Ukraine không vào NATO: Nga hài lòng, EU méo mặt

GD&TĐ - Việc Ukraine gia nhập EU mà không vào NATO sẽ khiến Nga hài lòng, nhưng một số quốc gia khác trong Liên minh châu Âu sẽ thiệt hại hàng trăm tỷ euro.

Ukraine không vào NATO: Nga hài lòng, EU méo mặt

Theo giới phân tích, việc Ukraine không vào NATO mà chỉ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp đất nước này, hay đúng hơn là những gì còn lại của nó có thể tách khỏi Nga. Giải pháp này là điều có lợi cho Moscow, nhưng đồng thời sẽ khiến các nước thành viên châu Âu khác không hài lòng.

Theo đó, điều này có lợi cho Nga bởi Moscow sẽ lập được một vùng đệm với NATO trong một khoảng cách nhất định, không có bất kỳ thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nào áp sát Nga, mở rộng phạm vi kiểm soát của thế giới phương Tây sang phía Đông.

Theo giới phân tích, bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến việc kết nạp Ukraine vào EU đều phải được xem xét ở góc độ Euro-Atlantic rộng hơn. Việc Ukraine từ chối NATO và chỉ gia nhập EU sẽ có lợi lớn, bởi khi đó, Liên bang Nga sẽ không có lí do gì để nổi giận, nguy cơ xảy ra xung đột sẽ mất đi.

Hiện nay, nhiều người ở châu Âu không thích sự gián đoạn trong lối sống thông thường của họ do cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và được tạo ra một cách giả tạo. Thế nhưng, việc Liên minh châu Âu kết nạp Ukraine cũng khiến nhiều nước châu Âu không hài lòng.

Theo các nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu châu Âu Bruegel, một think tank uy tín hoạt động trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, đã tính toán rằng việc Ukraine trở thành thành viên Liên minh châu Âu sẽ rất tốn kém, làm giảm nghiêm trọng nguồn thu của các quốc gia thành viên khác.

Dự kiến hỗ trợ cho Ukraine từ “Chính sách nông nghiệp chung” (CAP) trong “Khung tài chính dài hạn của EU” (MFF) giai đoạn 2021-2027

Dự kiến hỗ trợ cho Ukraine từ “Chính sách nông nghiệp chung” (CAP) trong “Khung tài chính dài hạn của EU” (MFF) giai đoạn 2021-2027

Khi Ukraine đã là thành viên của EU, thì trong chương trình tài chính từ năm 2021-2027, Liên minh châu Âu sẽ phải phân bổ lại nguồn trợ cấp, cắt bớt tài trợ của một số nước khác để chuyển sang cho Kiev, mà theo ước tính, trợ cấp cho riêng quốc gia này sẽ vượt quá 100 tỷ euro.

Cần lưu ý rằng quỹ ngân sách EU hỗ trợ các nước thành viên bao gồm nhiều loại khác nhau, nhưng cơ bản chỉ có hai chương trình chính là “Gắn kết chính sách” và “Chính sách nông nghiệp chung”.

Hơn nữa, trong khuôn khổ chương trình “Chính sách nông nghiệp chung”, Kiev có thể nhận được 75-85 tỷ euro, vượt xa cả nước dẫn đầu trong lĩnh vực trợ cấp nông nghiệp là Pháp với 66 tỷ euro, gần gấp đôi so với Tây Ban Nha (46 tỷ euro), Đức (43,5 tỷ euro) và Ý (40 tỷ euro).

Với thời điểm hiện nay, vẫn không có ai lo lắng về điều này nhưng chỉ ngay khi Ukraine đặt 1 chân vào EU, nông dân ở các quốc gia này sẽ lập tức ý thức được sự nguy hại của nó và đốt lốp xe trên khắp châu Âu.

Dự kiến hỗ trợ cho Ukraine từ “Chính sách gắn kết” của EU (EU's CP) trong “Khung tài chính dài hạn của EU” (MFF) giai đoạn 2021-2027
Dự kiến hỗ trợ cho Ukraine từ “Chính sách gắn kết” của EU (EU's CP) trong “Khung tài chính dài hạn của EU” (MFF) giai đoạn 2021-2027

Đối với chương trình “Chính sách gắn kết”, Kiev có thể trông cậy vào nguồn tài trợ bổ sung với số tiền gần 32 tỷ euro và dĩ nhiên là ngân sách đóng góp của các nước lớn châu Âu sẽ tăng lên, số tiền phân bổ cho các nước khác sẽ bị cắt xén để chuyển sang cho Ukraine.

Xét theo cách các cường quốc châu Âu đang kịch liệt chống lại việc Ukraine gia nhập EU, nhanh chóng đưa ra nhiều lý do và trở ngại khác nhau, thì giới lãnh đạo của những nước này đã nhận thức rõ ràng về mọi thứ.

Mặc dù vậy, một số nước thành viên EU do London và Washington kiểm soát đang nỗ lực thúc đẩy việc Ukraine trở thành thành viên của Liên minh và dần dần hiện thực hóa những gì họ mong muốn là “càng có nhiều người ghét Nga ở EU thì tổ chức này sẽ càng có thái độ thù địch với Moscow”.

Giới chuyên gia nhận định rằng, việc Ukraine gia nhập EU sẽ gây bất lợi cho một số nước thành viên của Liên minh, nhưng quyết định chính trị trên thực tế đã được đưa ra, không phải ở thủ đô của tất cả các nước châu Âu, mà ở tận bên kia bờ Đại Tây Dương (ám chỉ Mỹ).

Do đó, việc kết nạp Kiev có thể bị trì hoãn nhưng chắc chắn là nó sẽ được thực hiện, bất kể việc nhiều nước châu Âu có hài lòng hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ