Theo ông Triều, lãnh đạo xã đã báo cáo nguyên nhân chính dẫn đến nợ tiền là do xã lấy một phần kinh phí hoạt động để xây dựng nhà ăn nên cuối năm không có tiền trả cho các quán.
Hiện giờ, UBND xã Khánh Thuận đã thanh toán xong tiền cho anh Nguyễn Thanh Phong (chủ quán nhậu Thanh Phong, gần UBND xã Khánh Thuận) và các quán khác trên địa bàn.
“Tôi cũng đã yêu cầu kiểm điểm chủ tịch UBND xã vì đã điều hành không tốt. Anh Phong cũng đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. Do đó, tôi yêu cầu chỉ nên giáo dục và cam kết không được tái phạm chứ không nên xử phạt hành chính” - ông Triều nói.
Trụ sở UBND xã Khánh Thuận |
Như thông tin đã đưa trước đó, chiều ngày 19/3, chia sẻ với báo Đất Việt xung quanh vụ việc, ông Nguyễn Minh Lắm - chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho biết: "Anh Phong có mang xăng đến đốt trụ sở UBND xã vào ngày 26 âm lịch. Nguyên nhân cũng có thể nợ tiền quán nhậu.
Năm 2012-2013 UBND xã thiếu tiền chỗ anh Phong nên anh ấy bức xúc. Tuy nhiên, xã xác định nợ là trả chứ có quỵt gì đâu mà lại cầm xăng đến đốt? Do những năm nay ngân sách khó khăn nên chưa trả được thôi."
Khi được hỏi số tiền mỗi năm UBND xã dùng để tiếp khách ông Lắm nói: "Mỗi một năm có nhiều đoàn xuống, rồi ăn uống tổng kết, sơ kết, tiền hội nghị, các xã này đoàn kia, đoàn giám sát, rồi đoàn hỗ trợ xã....chẳng lẽ lại để họ đói?
Dự toán đầu năm của xã là tiền tiếp khách là 25 triệu. Do xã chưa có nhà ăn nên phải đi đặt, không có tiền trả thì phải chịu. Mà thường đặt quán chỗ ông Phong.
Bình thường đặt cứ 50.000/người, nếu khách mà 80 người thì đặt khoảng 3-4 triệu, cứ thế mà nhân lên.
Những lần tiếp khách ấy, nhậu thì ít lắm, ăn cơm thì nhiều. Sau đó anh em về chứ ít ai chịu nhậu. Mỗi lần đặt vậy thường chỉ có 3 món, có thể là món cá kho, món xào nhưng chủ yếu là cơm bình dân chứ không có tiệc tùng gì".
Ông Lắm cho biết: "Nợ quán nhậu là 3 quán, quán nước 1 quán. Chủ yếu là nợ năm 2012-2013 chứ năm 2014-2015 chưa có nợ. Năm nay xã đã có nhà ăn thì không phải đặt ngoài nữa, đắt đỏ lắm!"