Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 3: Bàn nhiều nội dung quan trọng

GD&TĐ - Sáng 22/5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 3. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.

Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sáng 22/5.
Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sáng 22/5.

Đồng chủ trì có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng.

Nội dung phiên họp tập trung vào những vấn đề: Báo cáo một số nội dung của Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Báo cáo chuyên đề việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - môn Lịch sử; báo cáo kết quả giám sát việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet; thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện quyền trẻ em và việc thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan đến trẻ em…

Khẳng định các vấn đề Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp đang được cử tri và nhân dân quan tâm nhiều, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, có ý kiến phát biểu sâu sắc, trí tuệ, trên tinh thần xây dựng.

Với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị phát huy trí tuệ tập thể, chú trọng đổi mới phương thức làm việc, xác định nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế đối với các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; tăng cường hoạt động giám sát tập trung vào các nội dung về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Trong công tác xây dựng luật: Cần rà soát, phát hiện các bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo tại các quy định của pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 8 khóa 11; yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa 12; đồng thời cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có thể áp dụng trong điều kiện của Việt Nam

Về Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử một cách thấu đáo, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và có đề xuất trên nguyên tắc phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục, đào tạo.

Về lĩnh vực văn hóa: Bám sát Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam; đặc biệt là nội dung trong bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 24/11/2021 tại Hội nghị văn hóa toàn quốc.

Về các hoạt động giám sát: Cần lựa chọn vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những vấn đề “nóng”, “nổi cộm” cử tri, nhân dân quan tâm; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện chính sách công tác thanh niên như:

Giải quyết việc làm cho thanh niên, thanh niên khởi nghiệp; xây dựng môi trường lành mạnh nâng cao sức khỏe, thể lực và tầm vóc cho thanh niên…; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phát triển toàn diện của trẻ em,…;

Chủ động trong giám sát việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đây là chuyên đề dự kiến giám sát năm 2023 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ