Tuyển sinh riêng ĐH, CĐ năm 2014: Không thi theo lối truyền thống

Tuyển sinh riêng ĐH, CĐ năm 2014: Không thi theo lối truyền thống
Những trường chưa đủ năng lực hoặc chưa sẵn sàng tuyển sinh riêng sẽ thi theo phương án thi “3 chung” của Bộ GD&ĐT
Những trường chưa đủ năng lực hoặc chưa sẵn sàng tuyển sinh riêng sẽ thi theo phương án thi “3 chung” của Bộ GD&ĐT

(GD&TĐ) - Ngày 26/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có buổi đối thoại trực tuyến tại Cổng TTĐT Chính phủ, trả lời nhiều giải đáp, khúc mắc của học sinh, PHHS… xung quanh những điểm mới trong tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2014. Cùng tham dự buổi đối thoại còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT).

Thi trượt “3 chung” có thể thi đỗ tuyển sinh riêng

ttga.JPG
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Kỳ thi “3 chung” đã kéo dài hơn 10 năm - là kỳ thi có chất lượng và được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã giao một số trường ĐH trọng điểm nghiên cứu để đưa ra phương án đổi mới tuyển sinh, tính đến việc thay đổi phương án thi “3 chung”.

Bởi nếu tiếp tục kỳ thi như vậy thì sẽ không phù hợp với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, chuyển từ cung cấp kiến thức cho học sinh sang kiểm tra năng lực của học sinh; thay đổi phương thức tuyển sinh để định hướng cho cách dạy và học.

Cuộc đối thoại đã tập trung thảo luận, trao đổi các nhóm vấn đề: Quan điểm, ý kiến của Bộ GD&ĐT về những điểm mới trong công tác tổ chức tuyển sinh năm 2014; bàn thảo nhóm nội dung liên quan đến việc quy định về tự chủ tuyển sinh năm 2014 của các trường đại học, cao đẳng; giải đáp thắc mắc của người dân, đặc biệt là các học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh 2014.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các trường ĐH theo Luật Giáo dục Đại học và Nghị quyết T.Ư 8, phù hợp với xu thế phát triển mới của GD ĐH Việt Nam và xu thế chung của thế giới.

Khi giao các trường thực hiện tuyển sinh riêng, cách tuyển sinh sẽ khác thời trước “3 chung”. Cụ thể, khác cơ bản về cách ra đề, phương thức thi, cách đánh giá, xét tuyển. Sẽ không còn những đề thi, cách thi kiểm tra kiến thức như trước kia, mà làm thế nào để kiểm tra năng lực học sinh phù hợp với ngành nghề, năng lực đào tạo của nhà trường. Đổi mới tuyển sinh không rập khuôn như cũ.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga và lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng (Bộ GD&ĐT), khi giao tự chủ tuyển sinh đến các nhà trường ĐH, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn trước. Bởi tuyển sinh riêng không thi theo khối, bắt buộc các môn, mà các trường sẽ có những phương án tuyển sinh đa dạng khác nhau, có thể là thi một môn kết hợp phỏng vấn… mở rộng cơ hội cho các thí sinh bằng đa dạng đề thi, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp vào trường của mình. 

Chính bởi vậy, thí sinh thi "3 chung" thất bại nhưng có thể tìm được thành công với tuyển sinh riêng. Đây là hướng mở khác thi tuyển sinh đại học trong quá khứ.

Lý giải về lộ trình đổi mới tuyển sinh, vị lãnh đạo ngành Giáo dục cho biết: Đặt lộ trình đổi mới tuyển sinh vì để thí sinh quen với thi riêng và các trường có thời gian chuẩn bị chiến lược, kế hoạch chuyển đổi.

Trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đề ra lộ trình 3 năm, để học sinh vào lớp 10 năm nay vẫn có thể thi “3 chung” sau 3 năm nữa. Và các học sinh học theo chương trình với cách dạy - học mới sẽ thích nghi với cách thi mới. Đây là lý do Bộ GD&ĐT không thay đổi tuyển sinh ngay, tránh gây sốc trong xã hội. 

Được biết, Nhật Bản dành thời gian 5 năm để đổi mới tuyển sinh. 

Không lặp lại quá khứ

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, bản chất của đổi mới tuyển sinh không lặp lại quá khứ. Nếu lặp lại tư duy cũ thì không phù hợp với phương thức đổi mới giáo dục hiện nay. Để tuyển sinh riêng, các trường phải nghĩ ra phương thức mới, tuyển sinh thế nào để việc ôn luyện không còn ý nghĩa. Nếu chỉ thi một môn Toán hay Lý, Hóa…, học sinh sẽ chỉ tập trung học một môn. Còn nếu kiểm tra năng lực, kiến thức tổng hợp thì cần có một quá trình tích lũy. 

Nếu tư duy theo kiểu cũ, ra đề thi kiểm tra kiến thức các môn học phổ thông, thì không có cách gì để chấm dứt dạy thêm – học thêm, không đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT được. Để thi đúng, tuyển đúng trường cần có cách thức tuyển sinh, phương án tuyển phù hợp. Với phương pháp thi mới này việc dạy thêm - học thêm, luyện thi tự nhiên không còn đất sống vì không còn cần thiết trong thi cử nữa.

Trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không để luyện thi tái diễn gây nhức nhối như trong quá khứ. Bên cạnh đó, còn có bước tham khảo ý kiến chung trong xã hội với đề án tuyển sinh riêng của các trường.

Tự chủ “đầu vào” không có nghĩa là buông tay chất lượng

Giao quyền tự chủ không có nghĩa là nới lỏng tuyển sinh, buông tay chất lượng – Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

Chia sẻ thẳng thắn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Thời gian qua, có một bài học cay đắng nhất chính là không để ngưỡng tối thiểu về chất lượng khi các tuyển sinh đầu vào, dẫn đến chất lượng người học khi ra trường kém, xã hội quay lưng.

Điều này đã được phân tích và rút kinh nghiệm, để đưa vào quy chế quy định về tuyển sinh riêng: Phải có một ngưỡng tối thiểu để khống chế các trường tuyển sinh lấy từ điểm cao đến ngưỡng đó, không phải lấy tất cả người đăng ký thi để lấp đầy chỉ tiêu.

Không chỉ có các trường ĐH, mà các hệ đào tạo tại chức, liên thông, dạy nghề… cũng sẽ áp đặt ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Tuy nhiên, không cụ thể được ngưỡng tối thiểu là như thế nào, bởi Bộ GD&ĐT chưa biết được Đề án tuyển sinh cụ thể của các nhà trường. Nhưng theo quy định, với từng nội dung đề án cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét và đưa ngưỡng tối thiểu này công bố trước xã hội để lấy ý kiến đóng góp, xem xét.

Tiến tới hình thức đánh giá như SAT

Khẳng định bản chất của đổi mới tuyển sinh là thay đổi căn cơ cách dạy - học trong nhà trường, vị lãnh đạo ngành Giáo dục cho biết, các trường không nên phụ thuộc ra đề thi y như “3 chung”, mà nghĩ ra các đề thi không theo truyền thống xưa nay - đây là mục tiêu của đổi mới tuyển sinh.

Về phía Bộ GD&ĐT, khi giao tự chủ cho các trường, thay vì như lâu nay Bộ ra đề thi, sau này các trường tự làm, hoặc liên kết làm đề thi. Nhiều trường đề nghị có một tổ chức ra đề chung cho các trường – như một cách kiểm tra kiến thức tổng quát. Hiện Bộ GD&ĐT đã thành lập 2 Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục tại ĐHQG HN và ĐHQG TP HCM.

Sau này, sẽ mở rộng chức năng của 2 Trung tâm để cung cấp đề thi tổng quát đánh giá năng lực của học sinh – giống như hình thức thi SAT của Mỹ. Sau đó, trên nền tảng đánh giá này, mỗi trường ĐH lại có những bài kiểm tra, phỏng vấn riêng để lựa chọn thí sinh cho mình. 

Phần việc này sẽ giao cho một tổ chức độc lập thực hiện. Như vậy, sẽ tách bạch công tác quản lý Nhà nước, ban hành, kiểm tra, giám sát… của Bộ GD&ĐT và công tác chuyên môn. 

Bất kỳ phương án tuyển sinh nào trước khi áp dụng đều được Bộ GD&ĐT cân nhắc kỹ càng, được xã hội đóng góp ý kiến. Chính các em học sinh hãy mạnh dạn góp ý để các trường có được phương án tuyển sinh phù hợp nhất.

Kỳ thi tuyển sinh 2014 sẽ không có thay đổi lớn về cách thức thi, các em học sinh hãy vững tâm, học ôn một cách bình thường như lâu nay.

Những năm tiếp theo, các trường chuẩn bị phương án tuyển sinh riêng hoặc cục bộ, hoặc cả trường. Các em học sinh nên chuyển hướng từ học thuộc sang hiểu, vận dụng sáng tạo kiến thức, biến những kiến thức học được thành của mình bằng cách tổng hợp, phân tích, để có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Mốc thời gian thí sinh và các nhà trường lưu ý

- Ngày 28/12/2013: Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh riêng, các nhà trường căn cứ vào Quy chế này để đưa ra phương án tuyển sinh riêng đáp ứng đúng yêu cầu;

- Ngày 10/2/2014: Hạn cuối các trường ĐH, CĐ nộp phương án tuyển sinh về Bộ GD&ĐT. Những phương án này sẽ được công bố rộng rãi trên báo GD&TĐ và các phương tiện truyền thông để lấy ý kiến đóng góp trong toàn xã hội;

- Ngày 10/3/2014: Bộ GD&ĐT công bố danh sách các trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng. Những thông tin này sẽ được Bộ GD&ĐT đưa vào nội dung quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014”.

Những trường chưa đủ năng lực hoặc chưa sẵn sàng tuyển sinh riêng sẽ thi theo phương án thi “3 chung” của Bộ GD&ĐT.

Gia Hân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.