Tuyển sinh lớp 10 THPT ngoài công lập: Tỉnh táo trước quảng cáo quá đà

GD&TĐ - Nhiều trường ngoài công lập chưa được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh do vi phạm quy định hoặc không đủ điều kiện; có trường tuyển sinh khi điều kiện...

Đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất các nhà trường trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Lan Anh
Đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất các nhà trường trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Lan Anh

Có trường tuyển sinh khi điều kiện chưa đảm bảo dẫn đến học sinh phải dừng học, kết thúc năm học sớm khiến phụ huynh rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở.

Chưa đủ điều kiện tuyển sinh

Theo quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT ngoài công lập năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội giao 88 trường tuyển sinh 30.961 học sinh. So với năm trước, số chỉ tiêu tăng hơn 4 nghìn. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20 trường chưa đủ điều kiện tuyển sinh.

Có thể đến các trường THPT: Trần Đại Nghĩa (Chương Mỹ), Lê Hồng Phong (Hà Đông) Tô Hiến Thành (Hà Đông), Phan Bội Châu, Xuân Thủy (Nam Từ Liêm), Trần Thánh Tông (Nam Từ Liêm), Đặng Thai Mai (Sóc Sơn), Đa Trí Tuệ (Cầu Giấy)...

Một trong những lý do các trường chưa đủ điều kiện tuyển sinh là: Không hoàn thiện hồ sơ về cấp phép hoạt động giáo dục; điều kiện cơ sở pháp lý về hợp đồng thuê mượn địa điểm; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo đúng quy định. Cùng đó, nhiều trường chưa hoàn thiện hệ thống tuyển sinh trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để chuẩn bị cho công tác thi, tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập 7 đoàn kiểm tra tình hình, điều kiện thực tế, sau đó mới xem xét, quyết định phê duyệt, giao chỉ tiêu với từng đơn vị. Sở kiên quyết không giao chỉ tiêu cho các đơn vị không đảm bảo điều kiện.

Năm học trước, trong đợt 1, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ giao chỉ tiêu cho 95 đơn vị đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10 và công bố 14 trường chưa đủ điều kiện. Sau đó, sở đề nghị thủ trưởng các cơ sở giáo dục trên nghiêm túc triển khai, hoàn thiện nội dung còn thiếu theo quy định để được xem xét, giải quyết. Trong đợt 2, sở đã cho phép 6 trường bổ sung chỉ tiêu.

Trong khi đó, năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT TPHCM cũng chưa giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho nhiều trường phổ thông ngoài công lập. Cụ thể, Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngôi Sao Nhỏ chưa xây dựng kế hoạch đăng ký tuyển sinh; Trường THCS và THPT An Đông đang ngưng hoạt động giáo dục và chuyển giao quyền sở hữu trường.

Trường Tiểu học – THCS - THPT Quốc tế Mỹ chưa có phương án tổ chức hoạt động giáo dục; Trường THCS và THPT Phan Bội Châu chưa cung cấp hồ sơ minh chứng đủ điều kiện về địa điểm tổ chức hoạt động giáo dục; Trường THCS - THPT Hàn Việt chưa được cấp phép hoạt động giáo dục, Trường Tiểu học – THCS - THPT Anh Quốc, Trường THCS - THPT Quốc tế APU chưa thực hiện phê duyệt chương trình tích hợp...

Phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của một trường ngoài công lập tại Hà Nội. Ảnh: Lan Anh

Phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của một trường ngoài công lập tại Hà Nội. Ảnh: Lan Anh

Tỉnh táo khi lựa chọn

Từ tháng 2/2024, nhiều trường ngoài công lập đã đăng thông tin tuyển sinh rầm rộ trên website và các nền tảng mạng xã hội để cuốn hút học sinh. Đáng chú ý nhiều, trường chưa được giao chỉ tiêu vẫn đăng tải các thông tin tuyển sinh. Do đó, phụ huynh, học sinh cần tìm hiểu kỹ về thông tin trước khi lựa chọn.

Chị Nguyễn Thu Hằng có con học tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Để giảm áp lực trước kỳ thi vào lớp 10, tôi đã chọn cho con một trường ngoài công lập. Dù Hà Nội không thiếu trường ngoài công lập, nhưng để chọn một môi trường học tốt là điều không dễ. Bởi nhiều trường ngoài công lập có cơ sở vật chất không đảm bảo, phải đi thuê địa điểm, chất lượng giáo viên không cao. Không ít trường nảy sinh tranh chấp giữa các cổ đông, khiến việc học tập của học sinh bị ảnh hưởng…”.

Có con chuẩn bị tham gia kỳ thi vào lớp 10, anh Nguyễn Quốc Hưng (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ngoài công lập và thấy nhiều quảng cáo rất hay như giảm áp lực thi cử, học trong môi trường sáng tạo với cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại; học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Có nhiều bình luận đánh giá tốt về trường giúp phụ huynh này thêm yên tâm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Giám đốc điều hành Trường THPT Hòa Bình - Latrobe (Hà Nội) cho biết, có đến 80% phụ huynh được hỏi nói rằng, tìm hiểu thông tin về chất lượng trường học thông qua truyền miệng hoặc đã có con, cháu học ở đó. Vấn đề khó khăn phụ huynh gặp phải là không hiểu chương trình nhà trường đang đào tạo, chất lượng đầu ra thế nào.

Điều quan trọng là phụ huynh phải dựa vào năng lực của con để lựa chọn ngôi trường phù hợp. Bởi rất khó để đánh giá, so sánh giữa trường này với trường khác vì mục tiêu giáo dục mỗi trường khác nhau. Đối với trường đã khẳng định được thương hiệu, có điều kiện tuyển được học sinh giỏi, kết quả đào tạo tốt, tỷ lệ học sinh đỗ trường đại học tốp đầu cao.

Còn những trường THPT tốp dưới, tuyển sinh đầu vào ở mức trung bình nhưng nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức, tăng cường trải nghiệm, học gắn với thực hành cho học sinh. Do đó phụ huynh khi tìm hiểu trường tư thục nào nên đến tận nơi để xem cơ sở vật chất, tìm hiểu chất lượng giáo dục… thay vì nghe thông tin trên các diễn đàn, dễ bị định hướng sai lệch.

Trong khi đó, thầy Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) cho rằng, đa số phụ huynh e ngại trường ngoài công lập, chọn trường công vì học phí rẻ. Ngoài ra, nhiều người có quan niệm, hệ thống trường công lập sẽ thực hiện nghiêm túc chuyên môn dạy học, chất lượng đảm bảo, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư khang trang. Trong khi đó, một số trường ngoài công lập đi thuê nên không gian học tập chật chội, thiếu thốn đủ bề.

Quan niệm trên cho thấy nhiều người còn mơ hồ về hệ thống GD ngoài công lập. Thực tế, trường ngoài công lập có vai trò quan trọng trong nền giáo dục, góp phần đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập học sinh và lựa chọn của phụ huynh. Nhiều năm gần đây, chất lượng giáo dục nhiều trường tư thục đã tăng lên rất nhiều.

Tuy nhiên, vẫn có đơn vị không đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhiều trường không đủ điều kiện tuyển sinh dẫn đến không đủ kinh phí để hoạt động, khiến quyền lợi học sinh bị ảnh hưởng, phải dừng học, kết thúc học sớm để chuyển sang trường khác. Do đó, phụ huynh cần tỉnh táo trước thông tin quảng cáo của các đơn vị. Tìm hiểu kỹ để có thể lựa chọn cơ sở giáo dục uy tín, đủ điều kiện tuyển sinh theo quy định.

Để tăng cường công tác quản lý, kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục yêu cầu các trường ngoài công lập xây dựng phương án tuyển sinh cụ thể, chi tiết trình sở thẩm định, phê duyệt. Phương án tuyển sinh phải công khai trên website của sở hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. Sở cũng yêu cầu các trường phải tuyển sinh trực tuyến để tránh tình trạng xếp hàng xuyên đêm xin học đã từng xảy ra trong năm học trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ