UAV trên chiến trường đối mặt với 'sát thủ' mới

GD&TĐ - Công ty Laboratoriya PPS của Nga vừa ra mắt robot quân sự có gắn thiết bị gây nhiễu để vô hiệu hóa UAV có tên gọi là Rebovets Wall-E.

Nga thử nghiệm robot Wall-E.
Nga thử nghiệm robot Wall-E.

Theo RIA Novosti, robot này được trang bị module tác chiến điện tử Fumigator, có thể vô hiệu hóa máy bay không người lái (UAV) bằng cách làm gián đoạn tín hiệu liên lạc với người điều khiển.

Nhà sản xuất cho biết, robot Rebovets Wall-E có thể tạo ra một mái vòm vô hình với bán kính 250-300 mét, khiến mọi UAV bay vào khu vực này sẽ không thể hoạt động.

Kíp vận hành kết nối với Wall-E thông qua các kênh điều khiển riêng được bảo mật, nên có thể vận hành robot từ xa dù nó mang theo thiết bị gây nhiễu.

Wall-E được trang bị pin dung lượng cao, giúp nó có thể hoạt động trong thời gian dài, nhưng không rõ số liệu cụ thể.

Nhà sản xuất cho biết Wall-E đã vượt qua tất cả các bài thử nghiệm cần thiết, nhưng không rõ loại robot này có nằm trong kế hoạch đưa ra tiền tuyến trong cuộc xung đột với Ukraine hay không.

Hình ảnh được RIA Novosti đăng cho thấy Wall-E tự di chuyển trên cánh đồng, xen giữa là các cảnh một binh sĩ Nga giải thích cách mẫu robot này vận hành.

"Đây là thiết bị bánh xích nội địa đầu tiên được gắn thiết bị gây nhiễu" của Nga, bình luận đăng kèm video cho biết.

Tác chiến điện tử là một trong những lĩnh vực Nga đang chiếm ưu thế trước Ukraine trên chiến trường trong cuộc xung đột.

Những tổ hợp gây nhiễu của Nga đã vô hiệu hóa thành công một số loại tên lửa, rocket giá trị cao của đối phương, bao gồm đạn phóng từ pháo HIMARS Mỹ sản xuất và cung cấp cho Kiev.

Ivan Stupak, Cố vấn Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo của quốc hội Ukraine đã thừa nhận độ chính xác của đạn pháo dẫn đường M982 Excalibur do Mỹ sản xuất đã giảm mạnh từ 70% xuống còn 6%, do vấp phải hàng rào tác chiến điện tử Nga.

Quân đội Nga hiện triển khai nhiều loại khí tài gây nhiễu khác nhau trên tiền tuyến, từ các tổ hợp lớn gắn trên xe tải với khả năng vô hiệu hóa UAV trong bán kính 10 km cho đến những thiết bị nhỏ hơn tương tự dòng Wall-E, thậm chí bé tới mức có thể nhét vừa balô binh sĩ.

Cùng với tác chiến điện tử, Nga cũng sử dụng số một phương pháp khác để đối phó UAV tự sát đối phương, như trang bị giáp dạng mai rùa cho xe tăng, thiết giáp.

Tuy nhiên, phương pháp này không thể giúp khí tài Nga chống lại các đòn tập kích bằng vũ khí có sức sát thương cao hơn UAV, như tên lửa chống tăng hay đạn pháo. Đây được coi là nguyên nhân Rebovets Wall-E nhanh chóng ra đời.

Clip Wall-E trình diễn khả năng khiến UAV rụng hàng loạt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ