Ngày 10/8, thông tin từ Bệnh viện Bình Dân, đơn vị này vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật thuộc nhóm phức tạp nhất trong các phẫu thuật đường tiêu hóa nhờ sự hỗ trợ của robot.
Theo đó, người đàn ông 43 tuổi là ông N.T.L (ngụ TP Vũng Tàu), nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, vàng mắt, vàng da. Khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân L. cho biết, thời gian đầu, bệnh nhân L. cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, nôn nao, khó chịu khi ngửi mùi thức ăn. Tình trạng này kéo dài 2 tuần, bệnh nhân L. có biểu hiện vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu nên quyết định thăm khám tại một bệnh viện trên địa bàn TPHCM.
Tại đây, kết quả xét nghiệm ghi nhận men gan của bệnh nhân L. tăng cao. Kết quả CT-scan, MRI bụng cho thấy tình trạng giãn đường mật, có khối choán chỗ nghi do khối u gây tắc mật. Bệnh nhân L. được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân để can thiệp ngoại khoa.
TS.BS Nguyễn Tạ Quyết - Trưởng khoa Gan Mật Tụy - Bệnh viện Bình Dân, thông tin, qua kiểm tra, xác định bệnh nhân L. có khối u đoạn cuối ống mật chủ xâm lấn tụy, đường kính khoảng 4cm gây tắc mật.
Theo BS Quyết, ống mật chủ là ống nối gan với ruột, dẫn dịch mật từ gan, qua tuyến tụy đổ vào tá tràng để tiêu hóa thức ăn. Khi tắc mật, người bệnh diễn tiến viêm gan, viêm tụy và xuất hiện triệu chứng như vàng da, vàng mắt tăng dần, nước tiểu vàng, phân nhạt màu và ngứa, sụt cân, đau bụng vùng trên rốn và dưới sườn phải.
“Trước tình trạng trên, các bác sĩ tư vấn cho gia đình và quyết thực hiện phẫu thuật bằng robot để cắt khối tá tụy nhằm loại bỏ khối u ở đoạn cuối ống mật chủ. Nhờ sự hỗ trợ của robot, sau 6 giờ thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân L. được cắt khối tá tụy kèm nạo hạch, giúp lấy trọn vẹn khối u cùng hạch vùng di căn”, BS Quyết cho hay.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân L. được theo dõi, chăm sóc theo chương trình phục hồi sớm sau phẫu thuật. Cụ thể, ở ngày hậu phẫu thứ nhất, bệnh nhân L. được uống nước sớm; ở ngày hậu phẫu thứ 2, bắt đầu ăn nhẹ súp hoặc cháo lỏng. Sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân L. xuất viện.
BS Quyết nhận định, phẫu thuật cắt khối tá tụy, điều trị cho ung thư vùng quanh bóng vater (như ung thư của bóng vater, đầu tụy, đoạn cuối ống mật chủ và tá tràng) là một phẫu thuật khó, cần thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật nhiều kinh nghiệm tại các bệnh viện tuyến cuối.
Việc áp dụng phẫu thuật bằng robot, giúp bác sĩ quan sát phẫu trường tốt hơn, thao tác cổ tay robot linh hoạt, triệt tiêu độ rung tự nhiên của bàn tay bác sĩ, nhờ đó phẫu tích chính xác, hạn chế tối đa các tổn thương mạch máu quan trọng và lấy được tối đa các hạch di căn.
"Kỹ thuật khâu nối các cơ quan để tái lập lưu thông cho tuyến tụy, đường mật và ống tiêu hóa thực hiện chính xác và thuận lợi hơn. Điều này có lợi ích lớn trong điều trị về ung thư học, tăng an toàn và giảm biến chứng sau phẫu thuật”, bác sĩ Quyết nhấn mạnh.