Vì vậy, thời điểm này các trường THCS ráo riết chuẩn bị ôn tập kiến thức cũng như tư vấn kĩ cho các em để chọn trường THPT công lập phù hợp với khả năng của mình.
Củng cố kiến thức cho HS
Chỉ còn khoảng 10 tuần nữa, HS khối 9 tại TPHCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Căn cứ vào học lực của HS, đặc biệt là sau các đợt kiểm tra ở học kỳ I và giữa học kỳ II, các trường THCS đã bắt đầu tập trung ôn tập cho các em.
Theo cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên, quận Bình Thạnh, ngay từ những tháng cuối năm 2016, trường đã tổ chức phụ đạo cho khoảng 20% HS lớp 9 có học lực yếu với việc tăng tiết cho các em vào chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần. Theo đó, Toán sẽ tăng thêm 1 tiết thành 3 tiết/tuần, Ngữ văn và Tiếng Anh tiếp tục tổ chức 2 tiết/tuần/môn.
Tương tự, tại Trường THCS Chu Văn An, quận 1, cô Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, Trường có 6 lớp 9 với 40 - 45 HS/lớp. Nhà trường dạy 2 buổi/ngày nên có thời gian ôn tập thêm cho các em từ thứ Hai đến thứ Sáu. Riêng với HS yếu, vừa qua nhà trường đã phụ đạo cho các em vào thứ Bảy - ngoài ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, trường còn có thêm môn Lý và Hóa.
Liên quan đến ôn tập cho HS, thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên Trường THCS Văn Lang, quận 1, chia sẻ, hiện tại các giáo viên vừa giảng dạy vừa ôn tập cho học trò để hệ thống kiến thức giúp các em nắm vững. Với sự đổi mới trong cách ra đề của một số năm gần đây, đề thi theo hướng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn nên các giáo viên cũng có những thay đổi trong cách dạy và cách ra đề. “Bản thân tôi thường hướng cho các em đến những vấn đề thời sự, những vấn đề mà xã hội đang quan tâm phù hợp với lứa tuổi các em… giúp các em nắm rõ, hiểu để từ đó cảm nhận bằng suy nghĩ của mình.
Ở mỗi bài kiểm tra, các em cũng sẽ có 1 - 2 câu hỏi liên hệ thực tiễn để tập dượt. Ngoài ra, ở khối 9, vừa qua, môn Văn chúng tôi đã thực hiện dự án dạy học, có thể gọi là học Văn ngoài nhà trường. Các em được đi, được tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ với các nhân vật với nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ đó cảm nhận bằng cách của mình có thể viết truyện, làm bài cảm nhận, chụp phóng sự ảnh, làm phim… Điều này giúp các em trưởng thành hơn, có nhiều kỹ năng và nó có tác động đến cách suy nghĩ, cảm nhận của các em giúp cho các em hành văn tốt, giàu cảm xúc và biết liên hệ nhiều vấn đề trong cuộc sống”, thầy Trọng cho hay.
Liên quan đến nội dung đề thi vào tuyển sinh lớp 10, tại cuộc họp sơ kết học kỳ I bậc trung học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP cho biết, những năm gần đây, Sở thường xuyên đổi mới nội dung ra đề thi vào lớp 10 theo hướng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Vì vậy, Sở khuyến khích các trường ra đề kiểm tra theo hướng đổi mới này để tạo thuận lợi cho các em HS.
HS lớp 9 cũng cần được tư vấn chọn trường THPT
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 chia sẻ, cứ mỗi năm, trường lại thống kê điểm chuẩn, chỉ tiêu của các trường THPT trong 3 năm gần nhất (mỗi năm có một ít thay đổi). Khi có kết quả học kỳ 2 II thì nhà trường bắt đầu cộng điểm 3 môn Toán, Văn (nhân đôi) và Ngoại ngữ để chia thành từng tốp trường cho các em chọn nguyện vọng (NV) vào lớp 10 phù hợp nhất.
Những năm trước, Trường Trần Văn Ơn có tổ chức thi thử cho các em để tập dượt và nắm tình hình, nhưng năm nay do thời gian thi sẽ sớm hơn, việc chọn NV các em cũng phải hoàn tất sớm nên có thể trường không tổ chức thi thử được. Tuy nhiên, trường vẫn chia các trường THPT thành từng tốp rồi phân loại HS giỏi, khá, trung bình để tư vấn tốt nhất cho các em.
Tương tự tại Trường THCS Đức Trí, quận 1, theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Liễu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thời gian qua trường vẫn duy trì phụ đạo cho các HS yếu kém, bên cạnh đó vừa tiến hành công tác tư vấn cho các em làm sao để chọn NV phù hợp với lực học của mình. Trường đã tổng hợp điểm đầu vào của 2 - 3 năm gần đây ở các trường THPT rồi phân chia ra các tốp 1, tốp 2 và tốp 3 để làm căn cứ cho các em tham khảo.
Với những HS yếu, ngoài tư vấn cho các em thì trường cũng dự kiến mời phụ huynh đến để trao đổi, chia sẻ cũng như tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh các em đó, để phụ huynh cân nhắc hướng đi cho con em mình. Buổi tư vấn này sẽ có sự tham gia của cả đại diện các trường nghề, TCCN.
Theo cô Liễu “việc tư vấn hướng nghiệp hay chọn NV để thi vào các trường THPT trên địa bàn căn cứ vào lực học, khả năng của từng em, không chỉ riêng kết quả học kỳ I, giữa kỳ II mà là cả quá trình học của các em nữa. Đây là việc rất quan trọng và giáo viên chủ nhiệm chính là người trực tiếp tư vấn cho các em”.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có phụ huynh với tâm lý muốn con mình đỗ vào trường công lập để dễ có cơ hội học ở các bậc cao hơn nên đã “né” những lời tư vấn của trường. Ngoài ra, có nhiều phụ huynh lại có tâm lý, trường gần nhà khó đậu (vì điểm cao, vì chỉ tiêu ít…) nên chọn những NV cho con ở những trường THPT khá xa địa bàn cư trú, điều này gây bất tiện đi lại, ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của HS. Vì vậy, hiệu trưởng các trường đều mong muốn phụ huynh cũng như HS hãy thật cân nhắc với sự tư vấn của nhà trường và có những quyết định sáng suốt để chọn NV phù hợp với khả năng của mình.