lympho B và T, đồng thời kết hợp với vắc-xin xịt mũi như “chất tăng cường” để tạo tế bào lympho B và T trong mũi.

Vắc-xin Covid-19 xịt mũi đã được nhiều nước nghiên cứu. Tại Anh, mỗi năm đều có vắc-xin xịt mũi được cấp phép để ngừa bệnh cúm cho trẻ em. Cách đây 10 năm, Ấn Độ đã sử dụng vắc-xin xịt mũi để ngăn ngừa virus cúm H1N1. Hiện có 5 quốc gia là Colombia, Philippines, Nam Phi, Indonesia và Việt Nam triển khai thử nghiệm vắc-xin Covid-19 dạng phun sương xịt mũi giai đoạn III.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.