Tuyến xe khách Hà Nội- Hà Tĩnh: " Hàng không mặt đất"

Tuyến xe khách Hà Nội- Hà Tĩnh: " Hàng không mặt đất"

Chạy ẩu     

Chỉ tính trên khu vực miền Bắc, có lẽ tuyến vận chuyển hành khách đông đảo và hiện đại nhất phải là tuyến Hà Tĩnh- Hà Nội và ngược lại. Tuy nhiên, đây cũng là tuyến đường mà hành khách có mặt trên những chuyến xe này cũng như hành khách tham gia lưu thông trên suốt quốc lộ 1A từ Hà Nội- Hà tĩnh phải nơm nớp lo sợ khi những hung thần này tham gia lưu thông. Đã đến lúc cần sự lên tiếng của công luận và sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan chức năng may ra mới hạn chế những tai nạn thảm khốc không đáng có do những chiếc xe này gây ra.

Với đặc thù hành trình là đêm đi ngày về và ngày đi đêm về, hầu hết các lái xe của tuyến này có rất ít thời gian nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian dài cầm lái. Có một đặc điểm là hầu hết các lái xe của tuyến này đều rất trẻ và lái xe rất ẩu, người viết đã có mặt trên chuyến xe của nhà xe DT từ Hà Nội- Hà Tĩnh vào ngày 16.9.1011, chiếc xe nêm chật cứng hành khách, trên suốt quãng đường chiếc xe chạy với tốc độ rất cao, liên tục đánh võng, phanh gấp, bóp còi và vượt các xe khác đi cùng chiều.

Mặc dù đêm tối, trời mưa, người tham gia giao thông và các xe chạy ngược chiều rất đông song xe vẫn chạy nhanh, quan sát từ chủ xe, lái xe, phụ xe vẫn cười nói bình thường coi như không có chuyện gì xảy ra. Theo quan sát của người viết nếu với tốc độ ấy gặp chướng ngại vật như người, gia súc hoặc xe đi ngược chiều lấn đường nữa thì lái xe không thể nào xử lý nổi cho dù lái xe có tài cỡ mấy, và nếu như tai nạn xảy ra thì hậu quả với hơn 50 hành khách trên xe không biết sẽ như thế nào! sự vụ nhà xe PQ gây tai nạn kinh hoàng tại Can Lộc hồi tháng 7 và mới đây là Nhà xe QT gây tai nạn nghiêm trọng làm hai vợ chồng chết tại chỗ ở Vượng Lộc- Can Lộc là một ví dụ cho sự phóng nhanh vượt ẩu của các lái xe này.

Không những nhà xe DT mà hầu hết các nhà xe như DM, DB, HH, SH… đều sử dụng lái xe có tuổi đời rất trẻ song có một điểm chung là hầu hết các lái xe này chạy xe không thua các lái xe lâu năm, nhất là chạy nhanh, đánh võng và phanh gấp! có một thời người ta gọi tuyến xe khách hà Nội- Hà Tĩnh là “ Hàng không mặt đất” ý nói sự chạy xe bạt mạng của các lái xe trên tuyến đường này. Một số nhà xe đã gây tai nạn nghiêm trọng, làm bị thương, chết người cả hành khách trên xe lẫn người lưu thông trên đường, những chiếc xe trị giá hàng tỷ đồng hư hỏng song một số nhà xe vẫn chưa chịu coi đó là tai họa mà vẫn cho lái xe của mình tiếp tục chạy xe coi thường cả tính mạng, tài sản của mình và của cả hành khách.

Hiện trường vụ TNGT ngày 05/7/2011 tại Can Lộc
Hiện trường vụ TNGT ngày 05/7/2011 tại Can Lộc

Nhồi nhét khách

Vào các dịp lễ, tết, các ngày cuối tuần một lượng lớn hành khách chủ yếu là sinh viên, công chức… học tập và làm việc ở Hà nội về quê. Đây là dịp để các nhà xe nhồi nhét khách vô tội vạ và nâng giá vé tùy tiện. Nắm bắt được nhu cầu muốn về quê nhanh chấp nhận nhồi nhét trên xe nên các nhà xe mặc dù số gường nằm của xe có hạn song cứ thoải mái bán vé, hai ba người một gường, ngồi chật cứng hai lối đi lại, giá vé niêm yết là 160.000đ song nhà xe cứ hét theo kiểu của họ 200.000đ, 220.000đ tùy thích mà không một cơ quan chức năng nào nhắc nhở hoặc phạt cả.

Hành khách thắc mắc thì họ lý giải là lúc chạy ra lại chạy xe không, tiền dầu, tiền cho CSGT..? những lý do đó không thuyết phục bởi cũng chạy tuyến cố định đó nhưng vẫn có hãng họ thống nhất niêm yết một giá vé, bán đủ số gường nằm, không bao giờ bắt khách dọc đường song họ vẫn có lợi nhuận cao đấy thôi!?

Mặc dù nhồi nhét khách như vậy song suốt tuyến đường mặc dù có các chốt kiểm tra của CSGT song chưa thấy hoặc rất ít CSGT lên xe kiểm tra mà chỉ có phụ xe chạy lên chạy xuống trình giấy tờ. Có mặt trên những chuyến xe ấy mới thấy tính mạng mình nó bất an đến mức nào, và có một điều là xe đời mới, hiện đại cửa kính dày và cố định nhưng tuyệt nhiên không có lấy một chiếc búa thoát hiểm nào!

Hình thức mới của “cơm tù

Có một nguyên tắc bất biến của các nhà xe Hà Tĩnh- Hà nội là dù bất kể thời gian nào thì khi xe về đến Thanh Hóa (đi từ Hà Nội về) đều dừng để ăn uống, nghỉ ngơi. Có điều lạ là hầu hết các nhà xe đều tập trung vào quán cơm SĐ ở Quảng Xương- Thanh Hóa, lúc cao điểm cả các nhà xe của Nghệ An nữa có đến hơn chục xe khách đổ dồn vào một lúc, và thế là cảnh chen chúc nhau vệ sinh, xếp hàng mua vé cơm, tiếng hò hét inh ỏi của chủ quán tạo nên một khung cảnh ngột ngạt, nhếch nhác.

Hiện tượng “cơm tù”, “xe cướp” trên tuyến đường Bắc- Nam một dạo gây nhức nhối đã được dẹp bỏ thì nay tuy không còn hàng rào ngăn quán, cũng không có những thanh niên bặm trợn xua đuổi khách phải vào quán song hình thức mà các nhà xe Hà Tĩnh- Hà Nội hiệp đồng với chủ quán cơm đưa hành khách vào thế không ăn thì đói vì ngoài ở đó xe chạy một mạch không dừng bất cứ nơi nào nữa.

Với nhà xe, tất nhiên họ được bố trí trong phòng khách của chủ quán, được thết đãi đàng hoàng, còn hành khách không còn cách nào khác phải chen chúc nhau mua suất cơm từ 35.000- 40.000 đ, một tô mì tôm 25.000đ, ai không ăn phải đứng, ngồi ngoài sân chờ trời nắng nóng, mưa đều khổ sở nhếch nhác, trong khi đó khu vực chế biến thực phẩm và nấu ăn của quán trông rất mất vệ sinh, với lượng khách liên tục trong ngày, đêm đều đỏ dồn về đó thì việc vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng của đĩa cơm, tô phở hay tô mì tôm là rất thấp, hành khách không còn cách nào khác là đành bấm bụng ăn cho xong chuyện.

Đôi điều kiến nghị

Có một thực tế cần phải thấy là việc các nhà xe đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị những chiếc xe hiện đại đưa vào vận chuyển hành khách, tăng chuyến và bố trí chạy cả ngày lẫn đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại là điều rất đáng ghi nhận của các nhà xe tuyến Hà Tĩnh- Hà Nội. Với những chiếc xe gường nằm cao cấp hiện đại rất thuận lợi, cho người già, trẻ em, người ốm đau, bệnh tật cần phải ra Hà Nội khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, để những chuyến xe luôn an toàn thì hơn bao giờ hết các chủ xe phải luôn luôn nhắc nhở lái xe chạy đúng tốc độ, lấy an toàn của chính mình và của hành khách lên làm đầu, các ngày lễ, tết không nên tùy tiện tăng tiền vé xe, đừng tham một vài hành khách mà làm mất uy tín của nhà xe, nên bố trí nơi ăn uống dọc đường của khách hợp lý, không nên chen chúc nhau vào một quán cơm ở Thanh Hóa như vậy. Nghệ thuật kinh doanh phải làm sao cho hành khách phải tìm đến mình.

Về phía cơ quan chức năng, cần có các biện pháp quản lý chặt, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có như vậy, các chuyến xe trên tuyến này mới có thể an toàn và văn minh hơn.

                                                                                                  Bùi Tuấn Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.