Ứng phó dịch Covid-19 ở địa bàn miền núi: Dạy bù kiến thức, không gây áp lực

GD&TĐ - Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, việc dạy và học trực tuyến được ngành giáo dục các tỉnh, thành xác định là giải pháp sẵn sàng thay thế học trực tiếp khi dịch bùng phát trên địa bàn.

Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch trong buổi học tại trường THCS  19.8 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch trong buổi học tại trường THCS 19.8 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Tuy nhiên, đây thực sự là một bài toán khó với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là huyện Nam Trà My, Bắc Trà My nơi điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh thiếu trang thiết bị, địa phương thiếu cơ sở hạ tầng…

Khó khăn khi dạy học trực tuyến

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Nam, từ ngày 24/10 đến ngày 2/11, tỉnh đã ghi nhận ghi nhận 250 ca mắc Covid-19 tại huyện Nam Trà My, một trong những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Được biết, trong đợt dịch này, huyện đã có nhiều ca mắc Covid-19 là học sinh ở các trường trên địa bàn. Để đảm bảo an toàn cho các học sinh còn lại, Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My đã chỉ đạo các trường tạm dừng việc dạy học trực tiếp.

Học sinh rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp học.
Học sinh rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp học.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho hay, ngay sau khi xuất hiện các ca mắc Covid-19, ngành giáo dục đã yêu cầu dừng việc dạy học trực tiếp để phục vụ cho việc truy vết các F liên quan.

Theo ông Thuận, trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã được khống chế tốt, có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Nếu tình hình dịch còn phức tạp và diễn biến lâu dài thì Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My sẽ tham mưu và có kế hoạch dạy học cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế”,  ông Thuận cho hay.

Về vấn đề triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh nơi đây khi nghỉ dịch Covid-19, ông Thuận cho rằng đây là một trong những vấn đề khó, sở dĩ nhiều học sinh trên địa bàn vẫn còn thiếu trang thiết bị học trực tuyến. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng như mạng internet, wifi… yếu và hay chập chờn, dẫn đến việc học sẽ không suôn sẻ. Chính vì thế chỉ có phương án học trực tiếp là chủ đạo trong thời điểm hiện nay.

Tăng thời gian dạy bù kiến thức, không gây áp lực lên học sinh  

Cũng là địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My, trong đợt dịch này, huyện có vài ca mắc trong trường học Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Trà Bui). Ngay sau khi xuất hiện ca mắc, toàn bộ các trường học trên địa bàn đã dừng học trực tiếp để truy vết.

Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My cho hay, tình hình dịch trên địa bàn huyện đã được kiểm soát, dự kiến tuần sau (ngày 8/11) các học sinh sẽ đi học trở lại bình thường.

“Để đảm bảo an toàn cho học sinh, hiện ngành y tế và phòng giáo dục tổ chức xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và PCR cho học sinh trước khi đi học, đến nay đã có kết quả âm tính”, ông Tú thông tin.

Ôn định tâm lý, không tạo ra áp cho học sinh. Ảnh tư liệu
Ôn định tâm lý, không tạo ra áp cho học sinh. Ảnh tư liệu

Ông Tú cũng cho hay, khi đi học trở lại các trường sẽ tổ tăng thời lượng học để bù kiến thức. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện cũng lên phương án dự trù nếu tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại. Cụ thể, các cơ sở trường học chủ động trang thiết bị dạy học online cho học sinh.

“Nếu các học sinh không đủ trang thiết bị học trực tuyến, giáo viên sẽ chủ động liên hệ học sinh để học sinh đến phòng máy tính tại trường để học. Tại đây học sinh sẽ được bố trí ngồi giãn cách, thực hiện nghiêm phòng chống dịch.

Ngoài ra, nếu tình hình dịch chưa được khống chế thì để chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ I bằng hình trực tuyến, Phòng GD&ĐT đã xây dựng hệ thống thi và học trực tuyến. Mỗi học sinh có tài khoản, khi đăng nhập vào có thể làm bài thi trực tuyến tại đây. Điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa bù đắp kiến thức cho học sinh do ảnh hưởng của dịch, và không tạo áp lực cho học sinh trong suốt quá trình học”, ông Tú nhấn mạnh.

Còn ông Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My chia sẻ, vừa qua Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn tăng cường “Thời gian vàng” trong dạy học, Phòng GD&ĐT căn cứ công văn này để xây dựng phương án dạy học cho cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn trong điều kiện chống dịch.

“Trước mắt là khống chế tốt dịch bệnh, ổn định tâm lý, không tạo ra áp cho học sinh, rồi từ đó sẽ tìm nhiều phương án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sau đó tổ chức dạy bù, phụ đạo bổ sung kiến thức. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo được chất lượng tốt nhất cho tất cả học sinh”, ông Thuận nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ