Ứng xử thế nào với hành vi tiêu cực của trẻ?

GD&TĐ - Khi trẻ thường xuyên bộc phát cảm xúc, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ chưa phát triển các kỹ năng cần thiết để đối phó với những cảm giác như thất vọng, lo lắng và tức giận.

Cha mẹ không nên nhượng bộ khi trẻ hư vòi (hình minh họa)
Cha mẹ không nên nhượng bộ khi trẻ hư vòi (hình minh họa)

Xử lý những cảm xúc như vậy đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau. Sau đây là một số giải pháp mà các chuyên gia tâm lý gợi ý:

Phân biệt giữa hành vi thông thường và hành vi thái quá

Thông thường, trẻ cũng có một số biểu hiện phản ứng khi chúng phải vật lộn với ranh giới và tuân theo các quy tắc. Chúng có thể phản ứng bằng thách thức hoặc phớt lờ hướng dẫn hoặc cố gắng nói ra những điều bướng bỉnh. Phụ huynh thường nhận thấy các kiểu hành vi ấy dường như xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong ngày (như giờ đi ngủ) hoặc trong một số công việc nhất định (như khi làm bài tập về nhà)... Bạn cũng có thể nhận thấy rằng con bạn có biểu hiện ấy khi ở nhà chứ không phải khi ở trường, hoặc ngược lại.

Những cơn giận dữ và những hành động bộc phát khác thường là một phần bình thường và thậm chí lành mạnh của thời thơ ấu. Chúng là một dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ đang trở nên độc lập hơn - những dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ đang ở tuổi phát triển các kỹ năng ​​cũng như khám phá thế giới xung quanh.

Nhưng khi một đứa trẻ lặp đi lặp lại những hành động phản ứng thái quá, điều đó có thể làm căng thẳng mối quan hệ cha mẹ - con cái, thường xuyên tạo ra sự bực bội không lành mạnh trong gia đình. Cho dù con bạn đang trong giai đoạn đầu học cách tự điều chỉnh nhưng có thể cả gia đình sẽ gặp khó khăn và bạn cần tìm ra cách để làm nhẹ đi vấn đề. Bạn cần giúp trẻ, giải thích cho chúng về cách trẻ học cách quản lý hành vi của mình.

Một phần do người lớn

Các bác sĩ chuyên về hành vi trẻ em cho rằng hành vi thịnh nộ của trẻ thường không phải là hành vi phát sinh bên trong của con trẻ - mà chúng có thể là hành vi “học được” “bắt chước” hoặc có tính chất “lôi kéo”. Điều đó có nghĩa là trẻ em học được rằng hành vi thịnh nộ có thể sẽ giúp chúng có được kết quả như ý muốn. Phần lớn trẻ có hành vi này do kết quả của người thân quá nuông chiều.

Các bậc cha mẹ thường phản ứng với những cơn giận dữ của con bằng cách cố gắng khắc phục bất cứ điều gì nảy sinh. Một số phụ huynh an ủi trẻ hoặc cho trẻ bất cứ thứ gì trẻ yêu cầu. Thật không may, điều này củng cố hành vi nổi cơn thịnh nộ, khiến trẻ có nhiều khả năng tiếp tục nổi cơn thịnh nộ sau đó và ít có khả năng điều khiển các cách quản lý cảm xúc của mình.

Ứng phó ra sao?

Khi con cái làm nũng hoặc có hành vi thái quá, cha mẹ thường cảm thấy muốn giảng hòa vì mong yên ổn. Lúc này, bạn cần phải thử các kỹ thuật khác nhau để rèn luyện tính kỷ luật cho con. Nhưng nếu bạn vẫn chưa thấy sự tiến bộ khi cố gắng rèn rũa, đừng nản lòng, bởi vì cha mẹ cần tỏ ra bản lĩnh để đối phó với hành vi tiêu cực của trẻ. Bằng cách sử dụng một số mẹo phản hồi sau đây, chắc chắn bạn sẽ đạt được kết quả khả quan:

Đừng nhượng bộ. Hãy chống lại sự cám dỗ nội tại khi muốn chấm dứt cơn giận dữ của con bạn. Việc nhượng bộ ấy là nguy hiểm và sẽ không có tác dụng cho lần sau.

Giữ bình tĩnh. Những phản ứng gay gắt hoặc tiêu cực có xu hướng làm trẻ trở nên hung hăng hơn. Bằng cách giữ bình tĩnh, bạn cũng đang làm mẫu cho trẻ kiểu hành vi mà bạn muốn thấy ở trẻ.

Bỏ qua hành vi tiêu cực và khen ngợi hành vi tích cực. Bỏ qua những hành vi sai trái nhỏ, vì ngay cả những chú ý tiêu cực như khiển trách hoặc bảo trẻ dừng lại cũng có thể làm trẻ phán ứng mạnh hơn. Thay vào đó, hãy đưa ra nhiều lời khen về những hành vi mà bạn muốn khuyến khích. (Đừng chỉ nói “không được hành động như vậy”, hãy nói “con hãy bình tĩnh một chút, dừng lại chậm một chút. Con là đứa con ngoan mà”.)

Sử dụng các hệ quả nhất quán. Con bạn cần biết hậu quả của những hành vi tiêu cực, chẳng hạn như làm mất thời gian của bố mẹ, khuyến khích và tạo phần thưởng cho những hành vi tích cực, chẳng hạn như cho con đến nhà người bạn yêu thích. Và bạn cần đảm bảo cho con thấy rằng bạn luôn thực hiện tốt khi đã nêu ra kết quả.

Chờ nói chuyện cho đến khi cuộc chiến kết thúc. Đừng cố gắng lý luận với một đứa trẻ đang khó chịu. Bạn khuyến khích một đứa trẻ thực hành tốt khi chúng không chưa sẵn sàng thì sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.

Theo Childrenmind.org

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ