Giám đốc công ty sản xuất chiếc tàu bị chìm ở Cần Giờ liên tục kêu oan
Giám đốc công ty sản xuất chiếc tàu bị chìm ở Cần Giờ khiến 9 người thiệt mạng đã bị khởi tố, bắt giam, nhưng suốt hơn 3 năm qua, cơ quan điều tra, Viện KSND TPHCM lúng túng trong việc chứng minh tội phạm.
Liên quan đến vụ án chìm tàu xảy ra ngày 2/8/2013 tại vùng biển Cần Giờ làm 9 người thiệt mạng, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giao Bộ Công an báo cáo kết quả, giao Chủ tịch UBND TPHCM phối hợp các cơ quan kiểm tra, đề xuất biện pháp giải quyết lên Thủ tướng trước 30/12/2016.
Theo diễn biến vụ việc, ông Vũ Văn Đảo là Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc. Tháng 3/2013, ông Đảo ký hợp đồng bán cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hai tàu BP 12-04-01 và BP 12-04-02, đóng bằng vật liệu mới PPC.
2 chiếc tàu này đã được đăng kiểm Hải quân đăng kiểm đưa vào lưu thông. Còn ông Đinh Văn Quyết là Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina.
Ngày 2/8/2013, Công ty Việt Séc mượn lại 2 chiếc tàu nói trên của Bộ đội Biên phòng để chở công nhân Công ty CP Ống thép dầu khí Việt Nam từ Vũng Tàu về Tiền Giang rồi thuê Công ty CP Vũng Tàu Marina chuyên chở.
Nhận nhiệm vụ, tài công Phạm Duy Phúc (Công ty CP Vũng Tàu Marina) điều khiển tàu BP 12-04-02, chở tổng tộng 30 người (dư 18 người) đã gặp tai nạn tại vùng biển Cần Giờ, làm 9 người chết, trong đó có tài công Phúc.
Sau vụ tai nạn, do tài công đã chết nên Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về hành vi “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Vì vụ án có liên quan đến quân đội, nên liên ngành Công an - VKS - TAND TPHCM đã tổ chức cuộc họp và thống nhất chuyển cho cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng tiếp tục điều tra xử lý.
Tuy nhiên, VKS Quân sự - Cơ quan Điều tra hình sự của Quân chủng Hải quân, đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Lý do là một số cán bộ của Phòng Đăng kiểm Hải quân có sai sót trong việc đăng kiểm 2 chiếc tàu trên, song những sai phạm này không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ tai nạn.
Dù vậy, ngày 12/9/2014, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vẫn ban hành kết luận điều tra khẳng định, ông Đảo và ông Quyết phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.
Sau đó, VKS ban hành cáo trạng truy tố ông Đảo và ông Quyết. Tuy nhiên khi ra tòa, thẩm phán xác định cáo trạng không chứng minh được “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra là do đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”. Do đó, tòa đã 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Trước yêu cầu của tòa, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định lại chiếc tàu BP 12-04-02 bị nạn. Cuối tháng 8/2015, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với ông Đảo và ông Quyết.
Đến tháng 11/2015, Hội đồng giám định kết luận nguyên nhân dẫn đến tai nạn lật tàu là do tàu chở quá số người cho phép, cộng thêm khả năng tàu đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Dù đã có kết quả giám định nhưng đến nay, công an vẫn chưa phục hồi điều tra hay đình chỉ vụ án, ông Đảo và ông Quyết vẫn bị gia hạn cấm xuất cảnh đến tháng 9/2018.
Không có cơ sở buộc tội
Tàu đóng bằng vật liệu PPC do Công ty Việt Séc đóng.
Sau khi bị khởi tố, bắt giam, ông Đảo và ông Quyết đã nhiều lần có đơn kêu oan. “Tôi tiếc cho cơ hội của công ty, cho những người lao động, những nhà khoa học đã đồng hành cùng tôi trong việc phát triển công nghệ mới (đóng tàu bằng vật liệu mới PPC, từng được Bí thư Đinh La Thăng khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT ủng hộ - PV).
Do bị khởi tố, bắt giam, cấm xuất cảnh nên suốt 3 năm qua tôi đã không có cơ hội đi nước ngoài đàm phán với đối tác, cơ hội ký hợp đồng hàng triệu USD với nước ngoài đã bị hủy bỏ” - Ông Đảo buồn bã nói.
Theo phân tích của ông Đinh Văn Quế - Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, bản kết luận điều tra cho rằng, ông Đảo và ông Quyết “sản xuất” cano bằng vật liệu mới PPC chưa được phép nên không bảo đảm an toàn, còn bản cáo trạng lại kết luận hai ông “điều động” cano không bảo đảm an toàn.
Tuy xác định 2 hành vi khác nhau nhưng VKS vẫn cho rằng, hành vi của hai ông Đảo và Quyết là “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Thay vì phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can thì VKS lại ra cáo trạng truy tố, trong khi vụ án đã có đầy đủ tài liệu chứng minh nguyên nhân gây ra tai nạn không phải là do phương tiện (cano) không bảo đảm an toàn mà do người điều khiển phương tiện gây ra…
Do đó, không thể xác định ông Đảo và ông Quyết phạm tội “đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Còn theo nhóm tư vấn pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội (gồm ThS Trần Đức Thìn - Nguyên Phó hiệu trưởng, TS. Cao Thị Oanh, Phó trưởng khoa Pháp luật hình sự và ThS Mai Thanh Hiếu -Phó trưởng khoa Pháp luật hình sự), trong trường hợp này 2 tàu đã được bàn giao cho bộ đội biên phòng, nên ông Đảo không thể là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động.
Ngoài ra, tàu đã được Đăng kiểm Hải quân tiến hành đăng kiểm, nên ông Đảo cũng không thể chịu trách nhiệm về tình trạng kỹ thuật của phương tiện…
Từ đó nhóm giảng viên đưa ra kết luận: “Ông Đảo không phạm tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn theo Điều 214, Bộ luật Hình sự”.
Ngoài ra, nhóm giảng viên còn chỉ ra một loạt vi phạm về tố tụng như vi phạm thời hạn quyết định khởi tố bị can, thiếu cơ sở quyết định thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam, vi phạm thời hạn điều tra…
Ngày 22/12, PV đã liên hệ với Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, tuy nhiên ông Thông cho biết, bận nhiều việc nên không có thời gian để trao đổi với PV về vụ việc trên.
Chúng tôi cũng liên hệ và đại diện Viện KSND TPHCM và được biết, hiện các phòng nghiệp vụ của VKS vẫn đang tiếp tục công tác kiểm soát hoạt động điều tra, nghiên cứu hồ sơ để xử lý vụ án.