Tỷ phú vườn ươm sẻ chia kinh nghiệm khởi nghiệp từ bàn tay trắng

Từ hai bàn tay trắng, anh đã vươn lên trở thành một chủ vườn ươm và nông sản thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Phạm Phúc Bình tươi cười bên vườn bơ Booth của mình
Ông Phạm Phúc Bình tươi cười bên vườn bơ Booth của mình

“Thương hiệu” vườn ươm Phúc Bình

Người dân trên mảnh đất Tây Nguyên đa phần đều mưu sinh bằng việc canh tác các cây nông sản như tiêu, điều, cà phê, cao su, bơ… tuy nhiên, để thực sự thành công thì không có mấy người. Trong số rất ít người đó, phải kể đến Anh Phạm Phúc Bình (Sinh năm 1980, ngụ thôn 4, xã Ea Tar, Cư M’gar, Đắk Lắk).

Nghe người dân kể về người nông dân mang tên Phạm Phúc Bình bằng tất cả sự ca ngợi và thán phục bởi sự táo bạo dám nghĩ dám làm, phóng viên báo Câu chuyện pháp luật đã tìm về thôn 4, xã Ea Tar để được tận mắt nhìn thấy thành quả lao động của ông chủ ấy.

Chứng kiến vườn ươm xanh mơn mởn, ruộng khoai lang bạt ngàn đang cho thu hoạch cùng rẫy bơ Booth bao la, tươi tốt của anh Bình làm chúng tôi không khỏi thán phục.

Chỉ nghe về thành công ngày hôm nay của anh, ai cũng ngỡ hẳn ông Bình phải là một người có trình độ học vấn cao cùng sự hỗ trợ đắc lực về vốn liếng từ gia đình.

Tuy nhiên, chúng tôi không thể ngờ rằng ông chủ của một khối tài sản đáng nể phục ấy lại là một người đi lên từ đôi bàn tay trắng, tất cả bắt đầu từ con số không tròn trĩnh. Có chăng chỉ là sự kiên trì mày mò và ý chí nỗ lực tự phấn đấu vươn lên trong gian khổ của người nông dân chân đất mà thôi.

Anh Bình sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em lại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không có tiền để tiếp tục học hành nên sau khi theo hết bậc tiểu học, anh đã không được đến trường mà phải ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy.

Dù rất ham học nhưng vì biết điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp nên anh Bình từ nhỏ đã rất mực chăm ngoan, nghe lời cha mẹ. Ngoài phụ việc vặt trong gia đình thì dù còn nhỏ tuổi nhưng những ngày mùa anh đều xin cha mẹ cho đi theo ra ruộng, lên rẫy.

Thấy bạn bè hàng ngày đi học rộn rã qua trước nhà, bản thân anh đã rất tủi phận. Nhưng cũng chính từ những ngày đó, anh Bình đã đúc kết cho mình những bài học để đời và dù không được học hành trên ghế nhà trường nhưng anh biết mình có thể học mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, người mẹ anh cũng luôn khích lệ, động viên rằng ruộng vườn, cây trái sẽ không phụ lòng người chăm bón.

Lớn lên trong cảnh gian khó, ngoài công việc trong gia đình, để có tiền chi tiêu thì anh Bình không ngại ngần đi làm thuê quốc mướn. Thế rồi cũng có cô gái đem lòng yêu và nhận lời cầu hôn của anh chàng nhà quê cục mịch nhưng cần cù, chăm chỉ ấy.

Năm 2004, sau khi đã lập gia đình, không chấp nhận số phận, anh Bình quyết chí lập nghiệp tại quê nhà. Vốn đam mê cây trồng, anhgom hết số vốn đã chắt chiu dành dụm được, đồng thời vay mượn thêm người thân và bạn bè mua nguyên vật liệu về tạo dựng vườn ươm cây giống mang tên Phúc Bình.

Sau khi đã thử nghiệm và thành công, anh Bình mạnh dạn mở rộng quy mô diện tích và số lượng cũng như chủng loại cây giống cung cấp cho bà con quanh vùng. Ngoài các cây trồng dài hạn như tiêu, cà phê, cao su…còn có các loại cây ăn trái đặc sản của Tây Nguyên như bơ, sầu riêng…

Nói về việc này, anh Bình chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi đã rất lo lắng bởi bản thân mình không có trình độ chuyên môn. Tất cả quy trình, tôi đều làm theo cảm tính, kinh nghiệm và những gì tự mày mò học hỏi từ sách báo, một số lớp tập huấn nông nghiệp ngắn hạn”.

Rất may, ông trời đã không phụ lòng người, thành công đã đến với ông chủ vườn ươm Phúc Bình. Mỗi năm, vườn ươm của ông cung cấp hàng ngàn giống cây trồng các loại đi khắp nơi. Tạo công ăn việc làm thường xuyên và ổn định cho gần 10 lao động ở vùng với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, trong vườn ươm Phúc Bình, tạm thời đã xuất hết số giống cây trồng khác, chỉ còn tập trung vào ươm giống cây bơ Booth. Ước tính có gần 5 vạn bầu đang được anh Bình ươm mầm với mong muốn mang đến một luồng gió mới trong cơ cấu cây trồng của vùng.

Ty phu vuon uom se chia kinh nghiem khoi nghiep tu ban tay trang - Anh 2

Một góc giống bơ Booth tại vườn ươm Phúc Bình

Mạnh dạn đầu tư vào trồng trọt

Trong quá trình ươm và xuất giống cây đi nhiều nơi, anh Bình nắm bắt được điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của mảnh đất Ea Tar rất có tiềm năng để phát triển giống bơ Booth, một giống cây ngoại nhập cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014, anh Bình đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 5 ha. Nhờ nắm bắt được xu hướng thị trường một cách nhanh nhạy, kiên trì, ham học hỏi cùng việc áp dụng đúng khoa học kỹ thuật mà vườn bơ Booth của anh đã cho năng suất cao và thu lại lợi nhuận trên cả sức mong đợi.

Chỉ sau 2 năm chăm bón, 5 ha bơ Booth của ông đã cho thu hoạch vụ đầu tiên là 9 tấn quả. Trong vụ tới, anh Bình ước tính vườn bơ sẽ cho thu hoạch trên 70 tấn quả. Tạm tính với giá bơ hiện tại là 70.000đ/1kg tại vườn, trừ mọi chi phí đầu tư và nhân công, ước tính sẽ thu lại lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng.

“So với các loại giống cây trồng khác thì cây bơ dễ chăm sóc, ít nguy cơ rủi ro và hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, đối với giống bơ Booth so với giống bơ thông thường thì đạt sản lượng cao hơn, đồng thời giá thành cũng cao hơn gấp nhiều lần nên tôi hoàn toàn yên tâm sản xuất” – anh Bình chia sẻ.

Ngoài vườn ươm và 5ha bơ Booth, anh Bình còn có 43ha khoai lang Nhật đang cho thu hoạch. Nhờ công tác chọn giống phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật nên ruộng khoai lang Nhật của anh Bình cho năng suất cao (18 tấn/1ha). Ước tính, với giá 11 triệu/1 tấn, ruộng khoai lang Nhật của anh Bình sau khi trừ mọi chi phí sẽ cho lợi nhuận khoảng 3,5 tỷ đồng.

Nhờ sự cần cù và ý chí phấn đấu vươn lên, anh Bình sau nhiều năm tự mày mò, nghiên cứu đã thành công và tạo dựng cho mình một thương hiệu uy tín, đáng tin cậy tại địa phương.

Tuy nhiên, không như những đại gia khác vội vàng sắm nhà lầu xe hơi. Trước mắt, anh Bình tập trung chăm lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn, đồng thời chú tâm vào dự án mở rộng quy mô ươm mầm và trồng trọt.

Thấy chúng tôi đến thăm, chị Ngô Thị Kim Anh (SN 1986, đang làm việc tại vườn bơ nhà anh Bình chia sẻ: “Dù mới làm cho vợ chồng anh Bình được vài tháng nhưng tôi cảm thấy công việc ở đây khá ổn định.

Hơn nữa, anh chị ấy cũng rất tốt và giữ uy tín trong công việc. Chồng tôi ngoài lo việc nương rẫy ở nhà thỉnh thoảng cũng đến làm việc ở đây tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nhà tôi ít đất nhưng cũng theo chân anh Bình chồng mấy xào bơ Booth. Bước đầu, tôi thấy giống cây này có hiệu quả kinh tế khá cao”.

Nhà nông nên công việc lúc nào cũng bận rộn, hàng ngày, anh Bình lo việc chăm sóc thu hái cho ruộng khoai lang Nhật và vườn bơ Booth. Còn người vợ tiếp quản vườn ươm và chú tâm chăm sóc cho các con trong từng bữa ăn và những buổi đến trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Tuấn (SN 1960, thôn trưởng thôn 4, xã Ea Tar) cho biết: “Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng Bình được biết đến là một người thành đạt và rất được nể phục trong địa phương.

Dù vậy, nhưng Bình sống chan hòa với mọi người, luôn tạo điều kiện và giúp đỡ cho những người có điều kiện và hoàn cảnh khó khăn trong thôn. Đây đúng là một tấm gương sáng, đáng được tuyên dương về việc làm kinh tế giỏi”.

Theo Pháp Luật VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.