Lấy tế bào gốc từ dây rốn trẻ sơ sinh
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” do HVQY chủ trì. Nghiên cứu được thử nghiệm với người bệnh có BPTNMT tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Quân y 103 - HVQY, Bệnh viện Phổi Trung ương (BVPTW), Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (BVĐKVH).
Theo các chuyên gia, đây là một trong những đề tài đầu tiên ứng dụng TBG để cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân BPTNMT, mở ra hướng điều trị mới, mang lại giá trị và niềm tin cho người bệnh và xã hội.
Theo GS.TS Đồng Khắc Hưng, Chủ nhiệm đề tài, BPTNMT là bệnh phổ biến. Bệnh diễn biến mạn tính, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn.
Nó thường tiến triển nặng dần liên quan đến đáp ứng viêm mạn tính quá mức ở đường hô hấp và nhu mô phổi với các hạt bụi, khí độc hại. BPTNMT thường tiến triển với các đợt cấp và nặng dần theo thời gian dù được điều trị phối hợp các biện pháp.
Mục tiêu điều trị lâu dài BPTNMT là làm giảm triệu chứng, giảm sự tiến triển của bệnh, giảm đợt cấp, tăng khả năng hoạt động thể lực, chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và làm giảm khả năng tử vong.
Một số biện pháp can thiệp đã được áp dụng điều trị BPTNMT như phẫu thuật giảm thể tích phổi, nội soi giảm thể tích phổi, ghép phổi… Các phương pháp điều trị hiện nay, gồm cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc vẫn chưa đáp ứng được mong muốn quan trọng của người bệnh là cải thiện chất lượng cuộc sống.
Do đó, theo nhóm nghiên cứu, với cơ chế sinh bệnh có liên quan đến quá trình viêm và hoạt động quá mức của hệ miễn dịch, rất cần một phương thức điều trị hợp lý, đi đúng cơ chế miễn dịch của bệnh.
TBG có chứa chức năng chuyên biệt, tiềm năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau và có khả năng tự thay mới. TBG và TBG trung mô đã được chứng minh có khả năng kháng viêm, điều biến miễn dịch và tái tạo.
Nhờ đặc tính điều biến miễn dịch độc đáo nên TBG trung mô trở thành loại tế bào có giá trị trong điều trị và chữa tổn thương mô, cơ quan, hoặc trong điều trị các bệnh viêm mạn tính, bệnh tự miễn. TBG trong điều trị BPTNMT đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, bước đầu mang lại một số kết quả khả quan và hy vọng cho bệnh nhân.
GS.TS Đồng Khắc Hưng cho biết, trong các nguồn cung cấp TBG, dây rốn là một nguồn cung cấp TBG trung mô có nhiều tiềm năng ứng dụng. TBG trung mô từ dây rốn có quy trình thu thập đơn giản, dễ thu nhận, có nhiều loại TBG và số lượng nhiều.
Sử dụng TBG trung mô dây rốn đồng loài điều trị các bệnh có cơ chế viêm như BPTNMT là một lựa chọn có tính khoa học, nhằm vào can thiệp cơ chế bệnh sinh của bệnh.
Thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng TBG từ dây rốn của trẻ sơ sinh (trẻ sinh đủ tháng và có mẹ không mắc các bệnh truyền nhiễm) bởi màng dây rốn là vùng rất giàu TBG, có thể biệt hóa thành nhiều dòng.
Ưu điểm của việc chiết tách TBG từ dây rốn là nguồn TBG dồi dào, lấy dễ dàng và đây là bộ phận thường bị bỏ đi sau khi trẻ được sinh ra.
Tái sinh tế bào mô tổn thương để chữa bệnh
GS.TS Đồng Khắc Hưng cho biết, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 96 bệnh nhân được chẩn đoán xác định BPTNMT, điều trị tại Trung tâm Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 103 – HVQY; BVPTW, BVĐKVH và chia thành 3 nhóm.
Nhóm bệnh nhân được ghép TBG trung mô đồng loài từ mô dây rốn, nhóm ghép TBG trung mô đồng loài từ mô dây rốn được hoạt hóa bằng huyết tương giàu tiểu cần tự thân và nhóm đối chứng là bệnh nhân không sử dụng TBG.
Kết quả cho thấy, liệu pháp ghép TBG trung mô đồng loài an toàn không có sốc phản vệ, tử vong ngay sau ghép, 24 giờ, 1 tuần và 1 tháng sau ghép. Có hiệu quả điều trị qua 6 và 12 tháng theo dõi điều trị.
Sau khi điều trị cho BPTNMT bằng ghép TBG trung mô đồng loài từ mô dây rốn kết quả cho thấy, việc sử dụng TBG trung mô đồng loài từ mô dây rốn là an toàn, không ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng sinh lý của người bệnh. Sau ghép TBG giúp giảm nồng độ
Protein C phản ứng (CRP) trong máu. Giảm điểm số khó thở theo thang đo của Hội đồng nghiên cứu y khoa Anh (mMRC) và nghiệm pháp đánh giá BPTNMT (CAT), tăng khả năng đi bộ 6 phút và giảm số đợt cấp trong 6 và 12 tháng.
Theo GS.TS Đồng Khắc Hưng, những kết quả đạt được của đề tài đã bổ sung minh chứng khoa học về khả năng sử dụng TBG trong lĩnh vực tái tạo/tái sinh các tế bào và mô bị tổn thương. Nó góp phần phát triển lĩnh vực y học tái tạo/tái sinh đang được chú ý mạnh mẽ và là một trong các xu hướng mới của y học.
Đồng thời khẳng định, các nhà khoa học đã làm chủ được những kỹ thuật điều trị mới, hiện đại về phân lập nuôi cấy TBG trung mô từ mô dây rốn, các kỹ thuật trong ghép TBG, đánh giá hiệu quả của bệnh nhân BPTNMT được điều trị bằng ghép TBG trung mô đồng loài từ mô dây rốn.
GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 cho rằng, kết quả này mở ra một hướng mới trong điều trị BPTNMT nói riêng và các bệnh khác nói chung.
Nó bổ sung kiến thức chuyên ngành về bệnh phổi, TBG và sinh học tế bào. Hiện nay, nhu cầu điều trị BPTNMT nói riêng và các bệnh khác nói chung tại BV Quân y 103 - HVQY, BVPTW, BVĐKVH TPHCM cũng như cả nước rất lớn.
Việc đưa vào ứng dụng ngay các kết quả nghiên cứu trong điều trị BPTNMT, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, đem lại hy vọng và ý nghĩa rất lớn cho người bệnh cũng như cho xã hội.