Tuyển sinh lớp 10 THPT ngoài công lập: Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

GD&TĐ - Những năm gần đây, bên cạnh một số trường ngoài công lập khẳng định được uy tín với phụ huynh, thì không ít trường tuyển sinh khó khăn.

Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TPHCM) không ngừng nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy. Ảnh: TT
Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TPHCM) không ngừng nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy. Ảnh: TT

Nhiều chính sách thu hút

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi mà Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp, TPHCM) luôn đạt chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thuyên, nhà trường bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 15/5 hằng năm, hình thức tuyển sinh là xét tuyển học bạ.

Trường có nhiều chính sách ưu đãi với học sinh khối 10 như: Giảm 30% học phí tháng đầu tiên cho học sinh khối 10 đăng ký nhập học tại trường; giảm 20% học phí cho học sinh đặc biệt khó khăn, 10% học phí cho học sinh có anh, chị, em học cùng trường. Ngoài ra, cơ sở này giảm 100% học phí đối với học sinh có học lực xuất sắc năm lớp 9.

“Đặc biệt nhà trường dành chính sách ưu đãi cho 30 học sinh đăng ký đầu tiên tại trường được hưởng các chế độ: Tặng đồng hồ, điện thoại, IPad, máy tính tùy thuộc vào hệ bán trú và nội trú. Cùng đó, những năm qua, học phí nhà trường khá ổn định. Nhờ các chính sách thu hút, hỗ trợ nên hằng năm nhà trường luôn đạt chỉ tiêu tuyển sinh được giao”, thầy Thuyên cho hay.

Tương tự, nhờ không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ nhà giáo và nâng cao chất lượng đào tạo, những năm gần đây, Trường Tiểu học -THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm tại TPHCM và Bình Dương đã tạo được uy tín đối với phụ huynh. Đặc biệt, với dịch vụ chăm sóc học sinh kèm chính sách ưu đãi học phí phù hợp, các cơ sở của trường đều nhận được sự tin tưởng và lựa chọn của nhiều gia đình.

Thầy Huỳnh Linh Sơn - Phó Hiệu trưởng cho biết: Ngoài tập huấn cho giáo viên về đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc học sinh như: Xe đưa rước, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống và các biện pháp nâng cao năng lực tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế. Nhà trường còn thiết kế các nhóm môn học lựa chọn linh hoạt để học sinh phát huy sở trường, theo học các môn mình yêu thích.

Ở chiều ngược lại, Trường Tiểu học – THCS - THPT Việt Mỹ (quận Tân Bình, TPHCM), từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay việc tuyển sinh lớp 10 không đạt nửa chỉ tiêu. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Mai lý giải, nguyên nhân do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, không ít gia đình gặp khó khăn về kinh tế.

“Năm học 2023 – 2024, nhà trường có 60 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10, tuy nhiên chỉ tuyển được khoảng 25 em. Dù sau dịch Covid-19, trường không tăng học phí, thậm chí có nhiều ưu đãi cho phụ huynh đóng học phí sớm hay đóng cả năm học, tuy nhiên tình hình không được cải thiện. Mong rằng năm học này sẽ khác”, cô Mai chia sẻ.

Tiết học của học sinh Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: NT

Tiết học của học sinh Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: NT

Chú trọng nâng tầm chất lượng

Những năm trước, học sinh chỉ cần tốt nghiệp THCS là có thể đăng ký vào học lớp 10 tại Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TPHCM). Tuy nhiên từ năm học 2023 - 2024, cơ sở này đã thay đổi đối tượng xét tuyển, cụ thể học sinh phải có điểm trung bình 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh năm lớp 9 đạt 6.0 trở lên mới tiếp nhận hồ sơ. Riêng với học sinh không đạt nhưng có nguyện vọng học, nhà trường tổ chức một khóa hè để ôn tập kiến thức. Trước khi bước vào năm học, trường tổ chức “test” lại, nếu đạt yêu cầu sẽ nhận vào học.

Thầy Hoàng Minh Huy - Chủ tịch hội đồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, thay đổi đối tượng xét tuyển, nhằm đưa nhà trường hướng đến phân khúc “tầm trung”. Do đó, nhà trường đã nỗ lực trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ điều kiện, xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo theo xu hướng hội nhập, tăng cường dạy ngoại ngữ và kỹ năng sống.

Đặc biệt, từ năm 2023 - 2024, nhà trường tổ chức giảng dạy IELTS cho học sinh và cam kết đảm bảo khi các em tốt nghiệp THPT đều đạt trình độ 4.0 đối với năm học này và 5.0 đối với năm học 2024 - 2025. Tất nhiên khi thực hiện các chương trình này, học phí của nhà trường phải tăng lên.

“Khi thay đổi như vậy số học sinh chuyển đi khá nhiều, nhưng nhà trường chấp nhận một cuộc “đại phẫu”. Năm học vừa rồi tuyển sinh được 80 học sinh lớp 10 chỉ đạt khoảng 60% chỉ tiêu đề ra. Song với những thay đổi, nỗ lực đổi mới chương trình giảng dạy, năm học tới đây tin rằng việc tuyển sinh vào lớp 10 sẽ khởi sắc”, thầy Huy bộc bạch.

Tại Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân, TPHCM), học sinh chỉ cần có nguyện vọng, trường sẽ nhận hồ sơ và xét tuyển theo tiêu chí riêng. Trường vẫn dạy đủ các môn văn hóa theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT quy định, học sinh còn được tham gia hoạt động ngoại khóa và câu lạc bộ để phát triển thể chất, năng khiếu. Đặc biệt, các em bị hổng kiến thức nhiều sẽ được phụ đạo, quan tâm chăm sóc tận tình để bắt kịp bạn cùng lớp.

“Những năm gần đây dù tuyển sinh lớp 10 có phần khó khăn nhưng trường vẫn tuyển sinh ổn định, số lượng học sinh tăng, tạo được uy tín, sự tin tưởng đối với phụ huynh và học sinh. Nhà trường cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để học sinh có môi trường học tập tốt nhất”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mỹ Lệ khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có nhiều lựa chọn như: Thi tuyển vào lớp 10 công lập, đăng ký học các Trung tâm GDTX, trường nghề hay trường ngoài công lập.

Với trường ngoài công lập, nhà đầu tư khi mở trường đều cố gắng đầu tư cơ sở vật chất và chương trình đào tạo để thu hút được nhiều học sinh, từ đó khẳng định thương hiệu. Nếu các em không đỗ vào lớp 10 công lập có thể chọn trường tư thục phù hợp để học. Tất nhiên phụ huynh phải cân nhắc lựa chọn những ngôi trường phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như năng lực của trẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng kho tủ cơm Quang Huy Plaza Suất ăn công nghiệp dịch vụ nấu ăn tại nhà