Trước đó, ngày 22/4, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1, lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2021- 2022.
Theo đó, lớp 1 có 9 đầu SGK; lớp 2 có 10 đầu SGK; lớp 6 có 12 đầu SGK. Các SGK được phê duyệt thuộc NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm TP HCM.
Là địa bàn rộng lớn, với nhiều trường thuộc vùng núi, việc lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 cũng như cung ứng sách được ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam triển khai thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, phù hợp đối tượng học sinh.
Chủ động kinh phí
Bên cạnh đó, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xuyên tuyên truyền tới phụ huynh, đặc biệt là các phụ huynh có con lên lớp 2, lớp 6 và vào lớp 1 để tạo sự đồng thuận, nhất là với các trường không tiếp tục sử dụng bộ sách năm trước.
Trao đổi với báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (huyện miền núi tỉnh Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn huyện có 11 trường tiểu học, 10 trường THCS và 3 trường chung Tiểu học và THCS.
Ông Tú cho hay, ngay sau khi tỉnh ra quyết định phê duyệt Danh mục SGK của tỉnh năm học 2021-2022, ngành giáo dục huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện thông tin về các bộ SGK đã được chọn đến các bậc phụ huynh trong buổi họp cuối năm. Để từ đó, các bậc phụ huynh nắm rõ thông tin về các loại SGK của các cháu.
“Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My tham mưu với UBND huyện để cấp kinh phí cho các trường học trên địa bàn mua SGK cho học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mượn. Với nguồn kinh phí dự kiến là khoảng 700 triệu đồng”, ông Tú thông tin.
Giải tỏa lo lắng
Cô Đặng Thị Mỹ Hậu – Hiệu trưởng trường THCS 19/8 cho hay, nhà trường đã thực hiện việc thông tin về chương trình SGK mới đến bậc phụ huynh. Thông qua việc họp phụ huynh, Hội đồng giáo dục xã để tuyên truyền đến phụ huynh học sinh được biết, để từ đó phụ huynh có tâm thế chủ động chuẩn bị vào năm học mới cho con em mình.
Cũng theo cô Hậu, nhiều phụ huynh học sinh cũng có tâm trạng lo lắng khi bắt đầu chương trình SGK lớp 6 mới, tuy nhiên nhà trường luôn kịp thời cung cấp thông tin để phụ huynh, học sinh yên tâm về sách cũng như nguồn cung ứng khi cần.
“Nhà trường cũng đã nhấn mạnh, giải thích rõ tầm quan trọng của công tác lựa chọn SGK. Năm nay khác với năm trước là thay vì từng nhà trường được quyền quyết định danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục của mình thì bắt đầu từ năm học 2021-2022, quyết định lựa chọn sách thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Và dù thay đổi thẩm quyền quyết định nhưng từng nhà trường, giáo viên vẫn phát huy được vai trò, chính kiến trong hoạt động lựa chọn SGK. Do đó tất cả phụ huynh đều yên tâm và đồng tình”, cô Hậu thông tin.
Còn thầy Trần Ngọc Mẫn – Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho biết, khi có quyết định phê duyệt danh mục SGK mới lớp 1, 2 nhà trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền SGK mới bằng nhiều hình thức. Triển khai quán triệt giáo viên tuyên truyền trên zalo nhóm lớp. Triển khai cuộc họp phụ huynh cuối năm...
“Qua một năm thực hiện chương trình SGK mới cho thấy kết quả học tập các em tiến bộ nhiều. Số học sinh chưa hoàn thành rất thấp, sau khi nêu nội dung trên phụ huynh đều yên tâm việc chọn SGK mới. Đến nay, nhà trường chưa nghe phụ huynh thông tin phản ánh gì về SGK”, thầy Mẫn chia sẻ.
Trước việc, nhiều phụ huynh băn khoăn về bộ sách mới sẽ được chọn có liền mạch với bộ sách hiện nay của con hay không, thầy Trần Bảo Tú - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho rằng, bộ sách mới được chọn có mạch kiến thức, nội dung sẽ khác nhau với bộ sách hiện nay.
Song một chương trình nhiều bộ SGK nên dùng sách nào cũng có thể tiếp nối nhau được cho dù quan điểm, nội dung của mỗi nhóm tác giả có thể khác nhau, nhưng vẫn phải hướng đến các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở mỗi bậc học, lớp học, môn học.
"Về phương pháp, vẫn phải sử dụng những phương pháp dạy học tích cực. Vấn đề là giáo viên vững kiến thức giáo dục, có khả năng vận dụng vào giảng dạy, giáo dục và tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh thì sẽ giúp các em hoàn thành nhiệm vụ học tập.
SGK mới có tính mở giáo viên có thể xây dựng, thiết kế nội dung hoạt động dạy học sao cho phù hợp với thực tế, đảm bảo mục tiêu cần đạt cho học sinh. Mặt khác, ngoài nhà trường, phụ huynh cũng vào cuộc cùng với thầy cô để hỗ trợ giúp đỡ con em mình hoàn thành nhiệm vụ học tập", thầy Tú nhấn mạnh.