Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Căng thẳng cũng bởi phụ huynh “đa mang”

GD&TĐ - Ngày 22/6 là hạn cuối cùng xác nhận nhập học vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội. Nếu trượt trường công, thí sinh vẫn còn nhiều “cửa” ngoài công lập. Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy (Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội), cha mẹ HS bớt “đa mang” trong chọn trường cho con thì kỳ tuyển sinh cũng đỡ căng thẳng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Bà có nhận xét gì về tình hình tuyển sinh lớp 10 THPT năm trước so với năm nay?

- Từ tình trạng tuyển sinh năm ngoái, không ít phụ huynh như “chơi chứng khoán” với việc thi của con và nộp hồ sơ nhập học vào trường. Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có một số bước cải tiến trong tuyển sinh vào lớp 10. Từ góc độ nhà trường, tôi thấy đã có tác dụng rõ rệt.

Sở công bố sớm kết quả thi vào lớp 10 giúp phụ huynh biết khả năng trúng tuyển của con vào trường nào. Có thêm 1 tuần để phụ huynh suy nghĩ và tính toán cho kỹ quyết định cuối cùng về chọn trường cho con.

Công bố sớm điểm thi, kết thúc sớm tuyển sinh vào lớp 10 cũng là một đổi mới rất hợp lý, tạo thuận lợi cho các trường THPT tập trung lo cho HS lớp 12 bước vào Kỳ thi THPT quốc gia - một kỳ thi quan trọng có tính chất quyết định đối với 12 năm học phổ thông của một đời người.

- Theo bà, các trường ngoài công lập (trường tư) năm nay có bớt căng thẳng trong xét tuyển vào lớp 10?

- Sở GD&ĐT năm nay đã tạo điều kiện cho các trường tư chủ động hơn trong tuyển sinh đầu cấp. nhà trường tư có thể sớm tổ chức dự tuyển cho HS mong muốn vào học tại trường bằng hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển. Do đó, những HS có mong muốn vào học lớp 10 THPT công lập mới phải dự kỳ thi tuyển vào lớp 10 chung toàn thành phố. Còn đối với những gia đình mà phụ huynh HS xác định được rõ ràng mục tiêu cho con theo học trường tư, HS không cần thi kỳ thi tập trung này; dự tuyển vào trường tư đỗ là nộp hồ sơ. Thậm chí khi chưa có điểm chuẩn vào trường công thì có trường tư thực hiện tuyển sinh gần như xong.

Thêm nữa, năm nay trong tuyển sinh đầu cấp THPT đã thấy rõ trách nhiệm của cha mẹ HS, qua việc Sở yêu cầu phụ huynh xác nhận trường học mà HS muốn dự tuyển bằng hệ thống online. Mỗi HS có một mã tài khoản tuyển sinh online. Do đó, sau khi nộp hồ sơ vào một trường, mã tài khoản của HS được cập nhật lên hệ thống sẽ hạn chế được việc rút hồ sơ ra để nộp sang trường khác. Nếu phụ huynh HS đã mở cho con mã tài khoản vào trường này thì không thể cùng lúc mở vào trường khác nữa.

- Năm ngoái, có hiện tượng phụ huynh HS và một số trường ngoài công lập tranh cãi gay gắt về khoản tiền ghi danh, nhập học không được nhà trường trả lại khi phụ huynh rút hồ sơ chuyển cho con sang trường khác. Vậy năm nay, tình trạng này liệu có xảy ra?

- Đây cũng là một vấn đề có sự đổi mới về quản lý của Sở GD&ĐT Hà Nội. Năm nay Sở bày tỏ rõ quan điểm với cha mẹ HS rằng phí ghi danh ở trường ngoài công lập là sự thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường, Sở giao quyền tự chủ cho trường tư trong vấn đề này và sẽ ít can thiệp vào thỏa thuận đó.

Thực tế nhiều phụ huynh HS đã xác định từ đầu mong muốn cho con học trường công lập, tính toán kỹ trong việc đăng ký cho con dự tuyển và thi vào trường công với nguyện vọng 1, nguyện vọng 2. Nếu cả hai nguyện vọng này đều không đạt sau khi HS tham gia kỳ thi chung và không đủ điểm xét tuyển, lúc đó phụ huynh mới có sự lựa chọn khác, đó là tìm đến trường ngoài công lập còn chỉ tiêu và còn nhận HS. Sự loạn nhịp trong tuyển sinh lớp 10 sau khi công bố điểm thi, điểm chuẩn của các trường chính là ở chỗ này.

Tuy nhiên đáng lo ngại nhất vẫn là tình trạng phụ huynh “đa mang” trong chuyện chọn trường cho con dự tuyển vào lớp 10. Thậm chí, có gia đình không biết nên cho con học trường công hay trường tư, cứ chạy theo đám đông, thấy mọi người nói trường này hay, trường kia tốt liền bắt chước theo. Có không ít trường hợp phụ huynh không hề tìm hiểu đầy đủ về trường cho con đăng ký dự tuyển, không quan tâm trường học đó có tốt cho con mình, đó có phải là mô hình GD phù hợp với mong muốn của HS hay định hướng của cha mẹ. Đáng lo ngại hơn là có những người đợi xem điểm thi của con như thế nào rồi mới quyết định nộp đơn vào trường nào.

Trong khi đó, việc chọn trường ở bậc THPT vẫn rất mở rộng cho phụ huynh, phụ thuộc vào khả năng học của con, khả năng tài chính của cha mẹ HS, mô hình GD phù hợp với HS và mong muốn của gia đình...

- Cảm ơn bà!

“Khối các trường ngoài công lập hiện nay “trăm hoa đua nở”, ngay chính phụ huynh cũng có những người hoang mang không biết cho con học trường tư nào, khi cả hai nguyện vọng công lập đều không đạt” - bà Nguyễn Thị Minh Thúy nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.