Ủ ước mơ trên đỉnh Lùng Sủ Phìn

Ủ ước mơ trên đỉnh Lùng Sủ Phìn

(GD&TĐ) - Trên đỉnh núi mù sương Lùng Sủ Phìn, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có cô bé người dân tộc Mông, khi thấy những cô giáo miền xuôi lên dạy hát, múa và dạy chữ cho những đứa trẻ trong bản, đã ấp ủ ước mơ sau này trở thành cô giáo. Niềm ước mơ ấy đã được nuôi dưỡng và trở thành hiện thực của cô giáo Hoàng Thị Hồng, Trường Mầm non Noong Bua, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.  

Nghe câu chuyện của cô kể về những ngày còn nhỏ cắp sách đến trường và đến hôm nay là giáo viên dạy tại trường Mầm non Noong Bua. Nó làm cho tôi thấy hiển hiện lên như những câu chuyện “cổ tích” ngay giữa đời thường. Chẳng có niềm đam mê, khao khát nào lại không được đáp đền xứng đáng và niềm mơ ước thật dung dị của cô Hoàng Thị Hồng sinh năm 1970, bản Lùng Sủ Phìn, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu luôn được thắp sáng bằng cả trái tim tâm huyết, yêu người, yêu nghề… Để cho cô vượt lên một chặng đường đầy gian khó đi tới được tận cùng của ước mơ, bằng một nghị lực phi thường.

Cô Hồng luôn tận tình yêu nghề, mến trẻ
Cô Hồng luôn tận tình yêu nghề, mến trẻ

Sinh ra trong gia đình có đến 10 anh chị em trên vùng đất, đá chồng lên đá quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu khắc nghiệt cái ăn chả thấm dạ dầy khi vừa xong bữa. Còn việc học con gái người Mông trong bản theo học được đến lớp 3 - 4 là điều quá “xa sỉ”, con trai lúc giờ cũng chỉ học tới được lớp 5 - 6. Nhưng cô bé Hồng trong bản như một điều kỳ lạ, nằng nặc chỉ đòi được đến trường học chữ, khác với những cô gái trong bản.

Mặc dù gia đình tìm mọi cách ngăn cản, anh em giấu sách vở không cho đi học và đến trường luôn trong tình trạng đói lả. Những nghiệt ngã của cuộc sống gia đình, xã hội đã không làm nhụt ý chí, lòng say mê học tập của cô bé người Mông vì trong cô mỗi buổi sáng thức dạy trên đỉnh mù sương bản Lùng Sủ Phìn ẩn sâu trong đại ngàn  lại vang vang lời ca ngọt ngào của cô giáo mầm non, tiếng ríu rít vui đùa của bày em nhỏ từ lâu đã ngấm sau vào trái tim của cô học sinh nhỏ tuổi ấy.

Tất cả âm thanh ấy, sự ân cần trìu mến, bàn tay yêu thương vỗ về của cô giáo mầm non miền xuôi đã trở thành ước mơ khao khát cháy bỏng để thôi thúc bàn chân trần trên vùng cao nguyên đá tai mèo, trong những cơn gió lạnh buốt để đến trường vì chỉ có đến trường mới cho em những khát khao kia được biến thành hiện thực.

Học xong lớp 5 cả bản chỉ có cô bé người Mông Hoàng Thị Hồng nhỏ bé, ngày ngày cắp sách đi bộ 8 km lên trường huyện tiếp tục theo học cấp 2 để thực hiện ước mơ. Nhà nghèo không có tiền mua sách, 3 năm nhịn ăn bữa sáng đến trường có những hôm đói lả đi trong lớp. Biết hoàn cảnh gia đình của cô học trò hiểu học nên các thầy cô rất thương em, mỗi buổi sáng đều để phần em bát cơm nguội để cô bé ấy đủ sức ngồi học và đi bộ về nhà.

Chúng tôi đi hết từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác khi nghe câu chuyện về những bước đi trong cuộc đời của cô, đó là nghị lực vượt lên trên những phi thường. Biết hoàn cảnh gia đình nên học xong cấp 2 cô chỉ thi vào hệ sơ cấp mầm non, học tại thị xã Mường Lay nhưng con đường đến được với ước mơ làm cô giáo lại một lần nữa thử thách lòng can đản của cô học trò người Mông vì 3 năm nộp hồ sơ nhưng không có giấy báo dự thi. Đến năm thứ 4 cô bé ấy mới được bước chân vào trường với số điểm thi cao nhất khóa. 

Cô Hồng làm đồ chơi cho các cháu
Cô Hồng làm đồ chơi cho các cháu

Sau khi học xong ra trường trong cô luôn tâm niệm với ước mơ đã đạt được thì làm sao phải phấn đấu với nghiệp mà mình đã chọn. Công tác ở trường nào cô cũng luôn làm tấm gương chắp cánh ước mơ cho các cháu, trong công tác chăm sóc, dạy bảo cô luôn coi các cháu như con chăm lo bữa ăn, giấc ngủ bất kỳ có cháu nào có biểu hiện bất thường về tính nết, sức khỏe cô đều biết rõ và tìm hiểu kỹ nguyên nhân.

Hàng đêm về, cô tự mày mò nghiên cứu làm nhứng đồ chơi cho các cháu làm thế nào đồ chơi vừa thể hiện tính thẩm mỹ, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ và khơi dậy cho các cháu tình yêu thương với những thứ quanh mình, như: Con vật nuôi, thứ vật dụng, cây cối… Nhiều học trò cũ của cô nay trưởng thành là giáo viên, kỹ sư, công tác ở khắp nơi mọi miền tổ quốc nhưng đều không quên cô giáo vào mỗi dịp 20/11 đều đến thăm cô, gửi thư, quà… các em khi gặp cô không ai gọi là cô giáo mà họ đều một từ “Mẹ” xúc động nghẹn ngào. Cô chính là người đầu tiên chăm sóc gieo vào trong mỗi học trò thân thương của mình, niềm mơ ước về nghề cao quý, là tấm gương để em học tập và noi theo. Đó lời tâm sự chân thành của Lò Văn Tuân hiện giáo viên huyện Mường Nhé là học trò cũ của cô Hoàng Thị Hồng.

Trong 20 làm người kỹ sư tâm hồn, gieo hạt giống tri thức thì gần 10 năm cô cặm cụi theo học từ bổ túc văn hóa cấp 3 cho đến đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, có thể phục vụ tốt hơn những đứa con thương yêu của mình. Dù bận rộn công việc trường lớp, lo toan cuộc sống gia đình, theo học nhưng trong quá trình công tác một bảng thành tích ghi nhận về cô thật đáng khâm phục, 12 năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 7 năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, 5 năm Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Một tấm gương thật đáng tôn vinh trân trọng, tỏa sáng nhưng hôm nay bên chúng tôi cô vẫn thật bình dị múa, hát bên lũ học trò như người mẹ bên những đứa con thân yêu. Chính tấm lòng tâm huyết, say nghề đã để cho bàn tay tài hoa của cô tạo ra đồ chơi, mô hình học tập từ những thứ vật dụng thông thường sinh động, trong hội thi luôn đứng đầu nhà trường, thành phố và tỉnh.

Nghề giáo đã mang đến cho cô biết bao mùa trái ngọt từ gia đình 2 cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn nay công tác trong cơ quan nhà nước, một người chồng luôn chia sẻ buồn vui, yêu thương cô hết mực. Học trò của cô có đến vài chục em theo gương với nghề nuôi dạy trẻ. Thử hỏi có niềm hạnh phúc nào vẹn tròn hơn nữa? 

Kiên Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ