Tiết kiệm thời gian
Theo thói quen, gần đến giờ tan sở, PGS.TS Trần Minh Quang, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM lại vào phần mềm UTraffic kiểm tra tình trạng giao thông. Gõ địa chỉ nhà vào điểm đến, nếu bản đồ xuất hiện quá nhiều điểm màu đỏ (điểm đang xảy ra ùn tắc), TS Quang sẽ ở lại giải quyết thêm một số công việc.
Ngược lại, nếu bản đồ lộ trình có nhiều điểm xanh và vàng, anh sẽ lên xe về nhà. Tương tự, trước giờ đi làm, anh cũng đăng nhập UTraffic để chọn lộ trình tối ưu nhất. “Nhờ có UTraffic, tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian, tránh được các điểm ùn tắc, chọn được lộ trình phù hợp nhất”, anh Quang nói.
UTraffic là hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông dựa vào dữ liệu cộng đồng do nhóm tác giả ở Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM xây dựng, PGS.TS Trần Minh Quang là trưởng nhóm. Ứng dụng này giúp xác định nhanh chóng, chính xác tình trạng giao thông khi cần di chuyển.
Ý tưởng xây dựng một hệ thống dữ liệu phục vụ chống ùn tắc giao thông của nhóm tác giả đã có từ khoảng bảy năm trước. Năm 2018, được sự hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, nhóm hiện thực hóa ý tưởng với sự bắt tay cùng Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) - kênh giao thông đô thị (95.6 MHz).
Chia sẻ về lý do xây dựng hệ thống UTraffic, PGS.TS Trần Minh Quang cho biết, hiện ở các thành phố lớn, giám sát giao thông được thực hiện chủ yếu bằng camera. Điểm yếu của hệ thống này là độ bao phủ thấp, chi phí lớn, chỉ quan sát được tình trạng giao thông ở các điểm giao thông chính.
Làm thế nào để hiện trạng giao thông ở bất cứ đâu trong thành phố cũng được hiển thị, chia sẻ, tập hợp thành dữ liệu để đưa ra cảnh báo? Anh và nhóm nghiên cứu nghĩ đến giải pháp tận dụng chiếc điện thoại thông minh của mỗi người dân. Đây chính là những “mắt thần”, đem lại dữ liệu chính xác, theo thời gian thực về tình trạng giao thông.
“Dữ liệu chính là cốt lõi của một hệ thống cảnh báo giao thông. Qua điện thoại có thể đo được thời gian, vị trí, hình ảnh, mức độ, lý do gây tắc nghẽn, từ đó cập nhật lên hệ thống cảnh báo”, TS Quang cho biết.
Tránh ùn tắc hiệu quả
UTraffic là hệ thống gồm dữ liệu về giao thông thu thập từ cộng đồng thông qua ứng dụng di động; Ước lượng và dự báo tình trạng giao thông chính xác, kịp thời bằng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn và học máy; Cảnh báo ùn tắc giao thông kịp thời; Hỗ trợ chức năng tìm đường hiệu quả có xét đến tình trạng giao thông.
UTraffic gồm ba phần mềm: Phần mềm UTrafficMobile trên điện thoại di động hỗ trợ thu thập dữ liệu dựa vào cộng đồng, hiển thị và cảnh báo thực trạng giao thông, hỗ trợ tìm đường tối ưu. Người dùng có thể download ứng dụng tại https://bktraffic.com/home/mobile-app;
Phần mềm UtrafficPortal là ứng dụng web thu thập, tổ chức lưu trữ và phân tích dữ liệu, hỗ trợ tìm đường tối ưu tại https://bktraffic.com/home/; UTrafficMIS là Hệ thống thông tin quản lý về tình trạng giao thông đang được sử dụng thực tế tại Kênh giao thông đô thị (95,6MHz) của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM kể từ tháng 9/2020.
Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn sẽ được tổng hợp và phân tích tại trung tâm xử lý trên nền tảng điện toán đám mây. Để xác thực dữ liệu, nhóm sử dụng các kỹ thuật máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, loại bỏ các giá trị bất thường.
Dữ liệu sẽ được phân tích, đánh giá để đưa ra dự đoán tình trạng giao thông theo thời gian thực. Thông tin này được cập nhật lên bản đồ giao thông (nằm trong ứng dụng Utraffic) trên điện thoại di động hoặc trang web. Tại ứng dụng, người dùng còn có thể tìm kiếm địa chỉ, đóng góp dữ liệu về tình trạng giao thông cho hệ thống.
Khi truy cập và tìm lộ trình đi từ điểm A đến điểm B, phần mềm sẽ hiển thị lộ trình tối ưu theo các tiêu chí khác nhau (theo quãng đường, theo thời gian có xét đến tình trạng giao thông hiện thời,…) lên bản đồ giao thông kèm theo các thông số về độ dài đường đi và thời gian di chuyển đến đích mà hệ thống ước lượng được.
Trên lộ trình đó, các điểm ùn tắc sẽ có màu đỏ, giao thông đông đúc có màu vàng, đường thông thoáng thì hiển thị màu xanh để người dân biết rõ tình trạng giao thông trên lộ trình mà mình sắp đi qua.
Hai mươi người đã tham gia thử nghiệm trong vòng một tháng, với lộ trình là 5km để so sánh với ứng dụng Google Maps. Kết quả cho thấy, 80% dữ liệu trùng khớp với Google Maps. Phần khác biệt (20%) là do tại những thời điểm đó Google Maps thiếu dữ liệu thời gian thực nên ước lượng không hợp lý tình trạng giao thông.
Trong khi đó UTraffic nhận được dữ liệu từ phần mềm di động nên phản ánh đúng tình trạng giao thông trong thực tế. Đây là điểm nổi bật thể hiện rõ điểm mạnh về độ bao phủ và tính thời gian thực của hệ thống UTraffic.
TS Nguyễn Xuân Long, Đại học Quốc gia TPHCM nhận xét, giải pháp của hệ thống UTraffic có những điểm mới, nổi trội và khắc phục các hạn chế của các giải pháp đang có trên thị trường, phù hợp để triển khai tại các thành phố có mật độ giao thông lớn. Càng nhiều người tham gia vào hệ thống, dữ liệu càng nhiều thì độ chính xác càng cao.
Hiện đã có gần 4.000 lượt truy cập vào hệ thống. Dù các kết quả đạt được bước đầu khả quan, song để triển khai rộng rãi vẫn còn nhiều việc phải làm như tiếp tục hoàn thiện hệ thống, đem lại sự tiện dụng cho người dùng. Nhóm sẽ nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật xử lý giọng nói trong tìm đường, cung cấp thông tin giao thông.
Mở rộng việc kết nối với các hệ thống camera giao thông để gia tăng nguồn dữ liệu đầu vào. Ngoài ra, các mô hình khuyến khích cộng đồng chia sẻ dữ liệu (data crowdsourcing incentive models) cũng cần được nghiên cứu và phát triển.