(GD&TĐ) - “Ireland là một hòn đảo xinh đẹp, được kết hợp giữa các thành phố hiện đại với vùng quê thanh bình, giữa các tòa nhà chọc trời xen giữa các lâu đài cổ kính và thiên nhiên hoang dã. Uy tín quốc tế của giáo dục Ireland dựa trên nền tảng của sự cam kết cung cấp chất lượng cao nhất. Đất nước thân thiện, an toàn với một môi trường tiếng Anh bản ngữ luôn chào đón các sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Mời các bạn hãy đến và cảm nhận…”. Bà Bộ trưởng Jan O’Sullivan đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở ở văn phòng tại thành phố DUBLIN Thủ đô IRELAND.
PV: Bà vui lòng cho biết sự hợp tác hiệu quả giữa hai đất nước thời gian qua?
Bộ trưởng Jan O’Sullivan |
Bà jan O’Sullivan: Tôi chắc chắn các bạn đều biết, Ireland rất quan tâm phát triển các mối quan hệ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ văn hóa tới kinh tế. Chúng tôi đang tiến hành một chương trình viện trợ phát triển khá lớn cho Việt Nam, phòng thương mại của chúng tôi cũng đang tích cực tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta, cả ở cấp Chính phủ cũng như cấp doanh nghiệp. Trong những năm qua, Viện trợ của Chính phủ Ireland đã góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu tăng trưởng thông qua một loạt các mối quan hệ đối tác như Chương trình tín dụng giảm nghèo (PRSC); Chương trình 135 giai đoạn II; Chương trình Chia sẻ kinh nghiệm phát triển Ireland (IDEAS); và Quỹ Xã hội dân sự (CSF). Chính phủ Ireland cam kết viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 55 triệu Euro trong giai đoạn 2011-2015, mức hỗ trợ được chia theo mỗi năm là 11 triệu Euro. Chiến lược đặt ra trong năm năm tới gồm 3 mục tiêu cụ thể: Nâng cao khả năng của cấp cơ sở trong việc lập kế hoạch và điều chỉnh các nguồn đầu tư công nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm yếu thế nhất; Tăng cường việc hoạch định và thực hiện chính sách ở cấp trung ương trong giải quyết vấn đề nghèo và giảm nghèo thiệt thòi; Tăng cường năng lực của các cơ quan Chính phủ, cơ quan nghiên cứu và khu vực tư nhân trong quản lý kinh tế. Việc công bố Chiến lược Quốc gia về Hợp tác phát triển Việt Nam – Ireland giai đoạn 2011-2015 thể hiện thiện chí, cam kết cao của Chính phủ Ireland dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
PV: Vậy trong lĩnh vực giáo dục thưa bà?
Bà jan O’Sullivan: Một trong những nền tảng để xây dựng mối quan hệ giữa các nước là thông qua dịch vụ giáo dục. Ireland có nền giáo dục hàng đầu, với tiêu chuẩn tương đương hoặc tốt hơn bất cứ nền giáo dục nào khác trên thế giới. Đất nước chúng tôi là một trong những nước có tỷ lệ người đi học cao nhất thế giới với 81% HS có bằng THPT, 60% học tiếp ĐH & THCN... Tăng trưởng kinh tế của Ireland hiện được đánh giá một trong những nước giàu nhất châu Âu là nhờ hệ thống giáo dục phát triển vượt bậc về chất lượng. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đó là nhờ hệ thống giáo dục ưu tú, các sinh viên tốt nghiệp sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức với kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng sáng tạo tốt. Chúng tôi có 51 tổ chức giáo dục ĐH và THCN bao gồm; 7 trường ĐH, 14 viện công nghệ, các trường tư thục, độc lập và được hỗ trợ của nhà nước; 8 tổ chức trong nhóm hàng đầu của THES. Giáo dục là một phần trong AND của người Ireland. Với truyền thống kinh điển lâu đời “đất nước của thánh và học giả”. Chiến lược phát triển quốc gia về giáo dục giai đoạn 2007-2013 chúng tôi sẽ đầu tư 6 tỷ Euro cho nghiên cứu, 3,5 tỷ Euro cho các viện giáo dục ĐH, 13 tỷ Euro cho phát triển hạ tầng và các sáng kiến. Tổng đầu tư cho phát triển tri thức quốc gia hàng năm tăng 10 % trong vòng một thập kỷ qua.
PV: Bà cùng phái đoàn cấp cao đã sang thăm Việt Nam vào tháng 11 năm 2011. Bà kỳ vọng như thế nào về sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước?
Bà jan O’Sullivan: Đất nước các bạn thật tuyệt vời. Khi tới đây tôi có cảm giác như về nhà mình vậy. Tôi đã đi thăm các dự án ở tỉnh Thanh Hoá và thăm Viện Huyết học truyền máu. Tôi cũng có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với nhiều cơ hội hợp tác mở ra trong giáo dục. Chúng tôi mong muốn thu hút thêm nhiều sinh viên từ châu Á và cụ thể là Việt Nam. Tuy vậy, giáo dục Ireland chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam, thực tế chúng tôi mới tham gia vào lĩnh vực dịch vụ giáo dục quốc tế khoảng 15 năm. Đến năm 2010 đã có khoảng 26 nghìn SV quốc tế theo học, trong đó 66% SVĐH, 17% SV các viện công nghệ, 17% HS thuộc các trường tư thục, độc lập và được hỗ trợ của nhà nước. Trong giai đoạn 2007-2010 Ireland đã cung cấp 40 học bổng sau ĐH trong các lĩnh vực khác nhau cho các sinh viên Việt Nam tài năng để du học Ireland. Chúng tôi luôn chào đón và có chỗ cho nhiều sinh viên Việt Nam sang du học hơn nữa.
PV: Chi phí học tập và cơ hội làm việc ở Ireland thưa bà?
Bà jan O’Sullivan: Ireland là một trong những nước có chi phí sinh hoạt thấp nhất ở châu Âu. Học phí có thể cạnh tranh với các trường tại Mỹ, từ 12,000 đến 22,000 đô la tùy từng khoá học. Chi phí trung bình cho một sinh viên/năm từ 10,000 tới 16,000 đô la, tuỳ thuộc vào chỗ ở và cách chi tiêu... Xin lưu ý sinh viên học tất cả các khoá học toàn phần ở Ireland có thể đăng ký được làm việc tối đa 20 giờ một tuần và toàn bộ thời gian trong các kỳ nghỉ. Ireland đặc biệt ở chỗ chỉ với dân số 4 triệu nhưng là một trong ba nước xuất khẩu phần mềm đứng đầu thế giới. Bên cạnh các công ty phần mềm Ireland của chúng tôi, các sinh viên tốt nghiệp đã giúp thu hút các công ty như EBAY, GOOGLE, TWITTER, PAYPAL và các công ty đa quốc gia về công nghệ thông tin đến đặt chi nhánh hoạt động tại Ireland. Sau khi tốt nghiệp, thị thực sinh viên sẽ được gia hạn thêm 6 tháng để cho phép sinh viên tìm được việc làm.
PV: Xin Bà cho biết cụ thể hơn về học bổng dành cho sinh viên Việt Năm năm 2012?
Bà jan O Sullivan: Chương trình học bổng thuộc Chương trình Chia sẻ Kinh nghiệm Phát triển Ailen-Việt Nam (IDEAS) năm 2012 và dành cho khóa học Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh, tài chính và các ngành khoa học khác tại trường Đại học Kinh tế UCD Michael Smurfit tại Dublin, Ai Len. Chương trình MBA của trường Đại học Kinh tế UCD Michael Smurfit được tạp chí Financial Times xếp hạng thứ 57 trên thế giới và thứ 19 tại châu Âu. Học bổng bao gồm: vé máy bay hai chiều, học phí, bảo hiểm y tế, tiền ăn ở, trợ cấp ổn định cuộc sống, tiền sách vở và quần áo (nếu phù hợp). Học bổng chỉ dành cho cá nhân với thời gian học toàn thời gian kéo dài 12 tháng. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích đơn xin học bổng của các ứng viên của khu vực công, là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác. Chương trình học bổng thuộc Chương trình Chia sẻ Kinh nghiệm Phát triển Ai Len – Việt Nam (IDEAS) bắt đầu năm 2009 và dành cho khóa học Thạc sỹ ngành Quản trị kinh doanh và các ngành liên quan (Tài chính, Quản lý dự án, Tiếp thị...). Chúng tôi nhận được trung bình 250 hồ sơ cho 10 suất học bổng. Năm 2012, các khóa Thạc sỹ và Thạc sỹ quản trị kinh doanh sẽ được cung cấp tại Trường Quản trị Kinh doanh Michael Smurfit, Dublin, một trong số 100 trường hàng đầu về kinh doanh trên thế giới.
PV: Xin cám ơn bà.
PV