Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) là nơi cung cấp cho người học các chương trình đào tạo chất lượng cao về khoa học kinh tế, kinh doanh, quản lý và luật.
Đây cũng là nơi chuyển giao những kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Quản trị trường đại học qua từng thời kỳ
Những ngày đầu mới thành lập, UEH chỉ có 5 khoa đào tạo (Kế - Tài - Ngân, Kế hoạch, Công nông, Thương nghiệp vật tư, Thống kê - Toán).
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển, bộ máy tổ chức UEH cũng thay da đổi thịt để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế theo xu hướng hội nhập, tương ứng từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Đến nay, UEH có 50 đơn vị trực thuộc, 1 tổ chức chính trị, 4 tổ chức chính trị - xã hội, quân sự, phòng cháy và chữa cháy, các hội đồng học thuật, tư vấn kinh tế và nghiên cứu.
Thời kỳ mới thành lập, UEH chỉ có khoảng 274 công chức, viên chức (CCVC), trong đó có 90 giảng viên. Trải qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, con số này tăng lên gần 1.000 người, với trên 600 giảng viên và gần 150 viên chức quản lý kiêm nhiệm giảng dạy.
Bên cạnh đó, trường còn có khoảng 200 người có trình độ đại học và sau đại học đang làm việc tại các trung tâm, viện, công ty, chương trình hợp tác quốc tế,…
Nếu như những ngày đầu mới thành lập, chưa có Giáo sư, Phó Giáo sư thì đến cuối năm 1996, UEH đã có 2 GS, 22 PGS, 91 TS, 137 ThS (trong đó có 67 GVC). Đến nay, chưa kể CCVC đã nghỉ hưu, đội ngũ giảng viên UEH đã trưởng thành vượt bậc với 9 GS, 52 PGS, 180 TS, 378 ThS.
Ngoài ra, đội ngũ giảng dạy còn được bổ sung gần 100 giảng viên nghỉ hưu, tiếp tục tham gia nghiên cứu, đào tạo và tư vấn; phần lớn trong số này là những Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành.
Bên cạnh đó, UEH còn mời trên 300 giảng viên thỉnh giảng là các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ các tập đoàn đa quốc gia, từ các cơ sở đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới.
Có thể khẳng định, với chủ trương đúng đắn, hợp lý và kịp thời cùng những quyết sách mang tính đột phá, UEH đang nỗ lực hướng đến một thể chế đào tạo đại học và sau đại học vươn tầm khu vực.
Nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực đào tạo
Giai đoạn từ 1976 đến 1986, loại hình đào tạo của UEH chỉ đơn thuần là đại học chính quy tập trung với chỉ tiêu tuyển sinh năm 1976 khoảng 500 SV và tăng lên 900 SV năm 1985.
Từ 1986, khởi đầu quá trình phát triển của nền kinh tế theo khuynh hướng đổi mới, nhu cầu mở rộng và đào sâu tri thức thuộc lĩnh vực kinh tế cũng phát triển khá mạnh. Từ đây, đa dạng hóa các loại hình đào tạo bắt đầu hình thành và phát triển.
Sau khi hợp nhất năm 1996, UEH là trường đại học đào tạo đa ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, với quy mô đào tạo trên 45.000 học viên, sinh viên/năm (chính quy và không chính quy).
Các loại hình đào tạo tiếp tục phát triển đa dạng, ngoài các loại hình sẵn có, UEH còn mở hệ đại học mở rộng, hệ đại học văn bằng 2, hệ bán thời gian…
Hướng đến tầm nhìn và sứ mạng trở thành trường đại học có uy tín trong khu vực, giai đoạn 2011-2015, UEH có những bước đột phá ngoạn mục về phát triển chương trình đào tạo.
Ở bậc đại học, UEH đã mở thêm nhiều ngành/chuyên ngành mới như: Quản lý nhà nước, Luật và quản trị địa phương, Ngôn ngữ Anh, Quản trị du lịch - Lữ hành, Kinh doanh quốc tế, Quản trị khởi nghiệp…
Đối với bậc đào tạo cao học, UEH mở thêm các ngành: Luật kinh tế, Quản lý công, Kinh tế và Quản trị lĩnh vực sức khỏe, và Thạc sĩ điều hành cấp cao (EMBA).
Từ một số ngành cơ bản trong những năm đầu thành lập, đến nay, UEH đã xây dựng xong 27 chương trình đại học hệ chính quy và 18 chương trình cao học.
Trong năm 2016, Trường đang hoàn tất thêm 8 chương trình đại học chính quy và 2 chương trình cao học. Ở hình thức vừa làm vừa học, UEH tiếp tục phát triển lên đến 50 chuyên ngành đào tạo vào đầu năm 2016.
Trước bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, UEH đã triển khai xây dựng “Chương trình tiên tiến quốc tế UEH” từ năm 2012. Chương trình thực hiện trên nguyên tắc: Chương trình đào tạo tương đồng các trường hàng đầu trên thế giới đang áp dụng.
Để xây dựng chương trình tiên tiến quốc tế UEH, Trường đã tham khảo chương trình của hàng trăm cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới. Trong năm 2015, Chương trình tiên tiến quốc tế UEH đã chính thức được vận hành.
Trong đào tạo tiến sĩ, với kinh nghiệm đào tạo trên 30 năm cùng với định hướng đổi mới nền kinh tế đất nước trong từng thời kỳ, UEH cũng có nhiều nỗ lực phát triển trong công tác đào tạo, từ chương trình đến huấn luyện phương pháp nghiên cứu, thay đổi cách tiếp cận trong các báo cáo chuyên đề, nâng cao chất lượng luận án, công bố kết quả nghiên cứu.
Đặc biệt hiện nay, UEH đang triển khai thực hiện chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh . Đây là chương trình đào tạo đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
Trải qua 4 thập kỷ, UEH đã đào tạo được hơn 200.000 Cử nhân Kinh tế thuộc các loại hình đào tạo, trong đó có trên 80.000 sinh viên hệ đại học chính quy; trên 10.000 Thạc sĩ và trên 350 Tiến sĩ.
Định hướng, từng bước khẳng định vị thế trong hoạt động khoa học-công nghệ
Triển vọng hợp tác quốc tế
Mối quan hệ giao lưu, trao đổi học thuật giữa sinh viên UEH và cộng đồng sinh viên quốc tế cũng đã có những chuyển biến đa dạng và phong phú. UEH quan tâm sâu sắc đến tiến trình đưa sinh viên UEH ra nước ngoài trao đổi học thuật.
Viện Đào tạo quốc tế (ISB) thuộc UEH là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện theo xu thế này. Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế ngày càng thu hút sinh viên quốc tế tham gia nghiên cứu, học tập tại UEH.
Đây được xem là một trong những nhiệm vụ chiến lược trọng tâm trong kế hoạch phát triển dài hạn của UEH. Chỉ trong giai đoạn 2011-2015, UEH đã tổ chức trao đổi 1.304 lượt sinh viên trong các chương trình tu nghiệp ngắn và dài hạn với các trường đại học trên thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về giáo dục đại học như hiện nay, UEH đang từng bước quốc tế hóa các hoạt động từ đào tạo, nghiên cứu khoa học đến quản trị đại học.
Mặt khác, từ khi triển khai thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2377/QĐ-TTg, UEH đẩy mạnh phân cấp và trao quyền cho các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế.
Nói cách khác, hợp tác quốc tế nổi bật với hai sắc màu chủ đạo: (i) Quốc tế hóa các lĩnh vực hoạt động, bao gồm: Nghiên cứu, đào tạo và quản trị; (ii) Phân cấp, phân quyền cho các đơn vị trực thuộc từng bước tự chủ trong hợp tác quốc tế.
40 năm - Minh chứng một chặng đường
Với những thành tựu đạt được, Trường đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì (2011), Huân chương Độc lập hạng Ba (2001), 2 Huân chương Lao động hạng Nhất (1996), 2 Huân chương Lao động hạng Nhì (1991), 2 Huân chương Lao động hạng Ba (1986), Huân chương Lao động hạng Ba (2000) về thành tích đền ơn đáp nghĩa và công tác xã hội từ thiện, Huân chương Lao động hạng Nhất (2006), Huân chương Lao động hạng Nhì (2001) và Huân chương Lao động hạng Ba (1996) về hoạt động Công đoàn, Huân chương Lao động hạng Nhì (2003) và Huân chương Lao động hạng Ba (1997) về công tác Đoàn Thanh niên, Huân chương Lao động hạng Ba (2006) về công tác Hội Sinh viên.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập (27/10/1976 - 27/10/2006), tập thể CCVC UEH vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” do Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết phong tặng.
Viết tiếp thành tích trong các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và quản trị trường đại học, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của UEH đã đem lại một số tín hiệu lạc quan khi hai năm 2013 và 2014, vinh dự là đơn vị đứng đầu khối các trường đại học công lập, được Chính phủ trao tặng Cờ “Đơn vị tiêu biểu xuất sắc”.