Thần kỳ nhưng… không có tác dụng
Theo một số quảng cáo của các đơn vụ cung cấp phần mềm, ứng dụng đuổi muỗi trên smartphone, đơn giản tiện lợi và vô cùng hiệu quả. Chỉ cần cài đặt những ứng dụng chạy trên Android hay iOS là mọi việc sẽ hoàn tất.
Ứng dụng Anti-Mosquito giả lập tần số sóng siêu âm của loài dơi và chuồn chuồn, vốn là kẻ thù của muỗi, khiến chúng sợ và tránh xa khu vực phát sóng.
Anti Mosquito Free cung cấp 3 tần số khác nhau 17kHz, 19kHz và 22kHz để người dùng điều chỉnh cho phù hợp, từ đó ứng dụng sẽ sử dụng loa của điện thoại để phát ra sóng âm này làm cho muỗi khó chịu nhưng không ảnh hưởng tới người sử dụng.
Ứng dụng Anti-Mosquito Ultra-Sonic Pro sử dụng tần số từ 16kHz - 20kHz để đuổi muỗi và côn trùng. Tuy nhiên, đây là ứng dụng có giao diện người dùng đơn giản nhất chỉ với 1 nút nhấn bật hoặc tắt mà không cần thiết phải lựa chọn bất kì tần số nào trước.
Ứng dụng iOS và Android Mosquito Sound cũng là một phần mềm xua đuổi muỗi và côn trùng miễn phí trên iOS và Android, phát ra âm thanh với các tần số khác nhau làm cho muỗi hay các côn trùng khác thấy khó chịu và tránh xa.
GS Bùi Công Hiển, Trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, không có một nghiên cứu hay cơ sở khoa học nào chứng minh những phần mềm đuổi muỗi này có tác dụng.
Về nguyên lý, những âm thanh trong giao tiếp sinh học có thể hấp dẫn hoặc xua đuổi côn trùng, nhưng đối với những loại muỗi nào, tần số bao nhiêu thì phải tính toán cụ thể.
Một báo cáo khoa học năm 2010 đã được công bố sau khi tiến hành 10 thử nghiệm khác nhau, các nhà khoa học đã rút ra kết luận: “Các thiết bị đuổi muỗi điện tử bằng sóng siêu âm là không có tác dụng ngăn ngừa muỗi cắn”. Nhiều khi quảng cáo chỉ dựa trên nguyên lý, còn thực tế thì không.
Về việc các ứng dụng này có thể mô phỏng sóng âm thanh của tiếng đập cánh chuồn chuồn hay loài dơi. Trên thực tế, tần số đập cánh của chuồn chuồn là từ 20 - 170 Hz, đó là con số thấp hơn nhiều so với mức 15 kHz mà các nhà phát triển ứng dụng nói. Ngay cả ở mức tần số 20 -170 Hz cũng là không có tác dụng nhiều trong việc ngăn muỗi đốt.
Các nhà khoa học từng thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với lồng kính chứa hàng trăm con muỗi. Sau đó họ sử dụng một chiếc điện thoại có cài đặt ứng dụng đuổi muỗi và cho cánh tay trần vào bên trong lồng kính. Với dải tần số từ 3 -11 kHz, các sóng âm thanh là hoàn toàn vô tác dụng với đám muỗi.
Cũng theo GS Bùi Công Hiển, tai người không thể nhận biết được các sóng siêu âm này, do đó nếu thực sự là các ứng dụng này có thể phát ra tần số khoảng 12 kHz thì tai chúng ta sẽ không thể nhận biết được. Các sóng âm thanh này cũng không gây hại đến sức khỏe của con người nhưng nó tạo ra sự khó chịu đối với tai.
Thậm chí, một nghiên cứu khác được công bố trên trang web của Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ còn cho thấy tần suất cắn của loài muỗi tăng cao hơn bình thường khi sử dụng sóng siêu âm. Với nguồn sóng âm thanh có tần số 9 - 18 kHz. Kết quả là số lượng vết đốt tăng lên khoảng 20 - 50% khi nguồn sóng âm thanh được bật, đặc biệt là ở tần số 11 kHz có tỷ lệ tăng cao đột biến.
Đuổi muỗi đúng cách, an toàn
Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, rất nhiều người mua máy đuổi côn trùng về nhà rồi vứt xó vì máy không có tác dụng than thở với ông rằng đúng là “tiền mất, muỗi vẫn còn”.
Theo đó thì quảng cáo cho dòng sản phẩm này thường được dùng bằng những thuật ngữ tưởng như rất khoa học, nhưng thực ra lại là một trò bịp bợm. Sóng điện từ có thể đuổi được côn trùng, nhưng chỉ có tác dụng trong một môi trường với cường độ sóng nhất định. Còn trong môi trường sống bình thường của con người, sóng điện từ thường không có tác động gì nhiều đến côn trùng. Hơn nữa, sóng điện từ vốn không có lợi cho sức khỏe con người.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, phòng tránh côn trùng hiệu quả nhất là nhà cửa phải sạch sẽ, rác phải được thu gom cẩn thận, nguồn nước phải sạch, không có các cốc nước, bể nước lưu cữu. Nếu trồng cây thì phải thường xuyên dọn dẹp, cắt tỉa, tránh biến vườn cây thành nơi trú ngụ của côn trùng.
Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp truyền thống như sử dụng các loại cây, cỏ đốt để đuổi côn trùng, dùng tinh dầu để côn trùng sợ…
GS Bùi Công Hiển cho biết, các loài muỗi, đặc biệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường gây ra các vụ dịch ở những nơi đông dân và kém vệ sinh môi trường.
Muỗi truyền bệnh rất thích đẻ trứng vào chỗ nước sạch hay nước mưa, thậm chí ngay một chén nước nhỏ, một lọ cắm hoa, một đĩa nước chống ẩm trong phòng điều hoa, một vũng nước nhỏ ở mái che, ban công… thậm chí ở khay đựng bát đĩa trong bếp còn đọng nước.
Có thể nói, không có nước thì muỗi không tồn tại. Một đặc điểm nữa cần lưu ý là bọ gậy và cung quăng (giai đoạn trước trưởng thành của muỗi) thường chỉ sống ở nước ngọt (nồng độ muối thấp) và phải thường xuyên ngoi lên mặt nước để thở. Do vậy, để diệt bọ gậy và cung quăng người ta có thể dùng muối hòa vào trong nước hay dùng dầu ăn, dầu nhớt… tạo một lớp màng trên mặt nước.
Những nơi ao hồ, nước tù đọng cần có sự chung tay của cộng đồng cư dân tổng vệ sinh thường xuyên. Những bể nước ngầm cần thả cá để ăn bọ gậy.
Ngoài ra, có thể dùng bấy đèn bắt muỗi, vợt muỗi.. Có nghĩa là tùy theo môi trường từng nơi, từng không gian cụ thể để có biện pháp phòng chống chủ động, cụ thể và phù hợp. Có điều tuyệt đối không nên ỷ lại vào việc phun thuốc muỗi của cá nhân hay tổ chức y tế.
Theo GS Bùi Công Hiển, để xua muỗi, chỉ cần dùng vài mẩu vỏ cam, quýt đã phơi khô đốt cháy trên lửa. Tuy cách này chỉ tác dụng trong thời gian ngắn, chừng một buổi, nhưng nó cũng giúp không gian có mùi thơm dễ chịu hơn.