Hiệu quả từ những tiết học kết nối
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, bằng nhiều hình thức huy động nguồn lực, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ứng dụng CNTT tổ chức nhiều lớp học kết nối, khơi gợi sự hứng thú trong mỗi học sinh.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số đối với dạy học trong thời đại mới, trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã tổ chức nhiều tiết học kết nối với các trường trong và ngoài tỉnh như Phú Thọ, Lào Cai trong các tiết học về Lịch sử - Địa lí, Giáo dục địa phương mới đây là nhiều lớp học xuyên biên giới kết nối trực tiếp với các lớp tiểu học tại một số nước Nhật Bản, Hàn quốc.
Theo cô Kim Ngọc, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, dạy học kết nối là một trong những hình thức thực hiện việc dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. Nhà trường đã trang bị cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học kết nối. Toàn bộ lớp học có mạng Internet, tivi,...
Về phía giáo viên, các thầy cô chủ động xây dựng kế hoạch, nghiên cứu trên cơ sở chương trình từng môn, liên môn. Qua đó, tích hợp nội dung phù hợp sau đó thống nhất kế hoạch môn học kết nối.
Đặc biệt, trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã tổ chức nhiều bài giảng Online với trường tiểu học tại các huyện trong tỉnh thực hiện nội dung bài học mang tính thực từ đó rút ra bài học, giúp các em học sinh có cái nhìn cụ thể, khái quát và trải nghiệm thú vị hơn.
Cụ thể, với môn Giáo dục địa phương ,trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã kết nối với các bạn học sinh trường Tiểu học Tức Tranh tổ chức để tìm hiểu điệu múa Tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh – một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Qua tiết học, học sinh trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân được tìm hiểu, trao đổi, xem và cùng biểu diễn điệu múa này với trường bạn. Qua đó giúp các em học sinh có cái nhìn cụ thể, khái quát đồng thời tạo cơ hội để giáo viên làm quen, học hỏi kinh nghiệm tổ chức kết nối, đúc rút phương pháp dạy, cách học và ý thức học tập của học sinh.
Cô Ngọc cho biết thêm: “Tiết học đã khẳng định sự cần thiết việc ứng dụng công nghệ thông tin mức độ cao trong dạy và học. Đây cũng là thách thức đòi hỏi mỗi thầy cô nỗ lực trong việc tự học và bồi dưỡng để sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại. Từ đó, linh hoạt và sáng tạo trong đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thời đại công nghệ”.
Nâng cao hiệu quả giáo dục
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Dạy học kết nối là phương pháp dạy học tích cực mà thầy và trò có thể sử dụng các công cụ kết nối (trực tuyến) dựa trên nền tảng CNTT để tổ chức/hỗ trợ cho việc dạy và học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.
Mô hình “lớp học kết nối” không chỉ rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian, còn góp phần nâng cao năng lực giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình dạy và học; mở ra nhiều cơ hội phát triển cho giáo viên; giúp học sinh có cơ hội giao lưu, học tập lẫn nhau.
Mô hình “lớp học kết nối” giúp học sinh có cơ hội giao lưu, học tập lẫn nhau. |
Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy học theo mô hình “lớp học kết nối” giúp tất cả học sinh được trao đổi trong một không gian học tập chung trên một nền tảng nhất định. Đây là cơ hội để học sinh của các huyện, thành phố trao đổi, giao lưu học tập về cùng một nội dung bài học.
Những nội dung kiến thức khó được các thầy cô, các bạn ở các điểm cầu cùng giải quyết, giúp cho sự kết nối được mở ra với không gian học tập vô biên. Học sinh sẽ phát triển kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tự chủ, tự học, giải quyết vấn đề và nâng cao khả năng sáng tạo hơn…
Đây cũng là một trong hình thức ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số mà ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên luôn khuyến khích các nhà trường, thầy cô đẩy mạnh triển khai góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dạy và học. - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.