Hai kỳ họp gần nhau quá
Chiều 25/4, đánh giá về kỳ họp vừa qua, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, vấn đề nhân sự làm đổi mới, đồng bộ và toàn diện tại kỳ họp vừa qua là một bài học kinh nghiệm quý báu cho khóa sau, làm sao để thời gian tiến hành tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp Quốc hội phải làm sát nhau hơn. Nếu để đến tháng ba Quốc hội mới họp kiện toàn nhân sự như vừa qua, rồi đến tháng 7 tới lại làm nữa thì không hợp lý. “Hai kỳ họp Quốc hội làm gần nhau quá”, ông Chiến nhìn nhận.
Đề cập đến nghi thức tuyên thệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, việc tuyên thệ được làm nghiêm túc, thể hiện được tinh thần trách nhiệm trước dân. Tuy nhiên theo ông Tỵ, nghi thức tiến hành còn chưa được chặt chẽ, đồng bộ, khi tuyên thệ đoàn Chủ tịch lại ngồi, đại biểu Quốc hội phía dưới cũng ngồi. Theo ông Tỵ, khi tiến hành tuyên thệ phải đồng loạt đứng lên, xong rồi ngồi xuống mới đảm bảo nghiêm trang, thống nhất.
Cũng theo ông Tỵ, nhiều đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến về vấn đề chuẩn bị phiếu bầu. Phiếu đã phát ra phải đúng quy định, được đóng dấu cẩn thận chứ không phải nhắc cẩn thận kiểm tra dấu trên phiếu, khiến đại biểu khó chịu. “Nhiều người nói dưới tỉnh tôi chưa bao giờ có chuyện này. Lỗi này đại biểu ý kiến rất nhiều, cần phải rút kinh nghiệm cho lần sau”, ông Tỵ nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ trọng Việt cũng cho rằng, vấn đề nhân sự tại kỳ họp 11 được làm rất chặt chẽ, tạo ra được sự đồng thuận cao. Về nghi thức tuyên thệ, theo ông Việt, sự ảnh hưởng của tuyên thệ không chỉ linh thiêng, trang nghiêm mà còn tạo ra sự thống nhất cao trong toàn đảng, toàn dân, rất quý.
Cũng theo ông Việt, Quốc hội là cơ quan quyền lực rất lớn, nhưng cảm giác như lực yếu quá, nên quyền cũng không ăn thua. Vậy phải có cơ chế chính sách, làm sao để thế và lực của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội phải tốt hơn.
Nên bố trí phòng riêng khi bỏ phiếu kín
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh đề nghị của đại biểu Quốc hội là mong muốn được tạo điều kiện để họ thực hiện bỏ phiếu kín theo đúng nghĩa. Vì trên thực tế, khi tổ chức bỏ phiếu kín lại không có chỗ, có phòng để đại biểu ngồi ghi phiếu. Rồi hòm phiếu lại trong suốt, lại yêu cầu không gấp lá phiếu, lúc bỏ phiếu có cả truyền hình, máy ảnh, như vậy đại biểu có còn quyền bỏ phiếu kín không? Bà Nga đề nghị khắc phục những điều này đề đại biểu được bỏ phiếu kín theo đúng nghĩa.
“Tôi đã trải qua 4 khóa Quốc hội. Có lúc đi qua, đại biểu Quốc hội gạch người này, gạch người kia cứ đập vào mắt nên không có sự riêng tư”, bà Nga nói.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Nguyễn Hạnh Phúc Tổng thư ký Quốc hội
giải thích thêm, nghi thức tuyên thệ là việc làm mới, nước ngoài Chánh án không tuyên thệ, còn ở ta lại có. Ông Phúc cũng cho biết sẽ nghiên cứu việc đồng loạt đứng hay ngồi, để cờ phía trước hay sau cho đồng bộ, trang trọng nhất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá công tác làm nhân sự được thực hiện chặt chẽ, dân chủ và kết quả đạt được rất tốt với sự đồng thuận cao. Nhưng cũng có hạn chế trong việc tổ chức thực hiện bầu, nhiều đại biểu còn nói làm kém hơn ở địa phương. Thời gian còn trống trong lúc bầu còn nhiều, thời gian thảo luận ở đoàn cũng nhiều quá, trống quá, cần rút lại từ kỳ họp sau. Đại biểu cũng phản ánh và họ phản ánh đúng là khi bầu mà hồ sơ nhân sự lại không đưa cho đại biểu nghiên cứu.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải nghiên cứu nghi thức tiến hành tuyên thệ, cái gì hay, chưa hay nghiên cứu để hoàn thiện lại.
“Các nước tuyên thệ chỉ có 36 từ, rất ngắn và có đại diện phía tòa đứng bên làm chứng, còn mình thì không có. Chúng ta nên đồng loạt đứng để chứng kiến cho nghiêm túc. Người tuyên thệ đứng, trên bàn chủ tọa ngồi, phía dưới đại biểu ngồi rồi quay, chụp ảnh nên dân thấy không nghiêm túc”, bà Ngân nói.
Cũng theo Chủ tịch quốc hội, chúng ta là công dân, đại diện công dân nên cần phải nghiêm túc, nắm bắt thêm dư luận, rồi các bộ liên quan để hoàn thiện, nghiêm túc thực hiện nghi thức tuyên thệ, dù vừa qua chúng ta thực hiện được đa số ý kiến khen ngợi. Đã tuyên thệ thì không ai lại dám làm trái với lời tuyên thệ trước Quốc hội.