Ứng dụng CNTT trong trường học: Trực tuyến chứng tỏ ưu thế

GD&TĐ - Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH bằng hình thức trực tiếp kéo dài đến 11/5 và trực tuyến đến 16/5.

Nhiều thí sinh đã chọn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học bằng phương thức trực tuyến. Ảnh: INT
Nhiều thí sinh đã chọn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học bằng phương thức trực tuyến. Ảnh: INT

Trong bối cảnh nhiều địa phương cho HS tạm dừng đến trường phòng chống Covid-19, phương thức đăng ký trực tuyến một lần nữa chứng tỏ ưu thế của mình.

Nhà trường hỗ trợ tích cực

Thầy Nguyễn Quang Minh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trường có 637 HS khối 12 đăng ký. Tới nay công tác đăng ký dự thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học đã cơ bản hoàn thành song không ghi nhận vướng mắc, khó khăn trong quá trình HS đăng ký bằng phương thức trực tuyến.

Theo thầy Minh, sở dĩ đạt tỉ lệ 100% HS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH bằng phương thức trực tuyến bởi nhà trường đã chuẩn bị kĩ càng các khâu hướng dẫn, tập dượt cho cả GV và HS trước khi thực hiện. Trường cử GV giỏi về công nghệ thông tin xây dựng clip hướng dẫn thực hiện đăng ký trực tuyến. Sau đó, trường đưa clip tới từng lớp để GV tiếp tục hướng dẫn, tập huấn cho HS. Những hướng dẫn bằng clip do trường đưa ra khá chi tiết, rành mạch giúp HS dễ hiểu, dễ thực hiện. Mặt khác, cả thầy và trò có thể tải clip hướng dẫn đăng ký trực tuyến xem lại nhiều lần giúp cho việc nghiên cứu, tập dượt chủ động, ở bất cứ lúc nào và nhiều lần trước khi đăng kí chính thức.

Trường ở vùng cao song thầy Vũ Xuân Quế - Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Bát Xát (Lào Cai) cũng cho biết việc đăng ký nguyện vọng cả trực tuyến và trực tiếp, HS gần như không gặp khó khăn vì trước đó GV chủ nhiệm đã hướng dẫn kỹ các bước khai thông tin. Thậm chí với phương thức trực tuyến để xét tuyển, nhà trường còn cho HS tập dượt trực tiếp nhiều lần trên máy.

Cũng do có thêm hình thức xét tuyển trực tuyến, trường giao thêm một cán bộ phụ trách hình thức này để tư vấn, hướng dẫn mọi băn khoăn thắc mắc của HS cũng như phụ huynh; tránh trường hợp hết thời hạn đăng ký mà HS lựa chọn sai, ảnh hưởng tới quyền lợi của các em. HS được tư vẫn kĩ về ưu điểm, lợi thế của mỗi phương thức để lựa chọn. Kết quả, gần 100% HS của trường dùng phương thức trực tuyến khi đăng ký.

Thầy Nguyễn Mạnh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) cũng chia sẻ: Để triển khai đăng ký xét tuyển trực tuyến hiệu quả, không chỉ lãnh đạo nhà trường đi tập huấn mà đường link tập huấn còn được gửi tới từng GV chủ nhiệm và bộ môn. Trên cơ sở đó, thầy cô trực tiếp hướng dẫn, tập dượt, trả lời thắc mắc… cho HS trước khi khai xét tuyển thật.

Thậm chí, để hỗ trợ cho 419 HS khối 12 được đăng ký trực tuyến thuận lợi, thông suốt bên cạnh việc mở 2 phòng máy với gần 10 máy tính, máy, nhà trường đã mời phụ huynh HS đến trao đổi trực tiếp, giới thiệu và hướng dẫn về phương thức này.

Nguyễn Hà Anh – HS lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) bày tỏ: Em thấy đăng ký trực tuyến không có gì khó khăn vì được nhà trường, thầy cô hướng dẫn, tập dượt kĩ càng. Mặt khác, các bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn cách đăng ký trực tuyến qua nhiều kênh khác nhau từ các trang, mạng chính thống với cách hướng dẫn dễ hiểu…

Thông tin đăng ký nguyện vọng trực tuyến có giá trị pháp lý như đăng ký bằng phiếu. Ảnh: INT
Thông tin đăng ký nguyện vọng trực tuyến có giá trị pháp lý như đăng ký bằng phiếu. Ảnh: INT

Tháo gỡ rào cản

Theo thầy Nguyễn Quang Minh, triển khai đăng ký trực tuyến rất cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặt khác, nhà trường có thể kiểm soát 2 lần các thông tin của HS.

Thầy Nguyễn Mạnh Hà cũng đánh giá cao phương thức đăng ký trực tuyến bởi: HS hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin tốt nên thao tác thuận tiện; tránh được sai sót, nhà trường có dữ liệu đối sánh 2 lần; việc tra cứu thông tin thuận lợi, nhanh chóng; Tránh được lỗi viết nhầm không cần thiết về chữ, số trong quá trình khai... Đặc biệt, hạn đăng ký trực tuyến kéo dài so với trực tiếp 5 ngày, HS có thêm thời gian để suy nghĩ, quyết định. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến.

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Mạnh Hà cho rằng: Để đăng ký trực tuyến thông dụng thì việc tuyên truyền, hướng dẫn, tập dượt không chỉ với HS mà đặc biệt các bậc phụ huynh cũng cần được tuyên truyền, hỗ trợ để hiểu đúng vấn đề. Bỏ qua quan điểm “trực tiếp tốt hơn trực tuyến…”.

“Nhiều phụ huynh hạn chế về công nghệ thông tin nên có tâm lý nghiêng về đăng ký trực tiếp để dễ kiểm soát thông tin, tránh sai sót… Từ đó bắt con em đăng ký trực tiếp theo quan điểm của cá nhân dù các em hoàn toàn có khả năng đăng ký trực tuyến đúng. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ đăng ký trực tuyến của HS khối 12 toàn trường chỉ đạt 20%. Thấp hơn kỳ vọng 80 - 90% ban đầu của nhà trường dù đã làm tốt công tác hỗ trợ, tập dượt đăng ký trực tuyến…” – thầy Hà chia sẻ.

Thầy Nguyễn Minh Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai cũng bày tỏ: Đăng ký trực tuyến hay trực tiếp đều có ưu nhược điểm riêng. Chính vì vậy, để phát huy những ưu điểm của hình thức trực tuyến, công tác hướng dẫn, tập dượt của nhà trường phải kĩ càng tránh cho HS những nhầm lẫn, sai sót dù nhỏ nhất. Mặt khác, chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, máy móc công nghệ thông tin để thí sinh đều có thể đăng ký trực tuyến thuận lợi. Và đặc biệt cần tạo tâm lý, niềm tin, nhận thức đúng cho phụ huynh với đăng ký trực tuyến… 

Thông tin đăng ký nguyện vọng trực tuyến có giá trị pháp lý như việc đăng ký nguyện vọng bằng phiếu. Thí sinh phải tự chịu trách nhiệm các thông tin đăng ký nguyện vọng trực tuyến đã khai trên hệ thống. Sau khi đăng ký, thí sinh cần thoát khỏi hệ thống và đăng nhập lại để kiểm tra, in thông tin đăng ký. Thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ